Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tự lọc máu tại nhà cho người suy thận

Tạp Chí Giáo Dục

Người bị suy thận giai đoạn cuối không phải đến viện chạy thận, có thể lọc máu khi đi du lịch nhờ phương pháp lọc màng bụng tại nhà.

Lọc màng bụng là một trong ba phương pháp hữu hiệu điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối, bên cạnh chạy thận nhân tạo và ghép thận. Một số bệnh nhân được lọc màng bụng sống trên 30 năm.

Phương pháp này còn gọi là thẩm phân phúc mạc, tức dùng màng bụng để lọc sạch các chất độc và nước dư thừa do suy thận. Dung dịch thẩm phân được cho vào khoang màng bụng, khoảng 6 giờ sau xả dịch này ra và cho dịch mới vào. Thay dung dịch như vậy 4 lần trong một ngày.

Bệnh nhân dùng phương pháp lọc màng bụng có thể tự thực hiện tại nhà, ít hạn chế ăn kiêng và lượng nước uống. Bệnh nhân không phải đến bệnh viện thường xuyên, chỉ tái khám mỗi tháng một lần. Phương pháp này giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn, điều trị liên tục nhẹ nhàng và cơ động, bệnh nhân có thể lọc máu khi đi du lịch. Lịch trình lọc có thể điều chỉnh phù hợp với lịch sinh hoạt hàng ngày, không bị tiêm chích.

Trở ngại lớn nhất của lọc màng bụng là thay dịch 4 lần một ngày, cách mỗi 6 giờ nên mất thời gian và bất tiện trong sinh hoạt, phải đặt dẫn lưu ổ bụng thường xuyên, có nguy cơ nhiễm trùng nếu không đảm bảo vệ sinh tốt. Một số người bệnh như trẻ em, người già không thể tự thay dịch được mà cần người hỗ trợ.  Với cuộc sống bận rộn hiện nay, người nhà rất khó có thể lo được nhiệm vụ này hàng ngày.

Nếu có điều kiện, thay vì thực hiện tự lọc bằng tay thì người bệnh có thể dùng máy. Lọc màng bụng bằng máy lần đầu được sử dụng vào năm 1994, đến nay máy đã có ở gần 100 nước với khoảng 75.000 bệnh nhân sử dụng.

Bệnh nhân đang chạy thận lọc máu tại bệnh viện. Ảnh: L.N.

Bệnh nhân đang chạy thận lọc máu tại bệnh viện. Ảnh: L.N.

Phương pháp này chưa được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam chủ yếu vì lý do kinh tế. Lọc màng bụng bằng máy chi phí vật tư tiêu hao cao gấp đôi so với lọc màng bụng bằng tay và người bệnh phải tự bỏ ra số tiền khá lớn so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội để mua máy ban đầu. Đến nay cả nước chỉ hơn 20 bệnh nhân người lớn và hai bệnh nhi thuộc 5 bệnh viện sử dụng máy lọc màng bụng điều trị ngoại trú.

Chi phí lọc màng bụng bằng tay gồm vật tư tiêu hao khoảng 9 triệu đồng mỗi tháng. Chi phí lọc màng bụng bằng máy gồm vật tư tiêu hao khoảng 18 triệu đồng mỗi tháng chưa bao gồm tiền mua máy. Giá máy khoảng 140-160 triệu đồng, bệnh nhân phải tự mua.

Bệnh nhân nào nên áp dụng lọc màng bụng bằng máy

Tất cả bệnh nhân đang lọc màng bụng bằng tay đều có thể sử dụng máy lọc màng bụng. Tuy nhiên về chuyên môn, bác sĩ sẽ ưu tiên chọn lựa những bệnh nhân có tính thấm màng bụng cao vì những bệnh nhân này lọc màng bụng bằng tay sẽ không đạt yêu cầu.

Để biết được tính thấm màng bụng, cần xét nghiệm máu, dịch màng bụng để đánh giá, thuật ngữ chuyên môn gọi là PET test. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Thận học châu Âu, lọc màng bụng ngoại trú bằng máy nên được áp dụng cho các bệnh nhân lớn tuổi, người bệnh cần trợ giúp, màng bụng bệnh nhân có tính thấm cao.

Cách thức tiến hành lọc màng bụng bằng máy

Máy được kết nối với bệnh nhân vào ban đêm khi ngủ, ban ngày để bụng trống cho bệnh nhân tự do sinh hoạt thoải mái như người bình thường. Máy được cài đặt tự động lọc về đêm trong 9-10 giờ.  

Bác sĩ, điều dưỡng chuyên trách lọc màng bụng sẽ huấn luyện trực tiếp vận hành máy, xử trí các báo động máy. Cần có sự liên lạc thường xuyên, tư vấn hướng dẫn qua điện thoại giữa gia đình bệnh nhân và cơ sở y tế lọc màng bụng.

Tiến sĩ Nguyễn Bách
Trưởng Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM)/Vnexpress.net

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)