Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Từ mê… game sang mê học!

Tạp Chí Giáo Dục

Hồ Thanh Sơn học thực hành về ô tô tại trường

Trước kia em mê… game lắm, giờ em chỉ mê học. Từ khi chú tâm vào việc học, em đã dần nhìn thấy ánh sáng tương lai!
Trước kia, có ngày em kiếm được từ 500 ngànthậm chí cả triệu đồng từ… chơi game. Giờ, tuy chỉ kiếm được chưa đến 100 ngàn cho gần chục tiếng đồng hồ phục vụ nhà hàng nhưng em thấy những đồng tiền đó thực sự ý nghĩa.
Vượt lên chính mình!
“Ngày ấy và bây giờ” của Hồ Thanh Sơn (hệ trung cấp ngành cơ khí ô tô, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm) là một sự khác biệt lớn. Điều đặc biệt ở cậu học sinh này không phải là thành tích “lẫy lừng” mà chính ở quá trình em đã “vượt lên chính mình” để dấn bước trên con đường học tập.
Khoảng 3 hay 5 tuổi gì đó, không còn nhớ rõ, Sơn mất mẹ vì căn bệnh tim. Gần 10 tuổi, người cha, điểm tựa còn lại cũng “bỏ rơi” em mà theo mẹ về nơi chín suối. Từ năm tháng bé thơ ấy, em đã hiểu thế nào là cảm giác bơ vơ, trơ trọi… Và ký ức là khoảng thời gian đau buồn mà đôi lúc em ứa nước mắt khi nghĩ về.
Em khóc khi nhiều lần tần ngần đứng trước cổng trường, thấy bao bạn bè được cha mẹ đưa đón, còn em lại lặng lẽ xách cặp lủi thủi một mình. Thương ông bà nội già yếu, sớm chiều run run bán tạp hóa bữa được bữa ế mà chừng ấy năm trôi qua, cậu học trò nhỏ này đã tự đếm bước chân của mình mỗi ngày đến lớp. Lương hưu của ông bà nội không bao nhiêu, cuộc sống khốn khó đủ bề, đến quần áo em mặc cũng là đồ cũ mà nhiều người quen biết đem tặng.
Em khóc khi nghĩ về trận đòn roi nhớ đời của bà kèm theo những hờn dỗi ngô nghê trẻ con mà đến giờ em mới thấm thía “nhờ bị đánh đau như vậy, em đã tỉnh ngộ ra”. Đó là dạo, em… nản lòng và ham chơi sáng tối. Đến nỗi, em đã trở thành “game thủ” tự lúc nào và kiếm được tiền từ thú chơi nguy hại ấy. Nhưng càng ham chơi, sức học càng tuột dốc và em đến trường đều đặn mỗi ngày mà không thấy niềm vui.
Cuộc đời của cậu học trò nhỏ này có lẽ đã trôi dài trong… mịt mù như vậy nếu không có một ngày… Một ngày Sơn đến trường ngang qua một xí nghiệp sản xuất nhỏ, nhìn những dáng người công nhân tứ xứ tất bật khâu khâu vá vá, rồi bữa ăn trưa đạm bạc, rồi buổi tối muộn vội vã tan tầm, Sơn bỗng giật mình. Nếu tuổi trẻ của em cũng để… qua đi như vậy thì cuộc sống ngày mai cũng bấp bênh hệt thế này. Em nhận ra, chỉ có cố gắng học tập mới giúp mở ra một cánh cửa tương lai khác.
Tuổi nhỏ, chí lớn!
Bằng giá nào cũng phải vào được ĐH, quyết tâm cao như vậy nên dù theo học hệ trung cấp, Sơn đồng thời theo học văn hóa tại Trung tâm GDTX quận 11 để có thể tham gia thi ĐH. Đến nay, em đã bước sang chương trình lớp 12 và chuẩn bị có mặt trong kỳ thi tuyển sinh sắp tới. Sơn cho biết, năm cuối nên lịch học của em kín hết. Tan giờ học trung cấp, em chỉ kịp trở về vội vã thay đồng phục, ăn vội chén cơm là đã phải tiếp tục “chiến đấu” với những môn toán, lý, hóa… bên GDTX. Có những hôm bài vở cả hai bên chất chồng khiến em mỏi mệt đến mức gục ngay tại bàn, thế nhưng sau đó, chàng trai trẻ lại cố trấn tĩnh mình, cố gắng thâu đêm suốt sáng với những bài toán, con số.
