Theo PGS.TS Trần Liên Hà, phó trưởng bộ môn Vi sinh – Hóa sinh – Sinh học phân tử, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, vi sinh vật có nhiều loại và được chia ra thành 3 loại theo nhiệt độ là vi khuẩn ưa lạnh, vi khuẩn ưa ấm và vi khuẩn ưa nóng. Vì thế, tùy vào môi trường các loại vi khuẩn sẽ phát triển khác nhau. Điều này lý giải vì sao ở nhiệt độ thấp như trong tủ lạnh hay quá cao như khi luộc trứng, nước nóng vẫn có vi khuẩn tồn tại.
Tuy nhiên, với điều kiện môi trường bình thường, vi khuẩn phát triển ở nhiệt độ từ 28 – 35oC. Khi cho thực phẩm vào tủ lạnh, tức nhiệt độ thấp hơn, vi khuẩn bị ức chế phát triển chậm lại. Đây cũng là lý do nhiều người hiểu sai rằng cho thức ăn vào tủ lạnh sẽ không bị hỏng do không có vi khuẩn.
Mẫu tủ lạnh khảo sát tại một hộ gia đình ở Cầu Giấy, Hà Nội. |
Thực tế, sau một thời gian ngắn bị ức chế do thay đổi nhiệt độ, vi khuẩn lại thay đổi và thích ứng với môi trường đó. Nếu để thức ăn lâu trong tủ lạnh sẽ gây ra hiện tượng vi khuẩn phát tán khắp tủ lạnh và "chai lì" với nhiệt độ thấp, dẫn đến nguyên nhân nhiều tủ lạnh khi kiểm tra có hàng triệu triệu con vi khuẩn với các loài khác nhau trong đó.
Ở phương diện khác, PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học nhiệt lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, vi khuẩn trong tủ lạnh có thể có rất nhiều. Bởi nhiệt độ làm mát hoặc lạnh vừa phải của tủ lạnh, một số loài vi khuẩn chỉ bị làm ngưng hoặc giảm hoạt động chứ không diệt được vi khuẩn. Còn một số vi khuẩn khác vẫn phát triển, đấy là chưa kể đến có nhiều loại vi khuẩn hiện nay rất ưa lạnh. Chúng có thể sống và phát triển ở nhiệt độ -20 đến -3o.
Tủ lạnh không phải cái chạn
Theo khảo sát của phóng viên với 24 tủ lạnh ở các hộ gia đình trên địa bàn quận Cầu Giấy và Hoàng Mai (Hà Nội), có đến 17/24 tủ lạnh chứa thức ăn cũ đến 2 – 3 ngày, trong đó có 5 tủ lạnh để các đĩa, bát thức ăn mà không có vật che đậy.
Đặc biệt trong một số tủ lạnh, phóng viên ghi nhận được gia đình sử dụng chẳng khác gì một chiếc chạn, nhiều thực phẩm được bọc trong túi nilon và nhét ở cánh tủ, trong khi các bát đĩa đựng thức ăn thừa được xếp đầy trong các ngăn tủ, chưa kể hoa quả, rau củ cũng gói trong túi nilon và để lẫn với thực phẩm tươi sống.
Bà Trần Thị Phương (Cầu Giấy) cho biết, các thực phẩm, dù sống hay chín, nếu để lâu bà thường cho lên ngăn đá, còn chỉ để dùng trong 2 – 3 ngày thì để ngăn mát. Và chỉ những ngăn để thức ăn mặn hoặc đồ tươi sống mới cần chú ý vệ sinh, còn ngăn rau quả nhà bà chỉ để riêng rau và hoa quả nên sạch sẽ, chẳng phải lau rửa gì…
Theo các chuyên gia, thức ăn để bảo quản trong tủ lạnh cần được phân loại nhằm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn cũng như không bị hỏng khi dùng lại. Thức ăn tươi cần để ngăn riêng trên cùng có chắn để hạn chế vi khuẩn phát tán ra không gian tủ.
Các loại thức ăn như tô canh, đĩa thức ăn sau khi cho đũa vào cần để riêng và ăn nhanh, bởi thức ăn này chứa nhiều vi khuẩn được truyền từ đũa và từ miệng. Thức ăn còn lại sau khi ăn nếu được hâm lại sẽ ít vi khuẩn nhất.
Các loại thức ăn sau khi cho vào tủ lạnh nên ăn luôn bữa sau hoặc bảo quản lâu nhất là 2 ngày, nhưng cần đậy điệm cẩn thận và để tách riêng với thực phẩm tươi sống. Bánh kẹo khô, thức ăn mặn thường có nồng độ muối, đường cao nên ức chế vi khuẩn, ít bị hư hỏng. Mỗi tháng nên rửa các ngăn tủ lạnh một lần bằng xà phòng để loại bỏ vi khuẩn.
Các nhà nghiên cứu của Công ty Microban Europe (Anh) đã phân tích tình trạng của những ngăn đựng rau quả trong 30 chiếc tủ lạnh do các hãng khác nhau sản xuất. Kết quả trung bình mỗi centimet vuông có tới 8.000 khuẩn lạc thuộc nhiều loại, có trường hợp số vi khuẩn lên tới 129.000 khuẩn lạc, bao gồm cả trực khuẩn đường ruột, samonelle và listeria. Theo tiêu chuẩn châu Âu, lượng vi khuẩn cho phép trên các bề mặt gọi là "sạch" không vượt quá 10 khuẩn lạc/cm2. Như vậy, số vi khuẩn trong ngăn bảo quản rau quả của một chiếc tủ lạnh như vậy đã vượt giới hạn cho phép đến 800 lần. |
Bình luận (0)