Cách đây tròn một thế kỷ, vào ngày 21-6-1925, tờ Thanh Niên – cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập – đã chính thức ra số đầu tiên. Đó không chỉ là sự kiện ra đời của một tờ báo, mà là khoảnh khắc lịch sử mở ra hành trình 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam – một dòng chảy vừa kiên cường, vừa sâu sắc, gắn liền với từng bước chuyển mình của đất nước.

Từ ngòi bút mở đường cho dân tộc
Trong thời điểm đen tối của lịch sử dân tộc đầu thế kỷ XX, khi đất nước còn chìm trong ách thống trị của thực dân, thì “ngòi bút” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định là “vũ khí sắc bén” trong sự nghiệp cách mạng. Ngày 21-6-1925, ấn phẩm đầu tiên của Báo Thanh Niên – cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên – do Nguyễn Ái Quốc chủ biên đã được xuất bản bằng chữ quốc ngữ. Đây là cột mốc đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Báo Thanh Niên được viết tay bằng bút thép trên trang giấy sáp, in mỗi kỳ trên 100 bản. Thời gian đầu, báo ra một tuần một kỳ, về sau do điều kiện khó khăn nên số sau cách số trước có khi 3 tuần, khi 5 tuần. Manchette báo viết hai chữ Thanh Niên bằng tiếng Hán và tiếng Việt. Góc trái mỗi tờ báo là ngôi sao 5 cánh, trong đó ghi số báo. Phần lớn là 2 trang, một số ít ra 4 trang, khổ giấy trung bình 13x19cm. Báo hoạt động từ 21-6-1925 đến 14-2-1930, hầu như không gián đoạn, phát hành tất cả 202 số.
Báo Thanh Niên ra đời không chỉ để truyền tải thông tin, mà là một công cụ thức tỉnh ý thức dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc. Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam cho thấy, cùng với những thăng trầm của lịch sử, mỗi chặng đường mà báo chí cách mạng Việt Nam đi qua đều gắn với những mốc son sáng chói của lịch sử cách mạng dân tộc. Từ cột mốc ấy, báo chí cách mạng Việt Nam từng bước hình thành một hệ thống phong phú với hàng trăm cơ quan báo chí lớn nhỏ, hoạt động trên nhiều loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử… Qua từng thời kỳ, từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến công cuộc đổi mới và hội nhập, báo chí luôn giữ vai trò là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, đồng hành với Đảng, với nhân dân trong hành trình dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.
Báo chí – chứng nhân của lịch sử
Lật giở lại những trang báo xưa, có thể thấy báo chí không chỉ là phương tiện truyền thông tin, mà là chứng nhân lịch sử sống động, tái hiện những hình ảnh lịch sử của đất nước. Chính báo chí đã ghi lại những bản tin đầu tiên về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, những dòng tít lớn trong ngày đất nước thống nhất 30-4-1975, những bài viết cảm động về thời kỳ bao cấp, về công cuộc đổi mới năm 1986… Tất cả những sự kiện lớn của dân tộc, báo chí không đứng ngoài cuộc, luôn đồng hành cùng lịch sử. Những nhà báo như những chiến sĩ, từng xông pha ở chiến trường, từng băng rừng, vượt núi, từng ghi chép dưới làn bom, lửa đạn để có được những dòng tin nóng hổi, kịp thời. Họ không chỉ làm báo, mà họ viết nên lịch sử bằng máu, bằng mồ hôi và lòng trung thành với sự thật.

Đến hôm nay, khi xã hội bước vào kỷ nguyên số, báo chí vẫn đang tiếp tục “viết sử” theo một cách khác, linh hoạt hơn, đa nền tảng hơn, nhưng vẫn giữ vững tôn chỉ cao cả của nghề: vì sự thật, vì công lý, vì lợi ích quốc gia và nhân dân.
Một thế kỷ – vươn mình cùng thời đại
Một trăm năm là một hành trình dài, và báo chí Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn phát triển, từ chữ in chì, giấy bản, đến sóng truyền hình, âm thanh phát thanh và giờ đây là dòng chảy số hóa không ngừng nghỉ. Sự chuyển mình ấy đòi hỏi báo chí không chỉ theo kịp xu thế công nghệ, mà còn phải thích nghi với truyền thông của xã hội hiện đại.
