Tủ lạnh đang dùng bỗng nhiên phát nổ đang là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng. Thời gian gần đây, có nhiều vụ nổ làm chết người mà thủ phạm là những chiếc tủ lạnh để ngay trong nhà.
Hạn chế dùng tủ lạnh đã gỉ sét cũ kỹ cũng như để những nơi ẩm thấp sẽ dễ phát nổ |
Theo giảng viên Bùi Đức Long – Phó Trưởng khoa Cơ Điện Lạnh (Trường TC Nghề Nhân Đạo, TP.HCM) thì ngoài các tủ lạnh cũ kỹ, hàng nhái còn có những nguyên nhân khác do người sử dụng không đúng cách đã dẫn đến phát nổ bất thường.
Những tiếng nổ bất ngờ
Mới đây, khi bật bếp gas để chuẩn bị bữa ăn sáng thì vợ chồng bà L. ngụ P.ĐaKao, Q.1 bỗng nghe tiếng nổ lớn phát ra từ chiếc tủ lạnh đặt cạnh bếp và sau đó cả hai đã ngã lăn ra đất do sức ép quá lớn. Khi người nhà phát hiện thì ông bà đã có nhiều vết bỏng trên người phải chở đi cấp cứu. Sau khi cơ quan chức năng kiểm tra, tại hiện trường chiếc tủ lạnh mang nhãn hiệu của Nhật đã bể tung cánh cửa, nhiều chỗ bị vỡ kèm theo vài chỗ bị cháy đen. Theo khai báo của gia đình thì chiếc tủ lạnh mới được mua đầu năm 2016 và thường chỉ đựng các thực phẩm tươi sống như thịt cá, rau trái, củ quả, nước đá…
Cách đây gần 2 tuần, tại Bình Dương lại thêm một vụ nổ tủ lạnh khiến 1 người tử vong và 3 người còn lại bị thương nặng. Ngày 22-10, một đám cháy lớn đã xảy ra tại một ki-ốt bán hàng trên đường D11, thuộc khu dân cư Việt Sing, P.An phú, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đám cháy không gây thiệt hại nhiều về tài sản nhưng đã làm một người chết do ngạt khói và hơi gas tủ lạnh, 3 người bị bỏng nhẹ. Sau đó lực lượng chức năng đã nhanh chóng điều tra và đưa đến kết luận nguyên nhân dẫn đến vụ cháy là do nổ tủ lạnh. Không chỉ ở TP.HCM, hiện tượng nổ tủ lạnh cũng đã xảy ra nhiều nơi tại Hà Nội vừa gây thiệt hại về tính mạng vừa là nỗi lo canh cánh của các bà nội trợ và người tiêu dùng. Theo các kỹ sư chuyên về các thiết bị điện gia dụng, không giống như các loại vật dụng khác như bếp gas, bình điện, ổ điện, tủ lạnh rất ít khi phát nổ nhất là các loại tủ lạnh mới, chất lượng tốt, có thương hiệu uy tín. Tuy nhiên một số trường hợp tủ lạnh phát nổ đều bắt nguồn từ sự cố chập điện. Khi chập điện thì làm cho gas bắt lửa; hoặc rơ le trong máy chết, hỏng lốc, dẫn đến áp suất hệ thống quá cao, gây cháy nổ…
Cần tìm đúng “thủ phạm”
Theo anh Quý, một chuyên gia về điện gia đụng, nếu có xảy ra, sự cố này chỉ có ở các tủ lạnh quá cũ. Khi đó, vỏ tủ bị han gỉ, nếu đặt ở nơi ẩm thấp, lớp bảo ôn có thể bị ảnh hưởng hoặc bị chuột cắn, phá. Nếu tủ lạnh bị đọng hơi nước, khi bị mất lớp bảo ôn thì nước sẽ rò vào mạch nguồn gây nên chập, cháy. Ngoài ra, trong tủ lạnh có nhiều mút để giữ nhiệt nên có thể bắt cháy khi bị chập điện. “Trong tủ lạnh còn có bình gas mà bình gas có chất gây cháy. Nếu đã cháy mà không được chữa kịp thời, tủ lạnh sẽ nổ như bom do không chịu được áp suất”, anh Quý giải thích thêm. Tuy vậy, theo anh việc tủ lạnh phát nổ hiếm khi xảy ra do trong mỗi chiếc tủ lạnh đều có nhiều thiết bị bảo vệ. Do vậy, người dùng không cần quá lo lắng.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài, nguyên giảng viên khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM cho rằng, “nếu có hiện tượng tự phát nổ, thì nơi bị sự cố thường là dàn làm lạnh (vốn chịu áp suất thấp) hoặc do nổ bình gas. Nếu không được nạp gas R-134A (không gây cháy nổ) mà lại được nạp loại gas R-600A (giống gas nấu ăn) thì khả năng gây cháy rất dễ xảy ra”. |
Giảng viên Bùi Đức Long cho biết, với trường hợp một số tủ lạnh hiện đại loại 3, 4 cánh thường được tích hợp nhiều tiện ích như tự làm đá, tự xay đá, khử ozone… thì nguy cơ cháy nổ cao hơn nếu mua phải hàng nhái. “Hiện nay, đã có những hàng nhái các sản phẩm cao cấp này. Khi thiết bị không phải của chính hãng, được tích hợp nhiều tính năng, nguy cơ cháy nổ cao hơn”.
Trường hợp phần cửa kính của các tủ lạnh cao cấp bị vỡ thường không đáng lo ngại vì thực tế kính này rất giòn, khi va đập mạnh sẽ vỡ thành các mảnh nhỏ, thường không gây thương tích nhưng thiệt hại về kinh tế vì phải thay kính khác.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài, nguyên giảng viên khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM cho rằng, “nếu có hiện tượng tự phát nổ, thì nơi bị sự cố thường là dàn làm lạnh (vốn chịu áp suất thấp) hoặc do nổ bình gas. Nếu không được nạp gas R-134A (không gây cháy nổ) mà lại được nạp loại gas R-600A (giống gas nấu ăn) thì khả năng gây cháy rất dễ xảy ra”.
Để tránh sự cố tủ lạnh phát nổ, theo các chuyên gia, nếu đang dùng tủ lạnh cũ, bạn không nên đụng chạm vào các thiết bị bên trong hay tự ý mang đi nạp gas mới, mà chỉ lau rửa tủ và mời thợ về vệ sinh dàn ngưng nếu có bụi bám nhiều. Tuân thủ nguyên tắc kê tủ lạnh ở nơi thoáng mát, tránh xa các nguồn nhiệt, thiết bị điện và ánh sáng chiếu trực tiếp, cách xa tường tối thiểu 15cm. Đưa tủ lạnh đến cơ sở sửa chữa có uy tín khi: Đá không đông hoặc đá đóng tràn lan ra ngoài khay đá hay trong tủ không có hơi lạnh. Tránh gọi thợ không uy tín về nạp gas mới hoặc hàn xì các bộ phận hỏng hóc vì quy trình không đúng có thể gây cặn trong đường ống, dẫn tới tắc ống, gây nổ. Chỉ mua tủ lạnh của các hãng và ở siêu thị, cửa hàng uy tín, được bảo hành đầy đủ.
Bài, ảnh: Nguyễn Phương Đăng
Bình luận (0)