Khi nắm bắt được nhu cầu, người lao động sẽ chọn nghề phù hợp hơn |
Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM để cung cấp đến bạn đọc những thông tin thiết thực về xu hướng cũng như nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố từ đây đến cuối năm..
PV: Ông có thể cho biết chỉ số nhu cầu nhân lực hiện nay như thế nào?
Trong 7 tháng đầu năm 2010, qua khảo sát tại các sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm và hệ thống thông tin giới thiệu việc làm, chúng tôi nhận thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động ở 2.247 doanh nghiệp lên đến con số 20.562 người, trong khi đó, chỉ 8.286 người có nhu cầu tìm việc.
Theo cơ cấu ngành nghề, chỉ số cầu nhân lực tháng 7-2010 tăng 15,52% so với tháng trước đó, chủ yếu tăng ở những ngành sản xuất gia công. Trong tháng 7, những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất là marketing – nhân viên kinh doanh (13,75%), dịch vụ và phục vụ (13%), giao thông – vận tải – thủy lợi (9%), cơ khí – luyện kim (7,82%), dệt – may – giày da (6,79%), kế toán – kiểm toán (5,42%), bán hàng (4,74%), công nghệ thông tin (4,13%). Phần lớn nhu cầu tuyển dụng là trong các doanh nghiệp tư nhân, liên doanh, đầu tư nước ngoài.
Các khu chế xuất – công nghiệp của thành phố có nhu cầu tuyển dụng cũng yêu cầu số lượng lớn từ 18.000 -20.000 lao động trong quý 3-2010. Trong đó, những ngành khó tuyển lao động nhu cầu là: chế biến thực phẩm, giày da – may; những ngành nghề khác thì cân đối được nhu cầu tuyển dụng.
Theo cơ cấu trình độ nghề,nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động có trình độ và tay nghề tăng cao hơn so với những tháng trước. Cụ thể, sơ cấp nghề (12,77%), công nhân kỹ thuật lành nghề (3,08%), trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề (18,84%), cao đẳng (12,34%), đại học trở lên (17,33%). Do thời gian này các doanh nghiệp đang tập trung cho sản xuất, nguồn lao động phổ thông ở đây đáp ứng phần lớn cho các nhu cầu việc làm thời vụ.
Vậy chỉ số ngành nghề nào cao nhất trong những tháng vừa qua, thưa ông?
Nguồn cung tháng 7 tăng 10,7% so với tháng 6, dẫn đầu nguồn cung vẫn là các nhóm ngành nghề như: kế toán – kiểm toán (37,16%), quản lý nhân sự – hành chính văn phòng (12,07%), marketing – nhân viên kinh doanh (9,24%), công nghệ thông tin (5,36%), cơ khí – luyện kim (4,5%). Do đây là thời điểm sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, nghỉ hè, đồng thời lao động tại các tỉnh, thành phố khác di chuyển đến tìm việc làm ổn định và thời vụ nhiều hơn so với 6 tháng trước, nên nguồn cung lao động tại TP.HCM sẽ không ngừng tăng.
Ông có thể đưa ra nhận định về nhu cầu nhân lực tại TP.HCM trong những tháng tới?
Tháng 8, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trên 10% so với tháng 7, dự kiến số chỗ làm việc trên toàn thành phố sẽ vượt ngưỡng 30.000, với cơ cấu trình độ nghề đại học (25%), cao đẳng, trung cấp (40%) và sơ cấp nghề, lao động phổ thông (35%). Xu hướng tuyển dụng lao động từ đây cho đến cuối năm của các doanh nghiệp sẽ là: tiếp nhận những người có chuyên môn kỹ thuật cao, lao động lành nghề. Nguồn lao động phổ thông chủ yếu cho các công việc bán thời gian, thời vụ và nhu cầu của các ngành gia công sản xuất thường thiếu hụt do biến động di chuyển lao động. Các ngành nghề chiếm vị trí cao trong chỉ số nhu cầu trong tháng 7 sẽ vẫn là những ngành có chỉ số cao trong tháng 8. Tuy vậy, sự thiếu hụt lao động có chất lượng cao đáp ứng được công việc và lao động phổ thông sẽ vẫn tiếp tục diễn ra khiến cho vấn đề mất cân đối của nhân lực tại TP.HCM có cơ hội kéo dài.
Xin cảm ơn ông!
Bài, ảnh: Văn Mạnh
Bình luận (0)