Từ năm nay, Sơn còn quyết tự lo cho cuộc sống bản thân mình. Vì lẽ đó mà chủ nhật, ngày nghỉ duy nhất được Sơn dành cho việc lọc cọc đạp xe từ quận 11 sang tận quận 5 để phục vụ nhà hàng. Mỗi buổi làm như thế, em chỉ kiếm được chưa đầy 100 ngàn đồng thù lao. Trước đó, em còn dành cả mấy tháng hè làm thêm để dành dụm tiền. “Vốn” ít nên mọi chi tiêu của em đều được cân nhắc và hết sức rõ ràng. Tiền học bổng học tập em nhận được dùng đóng học phí đầu mỗi học kỳ, những chi tiêu khác trích từ khoản dành dụm. Thế nhưng lắm khi chàng học trò giàu nghị lực này cũng chịu cảnh hụt tiền gửi xe hay phải gặm bánh mì thay cơm mà không hề nản chí. “Cái chính là em muốn tự lập ngay từ bây giờ, ông bà nội cũng đã chăm lo cho em từ nhỏ đến lớn rồi, hơn nữa ông bà đã già yếu, em tự lập sớm sẽ tốt và nhanh chóng có cơ hội đỡ đần lại ông bà hơn” – Sơn chia sẻ.
Với Sơn, việc em học thành tài cũng là cách tốt nhất để đáp đền công lao thầm lặng mà những thầy cô yêu quý đã dành cho mình. Sơn kể rằng, em không bao giờ quên chiếc áo đồng phục đầu tiên trắng tinh tươm mà một cô giáo Trường THCS Chu Văn An (quận 11) đã tặng trong ngày nhập học năm lớp 6, chiếc áo mà em đã rơm rớm nước mắt và thấy ấm lòng mỗi khi mặc vào. Em cũng nhớ mãi thầy giáo dạy sử cùng trường đã giới thiệu chỗ cho em học ôn toán miễn phí khi thấy em không có tiền. Thậm chí những ngày sắp thi, dù dạy sử, thầy vẫn giúp em ôn lại kiến thức cả những môn khác…
“Đi phục vụ tiệc hàng tiếng đồng hồ mệt lắm, bài vở khi học hai nơi cũng khiến em đuối sức. Nhưng em không thể ngừng cố gắng được, nhất là trong giai đoạn quan trọng này, bởi đó là con đường đưa em đến tương lai tươi sáng” – Sơn tin tưởng. Trước kia em mê game lắm, giờ em đã khác đi rồi!
Bài, ảnh: Mê Tâm
Ông Nguyễn Công Thạnh (Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển công nghệ Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm) đánh giá: “Hồ Thanh Sơn là một học sinh ngoan, bên cạnh việc luôn giữ phong độ học tập khá, em còn rất chuyên cần, hầu như chưa bao giờ em vắng học hay bỏ tiết. Học kỳ nào Sơn cũng phấn đấu và đều đạt học bổng học tập của trường. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm thêm để có chi phí trang trải học tập nhưng Sơn vẫn đảm nhiệm chức vụ cán sự lớp. Trong cuộc sống, Sơn rất giàu nghị lực, dù thiếu vắng tình thương cha mẹ từ nhỏ nhưng em đã vượt qua được nhiều mất mát về tinh thần để phấn đấu vươn lên”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)