Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tự hủy hoại bản thân do rối loạn cảm xúc

Tạp Chí Giáo Dục

Thiếu kiểm soát hành vi cá nhân, những người mắc chứng rối loạn cảm xúc (RLCX) lưỡng cực (gọi tắt là RLCX hay rối loạn lưỡng cực) đã đem lại cho họ hậu quả nặng nề về công việc, sinh hoạt và các mối quan hệ xã hội. Nguy hại hơn người bị RLCX lưỡng cực còn tự gây tổn hại cho cơ thể và tinh thần cho bản thân nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời.

Các điều dưỡng chăm sóc người bệnh tại Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Tân Định (tỉnh Bình Dương)

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu tâm thần học, tuy chỉ xấp xỉ 1% so với tổng dân số chung nhưng RLCX đều xuất hiện ở cả phái nam và nữ với tỷ lệ ngang bằng nhau.

Tổn hại về tinh thần và cơ thể

Người anh trai của chị M. nhà ở P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa, Đồng Nai thường lầm lũi suốt ngày, thế nhưng có điều gì phật ý dù chỉ là mấy chuyện vặt trong nhà thì anh ta lại cáu kỉnh, la hét liên tục giống như người sợ bị cắt cổ. Là người nhà nên ai cũng đành phải ráng chịu vì dù sao cũng là máu mủ của mình. Chị M. kể, một lần bị người mẹ trách mắng vì đã làm hư chiếc quạt máy, anh ta đã tự lấy dao chặt đứt một ngón tay bên trái của mình. Từ đó ai cũng phải cưng chiều không dám to tiếng dù biết anh ta làm sai.

Theo ThS. Chu Văn Điếu – nguyên BS Chuyên khoa Thần kinh (BV Tâm thần TW) thì: “Các bậc phụ huynh cần quan tâm tới con cái mình ở độ tuổi học sinh vì các em dễ bị RLCX do áp lực từ nhiều phía. Khi phát hiện ra sự cố người thân phải biết cách xử trí mau lẹ và đưa đến BV để chữa trị kịp thời”.

BS Lê Thị Phượng – Trưởng phòng Y tế Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức cho biết, RLCX là một rối loạn từ trong não bộ đã gây ra sự biến đổi cảm xúc không ổn định. Hội chứng có tính chất chu kỳ xen kẽ giữa hai thái cực ức chế – hưng phấn. Từ cảm xúc hưng phấn, người bệnh chuyển sang cảm xúc ức chế trong khoảng thời gian ngắn và ngược lại. Chính vì thế người bệnh hầu hết không tự điều khiển được cử chỉ, hành vi của mình giống như người bình thường.

Sự giúp đỡ của cộng đồng cũng là một liều thuốc quý

Theo BS Phượng, hưng cảm, trầm cảm, hỗn hợp giữa hưng cảm và trầm cảm là những biểu hiện rõ nhất của hội chứng RLCX. Về tỷ lệ, người mắc chứng RLCX là nam và người mắc chứng RLCX là nữ đều ngang nhau trong đó tập trung cao ở độ tuổi trưởng thành từ 20 đến 40 tuổi. Thực tế cho thấy, trong khi phụ nữ có giai đoạn ức chế trầm cảm kéo dài thì ngược lại ở đàn ông giai đoạn hưng cảm nhiều hơn phụ nữ. Điều đáng nguy hại nhất là người bệnh có thể tự gây tổn hại cho bản thân mình như tự cắt tay, chân và các bộ phận khác trên cơ thể vì có cảm giác thừa thãi không cần thiết. Các xung động, kích động như la hét, đập phá, chửi mắng cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh. Trong lúc lên cơn bản thân những người mắc chứng RLCX lại không nhận ra đó là điều nguy hiểm và nghiêm trọng như thế nào. Hầu như bản năng đã điều khiển hành vi nên dù bị tổn thương về cơ thể như tự cắt tay, chặt chân họ đều không có cảm giác đau đớn nhiều như lúc bình thường. Chỉ đến khi nào hết cơn thì họ mới nhận ra được điều này nhưng lúc đó thì đã quá muộn. Theo khảo sát, 1/3 người bị RLCX có triệu chứng liên tục trong suốt cuộc đời, còn lại chỉ khi nào hưng cảm hay ức chế lên đến đỉnh điểm thì chứng RLCX mới bùng phát mạnh mẽ. Đây là điều rất khó đề phòng nhất là đối với người thân trong gia đình vì mất cảnh giác. Chính vì thế BS Phượng đã có lần bị một người bệnh vốn rất thương yêu mình từ nhiều năm chỉ một lần lên cơn đã mạnh tay hất cả tô cà ri nóng vào người. Sau khi ý thức được hành vi người bệnh đó lại rối rít xin lỗi vì ân hận. Đó cũng là câu chuyện của một thanh niên 26 tuổi tỉnh Thái Nguyên đã tự cắt rời bộ phận sinh dục của mình trong lúc bị kích động và ngưng uống thuốc RLCX theo hướng dẫn của thầy thuốc. Trước đó một nhân viên y tế ở Cần Thơ mắc chứng rối loạn nhận dạng toàn diện cơ thể đã tự tháo khớp chân trái của mình làm cho dư luận bàng hoàng. 

ThS. Chu Văn Điếu – nguyên BS Chuyên khoa Thần kinh (BV Tâm thần TW) cho biết, về điều trị RLCX người thầy thuốc phải dựa vào tình trạng bệnh pha hưng cảm hay pha trầm cảm để tùy theo loại thuốc uống từ 9 đến 12 tháng. Phải cho người bệnh khám đúng hẹn dù bệnh đã thuyên giảm để BS kiểm soát và theo dõi tổng thể. Bản thân người bệnh phải hòa nhập tham gia vào nhóm đồng đẳng để được người cùng cảnh ngộ giúp đỡ. Theo BS Điếu, hội chứng RLCX không nên để quá muộn, phát hiện sớm thì việc chữa trị càng có hiệu quả nhanh. Gia đình bạn bè không phân biệt mà phải có sự cảm thông chia sẻ giúp người bệnh về mặt tinh thần để họ tự điều khiển được hành vi và nhanh chóng phát hiện sự cố nếu có vấn đề bất thường tránh được hậu quả đáng tiếc. Các bậc phụ huynh cần quan tâm tới con cái mình ở độ tuổi học sinh vì các em dễ bị RLCX do áp lực từ nhiều phía. Khi phát hiện ra sự cố người thân phải biết cách xử trí mau lẹ và đưa đến BV để chữa trị kịp thời.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)