Người làm báo hôm nay không chỉ cầm bút, mà còn làm video, dựng hình, phân tích dữ liệu, chạy tương tác mạng xã hội… Nghề báo trở nên đa nhiệm hơn, tốc độ hơn, và cũng áp lực hơn. Trong biển thông tin toàn cầu, nơi mà mỗi người dân đều có thể trở thành “người phát ngôn” qua mạng xã hội, báo chí chuyên nghiệp càng phải giữ vững vai trò là “người gác cổng thông tin” – trung thực, chính xác, có kiểm chứng và có trách nhiệm.
Tuy vậy, dù thay đổi hình thức, phương tiện hay môi trường tác nghiệp, thì giá trị cốt lõi của báo chí vẫn là niềm tin, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Đó là lý do vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Báo chí mang đến cho ta nhũng thông tin chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục đã và đang diễn ra trên thế giới từng ngày, từng giờ. Nghề làm báo hôm nay không thể khép mình trong văn hóa nội sinh, mà phải biến báo chí thành cầu nối, đưa văn hóa dân tộc lên tầm cao nhân loại, phải thu vào trang báo cả thế giới trong chiều sâu vô tận và chiều rộng vô cùng. Bằng cách nào đó, báo chí góp phần đắc lực để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến mà đậm đà bản sắc, lan tỏa giá trị chân – thiện – mỹ, và là nhân tố không thể thiếu trong sự phát triển bền vững của đất nước. |
Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin, khi thật – giả lẫn lộn, khi sự câu view dễ dãi có thể làm lu mờ sự chính trực, thì hơn bao giờ hết, người làm báo cần giữ cho mình một trái tim nóng, cái đầu lạnh và đôi tay sạch. Đó là phẩm chất không thể thiếu để bảo vệ niềm tin công chúng, thứ quý giá nhất mà báo chí đã gây dựng suốt một thế kỷ qua. Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam không chỉ là dịp để tri ân thế hệ những người đi trước – những nhà báo đã cống hiến, thậm chí hy sinh vì nghề – mà còn là lúc để người làm báo hôm nay soi lại mình, nhận diện thách thức mới và không ngừng đổi mới, sáng tạo.
100 năm, dấu mốc không chỉ để tự hào, mà còn để bắt đầu một chặng đường mới, với những cơ hội và thách thức mới chưa từng có. Nghề báo là nghề vinh quang, khó khăn và hấp dẫn, nhất là trong thời đại hội nhập, giao lưu văn hóa toàn cầu. Nó tác động vào nhiều phương diện đời sống xã hội, trong đó có giáo dục học đường. Trước tình hình đó, phụ huynh/ người học vốn năng động và nhạy cảm, họ có quyền lựa chọn tri thức, có nhu cầu tìm hiểu bức tranh sôi động của đời sống, nhìn nhận lại những giá trị văn hóa cổ xưa để được cảm biết và được ứng biến trước đổi thay của cuộc sống hôm nay. Truyền tải thông tin về văn hóa học đường là một phần quan trọng của ngành giáo dục, giúp người học thích ứng với xã hội hiện tại và có định hướng tương lai rõ ràng, để khi vào đời các em có thể tự tin đối mặt với những vấn đề nảy sinh trong dòng đời luôn biến đổi.
Báo chí mang đến cho ta nhũng thông tin chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục đã và đang diễn ra trên thế giới từng ngày, từng giờ. Nghề làm báo hôm nay không thể khép mình trong văn hóa nội sinh, mà phải biến báo chí thành cầu nối, đưa văn hóa dân tộc lên tầm cao nhân loại, phải thu vào trang báo cả thế giới trong chiều sâu vô tận và chiều rộng vô cùng. Bằng cách nào đó, báo chí góp phần đắc lực để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến mà đậm đà bản sắc, lan tỏa giá trị chân – thiện – mỹ, và là nhân tố không thể thiếu trong sự phát triển bền vững của đất nước.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)