Tiếng Anh là một sinh ngữ (living language) tức là một loại ngôn ngữ đang được sử dụng một cách sinh động, khác với các tử ngữ (dead languages) cụ thể như tiếng Phạn (Sanskrit) chỉ dùng trong nghiên cứu kinh Phật giáo, tiếng La-tinh (Latin) chỉ dùng trong kinh Thiên Chúa giáo hay tiếng Nôm (Chinese-transcribed Vietnamese) chỉ còn dùng trong việc nghiên cứu các bản văn của các nhà Nho xưa. Trong giao tiếp, sinh ngữ phải vận dụng đến bốn mặt – ngắn gọn thì gọi là kỹ năng của ngôn ngữ như nghe (listening), nói (speaking), đọc (reading), viết (writing). Tuy tách rời để ôn luyện riêng rẽ nhưng trong thực tế thì bốn kỹ năng này phải đi chung với nhau, nghĩa là trong lúc dạy cũng như học, bốn mặt này của ngôn ngữ không thể tách rời khỏi nhau được.
Lại nhắc lại lý thuyết – chủ trương của Bộ GD-ĐT đưa ra về việc dạy và học bộ môn ngoại ngữ là tạo cho người học, sau một quá trình 7 năm ở bậc trung học (4 năm ở bậc THCS và 3 năm ở bậc THPT) có đầy đủ khả năng giao tiếp tiếng Anh với người bản xứ hoặc người sử dụng tiếng Anh “một cách đầy tự tin vì khá đầy đủ”. Nhìn từ chủ trương này, người học sẽ rất yên lòng. Tuy nhiên, hướng dẫn thì rất hay nhưng thực tế cho thấy tình trạng “dạy một đàng, học một nẻo” và nhiều học sinh cứ học mãi mà vẫn không nói được những đề tài đơn giản lại đã và đang tồn tại trong nền giáo dục nước nhà bởi nhiều lí do. Thứ nhất: Học một ngôn ngữ khác, cần luyện tập mỗi ngày mới tạo được sự thành thục nơi người học, nhưng số lượng giờ học ngoại ngữ (tiếng Anh) mỗi tuần chỉ như “nước đổ lá môn” – với 4 đến 6 tiết/tuần (đó là trên lý thuyết nhưng trên thực tế thì quỹ thời gian này còn bị cắt xén qua việc điểm danh, truy xét bài cũ và giải lao nên không đủ thời lượng như qui định) thì thực hành có được là bao! Thứ hai: Số lượng thầy/cô được đào tạo có sư phạm nên biết dạy đúng cách, nhất là phát âm cho chuẩn xác thì lại không đầy đủ. Thứ ba: Thù lao bồi dưỡng cho thầy/cô giáo dạy ngoại ngữ quá thấp khiến nhiều thầy/cô bỏ trường công để ra dạy ở các trường tư hoặc nếu có bám trụ thì cũng chỉ tìm cách dạy theo lối “đối phó” để dành sức “chạy chân ngoài”. Thứ tư: Xuất phát từ bản thân của các cán bộ lãnh đạo không biết ngoại ngữ (không thấy cần thiết phải biết hoặc giỏi ngoại ngữ) nên không tha thiết, không biết phương cách để thúc đẩy việc học ngoại ngữ. Thứ năm: Sĩ số của các lớp trong trường công Việt Nam đối với việc học ngôn ngữ là quá cao. Ở các nước tiên tiến, một lớp học, nhất là học ngoại ngữ thì sĩ số chỉ dao động trong khoảng 10 đến 15 học viên trong khi đó thì sĩ số lớp của Việt Nam thường là từ 50-60 học viên, chưa kể đến trường hợp vì thiếu thầy hoặc thiếu phòng ốc nên nhà trường buộc phải dồn hai ba lớp thành một. Vậy thử hỏi thầy/cô nào có khả năng chăm sóc và thúc đẩy từng học viên thực tập trong một lớp đông như vậy được? Thật vậy, dù cho trường có nổi tiếng và thầy dạy hay mấy đi chăng nữa nhưng nếu người học cứ “chây ì” ra đó (học ngôn ngữ mà không chịu lăn xả vào thực hành) mà không luyện nói và nghe rồi phản ứng cho đúng thì thử hỏi làm sao mà thành công cho được – một ngộ nhận rất đáng tiếc!!!
Thật ra còn nhiều điều cần bàn đến trong việc học ngoại ngữ nhưng thấy càng nêu ra thì càng thêm đau lòng mà thôi.
Hoàng Huân
(Giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ tin học TP.HCM)
Bình luận (0)