Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Từ lời cầu nguyện của một học sinh…

Tạp Chí Giáo Dục

Cháu tôi năm nay học lớp 7. Tháng vừa qua, mùa Vu Lan báo hiếu, tôi dẫn cháu đi chùa. Thấy cháu lâm râm khấn nguyện, tôi lại gần chú ý nghe. Khi nghe được, tôi hết sức bất ngờ và buồn cười: “Con cầu nguyện cho năm học mới không gặp lại cô H. dạy văn nữa”.

Khi ra về, tôi hỏi tại sao lại cầu nguyện như vậy, cháu nói: “Cô H. là nỗi kinh hoàng của chúng con năm học vừa qua. Vào lớp là chúng con chuẩn bị tinh thần để nghe cô mắng. Không khí lớp lúc nào cũng căng thẳng, ngột ngạt…”. Cô còn hăm he: “Mấy em đừng tưởng về méc phụ huynh là tui sợ nghen! Cứ méc đi rồi sẽ biết thế nào là lễ độ”. “Chúng con sợ cô lắm nên không dám về kể lại cha mẹ, chỉ biết cầu nguyện sao cho năm nay đừng gặp lại cô ấy nữa”. Cháu còn nói, nghỉ hè xong, con không muốn đi học lại chút nào, vì sợ gặp lại “bà cô hắc ám” ấy!

Nghe xong, tôi cảm thấy vừa buồn cười, vừa xót xa cho cháu. Giáo viên gì mà giống như hung thần gây ám ảnh cho học sinh vậy, không như lời hát “Cô giáo như mẹ hiền” ngày nào!  Còn đâu hình tượng đẹp đầy cảm xúc của thầy cô giáo theo con suốt cả cuộc đời?

Tôi biết làm giáo viên thời buổi hiện nay cũng gặp khá nhiều áp lực. Nào là sĩ số lớp đông nhưng không phải em nào cũng ngoan, cũng vâng lời. Nào là hồ sơ sổ sách nhiều và phức tạp, phải thức khuya soạn giáo án, chấm bài, nhận xét học sinh. Lại còn phải dự giờ, thao giảng và tham gia các hoạt động của trường nữa. Công việc nhiều, áp lực nhiều nên một số thầy cô không kiềm chế được đã nóng nảy, quạo quọ với học sinh. Lâu dần thành cố tật, hay rầy la trách mắng, dùng lời lẽ nặng nề, xúc phạm, tạo mối quan hệ không tốt, thậm chí gây ức chế cho trò nhỏ. Thiết nghĩ, mỗi ngày học sinh học 8 tiếng ở trường, giáo viên là người thay thế cha mẹ dạy dỗ nên ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn, tính cách các em. Năng lực giảng dạy là cần thiết nhưng điều mà phụ huynh mong mỏi nơi thầy cô nhiều hơn chính là đạo đức, nhân cách và cách đối xử với học sinh. Vậy thì hãy là tấm gương sáng về lời nói, hành động và cách cư xử để học sinh noi theo. Cần lắm sự kiên trì, nhẫn nại của thầy cô khi học sinh còn sai sót, chưa đáp ứng yêu cầu học tập. Cần lắm lời lẽ ân cần, tế nhị, sự động viên khuyên nhủ mỗi khi các em lầm lỗi, thay cho lời quát mắng, dọa nạt, hăm he…

Tôi được biết, ngành giáo dục đã và đang tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tiến hành nhiều hình thức dạy học tiên tiến, hiện đại để phát huy tính tích cực, năng lực và phẩm chất học sinh. Nhưng nếu thầy cô làm nhiều thứ, tiến hành nhiều hoạt động mà thiếu đi sự tôn trọng nhân cách học sinh, đối xử không công bằng, hợp lý, gây cho các em những suy nghĩ không hay về hình ảnh người thầy, thì  kết quả sẽ là “con số không to tướng”. Vâng, từ tình cảm không  yêu mến, khâm phục một thầy cô nào đó, các em sẽ dị ứng với môn học, chán học, không hào hứng tiếp thu lời giảng, không tha thiết thực hiện yêu cầu và dĩ nhiên là không đem lại kết quả mong muốn. Bằng chứng là năm học qua, chỉ vì sự thiếu thiện cảm đối với cô giáo dạy văn, cháu tôi rất chán ghét học văn, dẫn đến kết quả thật tệ.

Nghe kể, ở một trường dân lập quốc tế nọ, thầy cô đối xử với học sinh nhẹ nhàng, tế nhị và rất tôn trọng. Vì ở đó, quản lý trường yêu cầu giáo viên phải xem các em, không chỉ là đối tượng giảng dạy mà còn là khách hàng, mà “khách hàng là thượng đế”! Vì thế nên thái độ của thầy cô hết sức dè dặt, thận trọng, nếu bị phụ huynh hay học sinh phản ánh là có thể bị mất việc. Còn học sinh trường công thì không được như vậy. Thỉnh thoảng phụ huynh còn đau lòng khi nghe nhiều thông tin xấu như: giáo viên đánh học sinh, dùng lời lẽ nặng nề chửi mắng, quát nạt hoặc dùng hình thức, thủ thuật o ép học sinh học thêm.

Thiết nghĩ các nhà quản lý giáo dục nên có cơ chế, biện pháp để giám sát, yêu cầu và ràng buộc giáo viên phải tôn trọng nhân cách học sinh để không xảy ra những điều tồi tệ làm giảm đi nét đẹp thiêng liêng và cao quý của người thầy.

Từ thành quả lao động tim óc của thầy cô, sản phẩm của giáo dục được hình thành, đó chính là nhân cách học sinh. Để cho sản phẩm này tốt đẹp, cần phải có tình thương và sự tôn trọng của thầy cô giáo, những kỹ sư tâm hồn mà phụ huynh và xã hội luôn gửi gắm niềm tin.

Trn Th Bình Dương

Bình luận (0)