Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Từ kỳ thi THPT 2011: thầy đoán đề, trò học tủ

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 vừa qua, đề thi môn Văn được nhiều người quan tâm. Cụ thể ở câu hỏi số 1 của môn Văn được đánh giá là một câu hỏi hay và vừa sức nhưng lại gây ra không ít bỡ ngỡ cho học sinh và cho cả giáo viên. Phần lớn những giáo viên được hỏi cho rằng đề ra bất ngờ và nhiều học sinh cũng không làm bài được vì cảm thấy lúng túng. Tại sao?

Câu hỏi ấy như sau: “Trong đoạn cuối truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kĩnhìn lâu hơn tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó nói lên điều gì?”. Đây là một câu hỏi hay và vừa sức. Hay bởi lẽ cách hỏi phát huy được khả năng tư duy và năng lực cảm thụ văn chương của học sinh. Vừa sức bởi lẽ nó không đánh đố, bám sát chương trình, hỏi về một chi tiết quan trọng không thể bỏ qua khi dạy và học “Chiếc thuyền ngoài xa”. Thế nhưng lạ một điều là một câu hỏi hay và vừa sức như thế lại gây ra không ít bỡ ngỡ cho học sinh và cho cả giáo viên. Phần lớn những giáo viên được hỏi cho rằng đề ra bất ngờ. Nhiều học sinh không làm bài được vì cảm thấy lúng túng trước một dạng đề còn xa lạ với các em.

Một lớp ôn thi tốt nghiệp 12 ở huyện Bắc Hà, Lào Cai. Ảnh Tráng Xuân Cường

Nguyên nhân của điều này có lẽ xuất phát từ cách ra đề của Bộ GD-ĐT. Nhiều năm liền, câu hỏi 1 trong đề thi tốt nghiệp môn Ngữ Văn ra trong phần văn học nước ngoài. Nếu có ra phần văn học Việt Nam thì thường cũng chỉ dừng lại ở mức độ trình bày hiểu biết về tác giả, tác phẩm. Cách ra đề như thế tạo cho giáo viên và học sinh thói quen đoán đề và học tủ. Có những giáo viên dành nhiều thời gian  đoán đề và yêu cầu học sinh học tủ thay vì cung cấp kiến thức và hướng dẫn kĩ năng để học sinh có thể làm được bất cứ dạng đề nào. Nhiều học sinh chỉ học kĩ một vài bài, luyện một vài kiểu đề mà bản thân mình hoặc các thầy cô giáo đoán là sẽ ra. Những bài còn lại hầu như không ngó ngàng tới. Học tủ và đoán đề nếu có trúng chăng nữa cũng chỉ trúng khi đề thi ra theo hướng quen thuộc như từ trước đến giờ. Đề thi đi chệch khỏi hướng ấy, lẽ dĩ nhiên gây ra không ít khó khăn, bỡ ngỡ. Cũng giống như một người ngày này qua ngày nọ đi mãi trên một con đường mòn. Nay bảo đi theo đường khác thì tránh sao khỏi bị lạc.
Thói quen đoán đề và học tủ còn là sản phẩm của một tư tưởng lạc hậu và một tầm nhìn hạn hẹp trong giáo dục. Mục đích cao quý nhất của giáo dục là bồi dưỡng cho con người trí tuệ và nhân cách, giúp con người hiểu biết và sống đẹp hơn chứ không phải là để đạt được mấy điểm trong thi cử.
Đã đành rằng học thì phải thi và điểm thi là thước đo để đánh giá trình độ của người học. Nhưng điểm thi chỉ đáng quý khi nó được tạo nên từ năng lực thực sự của người học. Cho nên nhiệm vụ của người giáo viên là cung cấp kiến thức và hướng dẫn kĩ năng để học sinh làm bài tốt. Nhiệm vụ của học sinh là ôn tập thật kĩ tất cả mọi kiến thức cần thiết dành cho kì thi. Tuyệt đối không được dựa vào chuyện đoán đề hay học tủ. Nói thế để thấy rằng cần thiết phải loại bỏ tình trạng “thầy đoán đề, trò học tủ” trong một bộ phận giáo viên và học sinh ta hiện nay. Muốn thế phải tiếp tục đổi mới cách ra đề theo hướng sáng tạo, phong phú và đa dạng hơn. Đồng thời phải có biện pháp tạo nên sự thay đổi từ trong nhận thức, tư tưởng và suy nghĩ của chính giáo viên và học sinh.               
Hồ Tấn Nguyên Minh
(Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên)

 

 

Bình luận (0)