Hội nhậpGiáo dục phát triển

Từ một sáng kiến: Phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu TDTT qua công tác giảng dạy môn giáo dục thể chất

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Tạ Đình Hòa – Hiệu trưởng Trường PTDTNT, Đak Nông

Đó là sáng kiến kinh nghiệm của Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Đak Nông – Tạ Đình Hòa, được áp dụng trong công tác giảng dạy môn giáo dục thể chất cho nhà trường và đã mang lại hiệu quả cao với số lượng huy chương vàng cho các môn thể thao của trường ngày càng tăng, cũng như số học sinh của trường thi đậu vào đại học thể dục thể thao ngày một nhiều. Có thể xem đây là một mô hình mới để các trường phổ thông dân tộc nội trú các tỉnh khác học hỏi kinh nghiệm.
Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú thường có điểm chung là trình độ học lực của học sinh ở đây bao giờ cũng có phần yếu hơn so với học sinh các trường trung học phổ thông khác về các bộ môn văn hóa, nhưng bù lại các em này rất ham mê và có năng khiếu hơn ở các môn văn nghệ, thể dục thể thao. Thêm vào đó, các em đang ở độ tuổi phát triển tâm sinh lý, tính khí thất thường mà lại ở nội trú, học tập sinh hoạt, ăn ở tập trung… dễ gây tâm lý ức chế nên việc hướng các em đến các hoạt động thể dục thể thao, phát triển giáo dục thể chất là điều rất cần thiết. Xuất phát từ những đặc điểm đó, cộng với những trăn trở, suy nghĩ tìm hướng nâng cao dần chất lượng đào tạo cho các em học sinh dân tộc của tỉnh nhà, từ đó Hiệu trưởng Tạ Đình Hòa đã xây dựng đề tài trên.
Khắc phục khó khăn ban đầu
Thành lập từ đầu tháng 6/2004 trên cơ sở nâng cấp trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Đak Nông và duy trì hệ trung học cơ sở hiện có với 150 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Đồng thời tiếp nhận 120 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của các dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh để đào tạo tiếp hệ trung học phổ thông, nên cơ sở vật chất nơi ăn ở, học tập lẫn thiết bị dạy học ban đầu của nhà trường còn thiếu thốn và chật chội, sân chơi, bãi tập cũng chưa có. Trước tình hình đó, nhà trường đã thực hiện tiết kiệm các khoản chi để mua sắm một số thiết bị xây dựng sân bóng chuyền, cải tạo trang bị cầu môn sân bóng đá, vợt cầu lông, bàn bóng bàn, cầu đá… kết hợp quy hoạch lại một số sân chơi, bãi tập như: làm hố nhảy cao, nhảy xa, đường chạy, mua sắm nệm nhảy cao, nhảy xa…
Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện nghiêm túc mỗi tuần 2 tiết thể dục và 1 tiết quốc phòng với tất cả các khối lớp, phân công nhiệm vụ cho từng giáo viên thể dục phụ trách từng mảng thể dục thể thao chung của trường như: phụ trách môn bóng chuyền nam, nữ; môn cầu lông, đá cầu, môn điền kinh… Từ đó phân loại những học sinh có năng khiếu từng môn cụ thể để bồi dưỡng thêm. Mặt khác, trường còn tổ chức nhiều bộ môn dưới dạng CLB thể dục thể thao nhằm tập hợp học sinh theo sở thích năng khiếu để vừa tạo ra sân chơi lành mạnh, vừa từng bước thành lập đội tuyển cho trường… Khi đã có đội tuyển rồi, trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu thi đấu giữa các lớp trong trường hay thi đấu với các trường bạn hoặc một số cơ quan ban ngành trong tỉnh để các em có dịp “thi thố tài năng”.
Chơi mà học, học mà chơi…
Một khi đã xác định việc phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu thể thao là một trong những điều kiện nhằm tạo cho các em sự tự tin, xây dựng niềm tự hào về truyền thống hoạt động văn hóa thể dục thể thao của nhà trường để không ngừng nâng cao chất lượng học tập, chất lượng đào tạo của nhà trường thì phải có nhận thức đúng đắn về vai trò, mục tiêu của công tác giáo dục thể chất trong trường học, coi đó vừa là một biện pháp giáo dục toàn diện vừa tạo ra sân chơi lành mạnh cho học sinh phổ thông dân tộc nội trú nhằm ngăn chặn các tệ nạn xã hội xấu xâm nhập vào nhà trường và góp phần làm cho môi trường giáo dục ngày càng trong sạch, lành mạnh. Hàng năm vào đầu mùa tuyển sinh, trường đều tổ chức kiểm tra năng khiếu của học sinh thông qua các buổi học thể dục quốc phòng chính khóa, các giờ thể thao buổi chiều… để phân loại năng khiếu ngay từ đầu, giúp các em có điều kiện học tập và rèn luyện tốt hơn.
Từ những hoạt động đó, trường đã trở thành một trong những trường trung học phổ thông dẫn đầu về phong trào thể dục thể thao, số huy chương vàng cho các môn thể thao của trường tăng đều mỗi năm. Trong hội thi văn hóa thể thao của các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc lần thứ V tổ chức tại tỉnh Bắc Giang vừa qua, lần đầu tiên trường tham gia với 67 vận động viên và đoạt các giải: huy chương đồng bóng đá nam, huy chương đồng đồng đội bắn nỏ, huy chương đồng điền kinh nữ 100m, 2 huy chương đồng văn nghệ, 2 giải khuyến khích môn văn hóa và giải khuyến khích toàn đoàn. Riêng huy chương cấp tỉnh, năm 2006 – 2007, trường đạt 7 huy chương vàng, 7 huy chương bạc và 9 huy chương đồng; năm 2007 – 2008 có 8 huy chương vàng, 8 huy chương bạc và 10 chuy chương đồng.
Chính từ việc thông qua phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu các môn thể dục thể thao này đã nâng dần chất lượng văn hóa của các em, đặc biệt là những em ham mê thể dục thể thao như: em H Thoa với môn điền kinh chạy 3.000m trong 2 năm đều đạt huy chương vàng, em Vi Thị Hạnh đạt 3 huy chương vàng nhảy xa, nhảy cao, em Y Tháp với 2 huy chương vàng môn đá cầu đơn, em Y Hiểu đạt huy chương vàng đẩy tạ, em K Quang huy chương vàng đẩy tạ, h Thoen 2 huy chương vàng đẩy tạ, Vi Văn Trường 2 huy chương vàng cầu lông, Dương văn Thạo huy chương vàng cầu lông… Với những kết quả ấy đã dần tạo được niềm tin về truyền thống TDTT của nhà trường và nhiều em đã trở thành học sinh giỏi TDTT của tỉnh, còn một số em khác đã thi đậu vào trường ĐH thể dục thể thao II TP.HCM như em Vi Văn Trường, Y Tháp…
NHƯ TRÍ

 

Bình luận (0)