Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Từ nhạc công thành thầy bảo mẫu

Tạp Chí Giáo Dục

Trường Mầm non thị trấn Đức Thọ vào những ngày đầu đông, từng cơn gió lạnh se sắt, một người đàn ông đang cần mẫn tới từng cháu ngủ trưa, đắp lại chăn cho các cháu. Thầy Lương Xuân Phong từ lâu đã trở thành "bảo mẫu" của các cháu nhỏ này.

Đường đời gian nan
Tranh thủ thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi, thầy Phong tâm sự với chúng tôi: Hè năm lớp 8, khi mới 14 tuổi, thầy thi đậu vào đoàn văn công Quân khu IV. Ngày 4/11/1987, lên đường nhập ngũ vào học ở trường Nghệ thuật Quân đội (nay là trường Đại học Văn hoá, nghệ thật quân đội). Tại trường, thầy vừa học văn hoá vừa học chuyên môn, chuyên ngành đàn bầu.
Năm 1991, tốt nghiệp, anh về công tác tại đoàn Văn công Quân khu IV. Nhưng chỉ một thời gian ngắn thì đoàn cắt giảm biên chế đàn bầu.
Thầy Phong xin vào đoàn an dưỡng 40A (Cửa Lò, Nghệ An) thuộc Quân khu IV. Được một năm, cơ quan giải thể và sáp nhập vào Công ty Hợp tác kinh tế Quân Khu 4.
Sang đơn vị mới này, thầy được cho đi học chụp ảnh, sau đó về chụp ảnh, in ảnh, phụ trách nhà buồng, khách sạn, và nuôi tôm… Không lâu sau, đơn vị giao cho thầy một máy in ảnh và khoán sản phẩm. 
 Thầy Phong chăm nom giấc ngủ cho các cháu mầm non. Ảnh: Trí Thức
 Làm nghề không như mong muốn, thầy phục viên về làm cán bộ phong trào ở phường Hồng Sơn (TP.Vinh) nơi bố mẹ đang sinh sống.
Năm 1995 vào TP.Hồ Chí Minh, nơi đất khách quê người thầy Phong cũng bươn chải nhiều nghề như thợ may, chạy xe ba gác, bốc vác…
“Mình giỏi Tiếng Anh, và am hiểu về cuộc sống là nhờ những năm ở TP.Hồ Chí Minh vừa làm thuê, làm mướn vừa tìm tòi học tập” – thầy Phong chia sẻ.
Năm 2001, thầy quyết định về quê ở thị trấn Đức Thọ (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), vẫn tiếp tục đi đánh đàn phục vụ cho các ngày lễ hội, và cả đám cưới ở thị trấn nhỏ bên dòng sông La.
Bén duyên với  nghề “nuôi dạy trẻ”
Qua các hoạt động phong trào, cô Nguyễn Thị Phượng (Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Đức Thọ) nhận thấy thầy Phong là người có năng khiếu, lại tận tình với trẻ nhỏ nên đã mời thầy vào trường. Đầu tiên thầy phục vụ đàn nhạc cho trường, dạy nhạc cho các cháu nhỏ, sau thì kiêm luôn bảo vệ. Với mức thu nhập ít ỏi chỉ có 300 nghìn đồng/tháng, hầy vẫn tận tâm chăm sóc các cháu. Đồng thời, tiếp tục học thêm chuyên môn mầm non. 
Cô Phượng rất tự hào về “hạt mỳ chính cánh” của trường : “Thầy Phong biết đàn, Tiếng Anh, đánh cầu lông cũng “siêu” và luôn tận tình với các cháu. Có nhiều vất vả, nhưng thầy không ngại ngần, từ việc cho các cháu ăn, dạy các cháu đếm, dạy chữ, dạy nhạc đến vệ sinh cá nhân cho các cháu thầy đều làm rất tận tâm.  
 "Mẹ hiền" của các cháu là thầy Phong. Ảnh: Trí Thức
 Thầy Phong chia sẻ: “Tôi bươn chải nhiều rồi, vào đây hợp và thích các cháu mầm non, môi trường này khiến tâm lý dễ chịu, yên tâm, không vì mục đích vụ lợi gì cả, lại tránh xa được rượu bia và thuốc lá”.
Thầy cũng cho hay, thời gian mới vào trường, mọi người thường nói đùa ở đây thì không lấy vợ được và có một số lời dị nghị khi thấy thầy làm việc mà đáng ra chỉ dành cho các cô giáo. Dần dần cũng quen đi, thấy thầy làm việc rất tốt nên mọi người đều vui vẻ.
Năm 2006, thầy học xong cao đẳng mầm non, hiện đang làm thủ tục học tiếp đại học mầm non. Thầy cũng trở thành Phó Hiệu trưởng của trường. Và đặc biệt, thầy Phong luôn luôn có sự đồng hành chia sẻ của người vợ hiền là Nguyễn Thị Hồng Loan, giáo viên dạy tiếng Anh ở Trường THCS Yên Trấn.
Trí Thức/Vietnamnet

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)