Câu chuyện một em học sinh (HS) lớp 6 ở tỉnh Trà Vinh bị trả về lớp 1 vì “ngồi nhầm lớp” là đầu đề bàn tán những ngày qua tại các quán cà phê hay trong các bữa cơm gia đình.
Người thì trách giáo viên (GV) thiếu trách nhiệm làm khổ trò. Bây giờ bắt em phải học lại từ lớp 1 thì quá thiệt thòi. 5 năm trời mất đi oan uổng ai đền bù lại cho em, đền bù bao nhiêu cho tương xứng. Chưa kể, lớn tuổi học chung với các em nhỏ làm em mắc cỡ có thể bỏ học. Người thì bênh GV và đổ tại nhà trường đặt ra chỉ tiêu này chỉ tiêu nọ, chạy theo thành tích buộc GV phải làm theo. Lại có người trách các cấp quản lý cao hơn, nơi đặt ra các chỉ tiêu thi đua buộc nhà trường thực hiện. Trong khi đó, các cấp quản lý cũng có lý do để phân bua rằng không đưa ra chỉ tiêu thi đua thì phong trào dạy và học lập tức đi xuống, tính tự giác từ GV, nhà trường chưa cao…
Đi đôi với hiện tượng HS ngồi nhầm chỗ là tình trạng lạm phát HS giỏi. Ai cũng biết phần lớn đây là những HS chưa giỏi nhưng được nhà trường gắn cho danh hiệu giỏi. Con là HS giỏi cha mẹ nào không ưng cái bụng, trường nào không lấy làm tự hào. Thế là tình trạng lạm phát HS giỏi ngày càng lan rộng. Thật khó tin khi có những lớp 100% là HS giỏi, những trường hơn 99% là HS giỏi nhưng chúng vẫn tồn tại một cách thản nhiên. Căn nguyên của tình trạng lạm phát này cũng như việc ngồi nhầm lớp đều do từ bệnh thành tích mà ra.
Nếu ví giáo dục như một đoàn tàu thì bệnh thành tích nâng đoàn tàu đó lên khỏi đường ray, di chuyển trong trạng thái bềnh bồng khoái cảm nhưng dễ xảy ra tai nạn.
Bệnh thành tích không thể xuất phát từ HS mà từ GV, nhà trường và các cấp quản lý, hay nói chung là từ người lớn. Điều đáng nói là người lớn chạy theo thành tích mà trong lòng không lăn tăn nghĩ mình đang gieo những mầm hậu quả vô cùng tai hại cho HS.
Người lớn vui mừng vì đạt thành tích, còn con em chúng ta lãnh đủ. Đài Truyền hình VTV đã tiếp cận em HS ngồi nhầm lớp ở Trà Vinh. Khi phóng viên hỏi thầy cô có biết em không biết chữ không, em nói thầy cô có biết nhưng bỏ qua. Mỗi lần làm bài em xem bài của bạn nhưng thầy cô không nói gì. Khi phóng viên hỏi bây giờ phải xuống học lớp dưới em cảm thấy thế nào? Em HS chợt rơm rớm nước mắt. Rõ ràng em không muốn. Việc giáng xuống mấy cấp lớp giống như một hình phạt. Mà lỗi đâu phải do em gây ra. Đó là chưa kể em mắc cỡ khi phải học chung với mấy em nhỏ. Trong trạng thái tâm lý như vậy khó lòng để em yêu thích việc học tập. Nguy cơ bỏ học đối với em là rất lớn. Đồng nghĩa với một tương lai của em không sáng sủa và xã hội phải chịu thêm một gánh nặng.
Cũng tương tự như vậy, những HS là nạn nhân của tình trạng lạm phát HS giỏi dễ gặp thất bại khi bước vào một kỳ thi đánh giá đúng thực chất. Thường đó là các kỳ thi ĐH, kỳ thi lấy các chứng chỉ quốc tế… Với sức học chưa đủ, các em phải học lại, đi học thêm, tốn thời gian và tiền bạc. Nhưng quan trọng hơn đó là tâm lý chán nản nảy sinh, băn khoăn nghi ngờ (mình là HS giỏi sao thi không đạt). Và khi biết ra lâu nay người lớn không trung thực khi đánh giá HS thì có thể dẫn đến thất vọng, mất niềm tin, mất phương hướng.
Trên trang facebook của một em HS, chúng tôi đã đọc được dòng tâm sự: “Cha mẹ nghĩ em là HS giỏi nên em phải cố gắng ra vẻ. Sau những lần va chạm với thực tế, em rơi vào trạng thái thiếu tự tin khi học lên. Từ tự mãn đến tự ti, em bị một cú sốc tâm lý làm mất đi hứng thú với việc học…”.
Từ lâu ngành giáo dục đã nhìn ra tình trạng này và năm 2006 đã phát động phong trào “nói không với bệnh thành tích trong giáo dục”. Nhưng bệnh chỉ lắng xuống một thời gian rồi bùng lên. Đã đến lúc cần đặt đoàn tàu giáo dục đúng đường ray của nó. Và các biện pháp của ngành đưa ra có lẽ đã có đủ, chỉ còn thiếu sự quyết tâm!
Từ Nguyên Thạch
Bình luận (0)