Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tù mù học chương trình ngoại

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Không ít người là cán bộ nhà nước được địa phương, đơn vị cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ theo chương trình nước ngoài, nhưng nơi mà họ theo học thực chất thế nào bản thân họ cũng không biết. Ngay cả những người đứng ra tổ chức cũng chối bỏ trách nhiệm.
Ông K., một chuyên viên Sở Kế hoạch – đầu tư tỉnh Bến Tre, được chủ tịch tỉnh này ký quyết định cử đi học nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh.
Theo ông K., chương trình ông theo học do Trung tâm Đào tạo các vấn đề kinh tế hiện đại (CMET) thuộc Trung tâm Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương phối hợp với Trường ĐH Quốc tế Hoa Kỳ (International American University – IAU) tổ chức. Cùng khóa với ông có khoảng 30 người, trong đó có người đi học bằng ngân sách địa phương theo đề án đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.
Tiếp tục theo học
Ông K. cho biết trước đây ông được tỉnh cử đi học tiến sĩ chuyên ngành hành chính ở ĐH Postdam (Đức – mở tại Hà Nội). Tuy nhiên sau nhiều lần kiểm tra ngoại ngữ, số lượng học viên còn lại không đủ tổ chức lớp nên ông được trường giới thiệu sang học ở Trường ĐH Impac (Hoa Kỳ – học tại TP.HCM). Do ĐH Impac không đào tạo tiến sĩ nên tiếp tục giới thiệu ông học tiến sĩ ở IAU.
Trước thông tin IAU có tên trong danh sách các trường ĐH không được các cơ quan có thẩm quyền Hoa Kỳ công nhận, ngày 29-7 phó giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư Bến Tre Cao Minh Đức có văn bản đề nghị Sở Nội vụ tỉnh xem xét xác minh thông tin. Tuy nhiên, Sở Nội vụ đã có văn bản trả lời Sở Kế hoạch – đầu tư rằng thông tin trên báo chí về IAU chưa đủ cơ sở pháp lý và đề nghị Sở Kế hoạch – đầu tư thực hiện nghiêm túc việc cử ông K. đi học tiến sĩ của IAU!
Tuy nhiên, ông K. cho biết hiện mọi người trong lớp ông đang rất lo lắng khi biết tin IAU là trường chưa được kiểm định.
Trong khi đó bà T., người đứng đầu một viện về y học tại TP.HCM, đã nhận bằng tiến sĩ quản lý nhà nước của ĐH Preston (Mỹ) tại Singapore cuối năm 2007 sau thời gian học hơn một năm. Theo bà T., bà hoàn toàn không có thông tin gì về ĐH Preston trước khi đăng ký học. Bà T. cho biết khi dự lễ kỷ niệm thành lập Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông năm 2006, bà chứng kiến ĐH Preston trao bằng tiến sĩ cho nhiều người.
Bà dò hỏi và được trả lời chương trình học rất tốt, sau đó bà T. đăng ký học. Người lo toàn bộ thủ tục, giấy tờ, duyệt đề tài, đề cương, làm luận án… cho bà là chánh văn phòng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông (viện này thu phí dịch vụ 15 triệu đồng). “Bà chánh văn phòng tư vấn sao tôi nghe vậy chứ đâu biết trường này đã được kiểm định hay chưa, chất lượng thế nào” – bà T. nói.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết dù không trực tiếp tổ chức lớp học ngay tại VN nhưng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN, có trụ sở tại 30 Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM, là nơi tư vấn giới thiệu cho khá nhiều người sang Singapore lấy bằng tiến sĩ của ĐH Preston. Đây cũng là một trường ĐH chưa được kiểm định và đã nhiều lần thay đổi địa chỉ hoạt động tại Mỹ. Học phí của chương trình này không hề rẻ: 20.000 USD.
Chỉ là môi giới?
Bà Hồ Thị Thu Nguyệt – chánh văn phòng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông – nói rằng viện chưa làm việc với Trường Preston mà chỉ liên kết với ĐH này thông qua Viện Đào tạo nhân lực Singapore, viện chỉ làm công tác tư vấn.
Ông Đinh Minh Đạo – trưởng ban tuyển sinh của viện – cho biết có người bạn ở Singapore giới thiệu ĐH Preston với viện. Viện có giới thiệu cho những người có nhu cầu sang Singapore học và lấy bằng. Những người tự lo thủ tục được thì thôi, những người không lo được thì viện sẽ làm giúp. Với mỗi học viên giới thiệu thành công, viện được hưởng 500 USD.
Đối với CMET, theo địa chỉ được giới thiệu, chúng tôi tìm đến văn phòng trung tâm này đặt tại Q.4, TP.HCM. Tại đây, cô nhân viên cho biết học phí trọn khóa chương trình học thạc sĩ quản trị kinh doanh liên kết với IAU là 8.000 USD. Tuy nhiên, hiện chưa có khóa nên cứ nộp hồ sơ, khi nào có khóa sẽ thông báo nhập học.
Liên lạc với ông Đặng Minh Tiến – giám đốc CMET – ông đồng ý gặp chúng tôi để trao đổi. Thế nhưng, sau đó ông lại hủy với lý do đi công tác đột xuất. Trao đổi qua điện thoại, ông Tiến khẳng định… hoàn toàn không có chuyện liên kết đào tạo sau ĐH với các trường ĐH nước ngoài. Ông cho biết thêm CMET chỉ được phép đào tạo và cấp các chứng chỉ ngắn hạn và đã làm đúng tiêu chí này (?!).
Vừa dạy vừa xác minh
Liên quan tới chương trình liên kết của Infoworld Shool (IS) với ĐH American Heritage University (AHU), cách đây hơn nửa tháng ông Trương Quốc Hùng – phụ trách tuyển sinh của trường – cho biết tạm ngưng chương trình để sang Mỹ kiểm tra Trường AHU. Tuy nhiên, thực tế trường vẫn tiếp tục cho học viên ghi danh và đã khai giảng với khoảng 30 học viên.
Về chương trình “lấy bằng ĐH quốc tế” của IS, ông Hùng cho biết hiện trường vẫn đang tìm hiểu thêm về Trường AHU song song với việc khai giảng và dạy sinh viên. Theo ông Hùng, trong thời gian ba tuần sinh viên sẽ được trang bị kiến thức cơ bản về chương trình trong lúc chờ trường xác minh thông tin. Trong trường hợp không thực hiện được, trường sẽ hoàn trả toàn bộ học phí cho sinh viên!
Điều đáng nói là chương trình liên kết này do ĐH AHU cấp bằng nhưng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt do các giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm. Hơn nữa, chương trình đào tạo cũng do các giảng viên thỉnh giảng “tự biên tự diễn”.
L.T.HÀ – M.GIẢNG – V.TRƯỜNG / TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)