Y tế - Văn hóaThư giãn

Tù nhân cuối cùng

Tạp Chí Giáo Dục

“Những tác phẩm nghệ thuật là tù nhân cuối cùng của bọn phát xít”. Đó là điều dễ nhận thấy từ bộ phim Woman in Gold.
Tù nhân cuối cùng 1
Vào năm 1998, Maria Altmann – một phụ nữ Áo gốc Do Thái (do Helen Mirren thể hiện) – người đã chạy thoát được nạn Holocaust của Đức Quốc xã, trốn sang Mỹ sinh sống – sau đám tang người chị ruột đã quyết định dấn thân vào cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm trời để đòi lại quyền sở hữu khối tài sản vốn thuộc về gia tộc mình. Maria Altmann sinh ra trong một gia đình giàu có với những năm tháng tuổi thơ ngập tràn hạnh phúc và cuộc hôn nhân đẹp như mơ lúc trưởng thành. Năm 1938, nước Áo bị sáp nhập vào Đức Quốc xã. Cũng như mọi lãnh thổ khác thuộc quyền kiểm soát của đế chế tàn bạo này, cuộc thanh trừng đẫm máu nhắm vào người Do Thái bắt đầu diễn ra. Trong số những tác phẩm nghệ thuật của gia đình Bloch – Bauer bị Đức Quốc xã đánh cắp sáu mươi năm trước, thì Potrait of Adele Bloch – Bauer I vẽ bởi danh họa Gustav Klimt được xem là có giá trị nhất đối với cả nước Áo nói chung và bà Maria Altmann nói riêng. Woman in gold – tên gọi phổ biến của bức tranh nổi tiếng đó, được ví von như nàng Mona Lisa của Áo, đã thể hiện số phận của gia tộc Bloch – Bauer thời hoàng kim qua hình ảnh nhũ vàng lấp lánh phủ trên người cô gái trong bức tranh. Rồi cô ta bị gỡ xuống khỏi bức tường nguy nga của dinh thự để tới sống giữa lòng phát xít, trở thành biểu tượng nước Áo tại Bảo tàng Belvedere ở Viên. Và giờ đây cô đang rất khao khát – nỗi khao khát đầy kiêu hãnh lẫn tổn thương muốn vượt Đại Tây Dương tới vùng đất của tự do.
Tù nhân cuối cùng 2
Một tác phẩm điện ảnh ra mắt vào năm 2015 dựa trên câu chuyện có thật với cấu trúc ba hồi đơn giản song sức hấp dẫn của nó không nằm ở các nút thắt, mở vấn đề mà là hành trình trở về quá khứ của Maria Altmann, ở một không gian – thời gian mà nước Áo đã hoàn toàn phản bội gia đình bà. Woman in gold không khốc liệt giống những tuyệt phẩm làm sâu về Thế chiến thứ hai khác như kiểu Life is beautiful hay Schindler’s list, nó chỉ lửng lơ và nhợt nhờ như chính thái độ của người Áo trong chiến tranh bên cạnh lời buộc tội có phần cay nghiệt của Maria Altmann, dẫu cho bà luôn nhận rằng mình yêu đất nước này đến chừng nào. Ida – phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar năm nay cũng là phim làm về đề tài hậu chiến, lấy bối cảnh đất nước Ba Lan những năm 1960. Khác với trạng thái cắn dứt và đau khổ của những người Ba Lan từng chỉ điểm dân Do Thái cho Đức Quốc xã trong Ida, người Áo trong Woman in gold vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng thoái thác trách nhiệm. Đấy là những người Áo thực sự hay là những người Áo qua lăng kính của đạo diễn Simon Curtis – người đã làm My week with Marilyn? Có một sự trùng hợp khá thú vị là Randy, luật sư của Maria Altmann chính là cháu nội của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Áo Arnold Schoenberg, người cũng di cư đến Mỹ để chạy nạn phát xít. Động cơ đưa Randy đến với vụ kiện quá rõ ràng: Hơn một trăm triệu đô la Mỹ ở khía cạnh giá trị tiền bạc của bức tranh. Thế nhưng sau tất cả khoảnh khắc ban đầu, khi đã được quá giang chuyến tàu quay lại ký ức của bà lão hơn tám mươi tuổi kia bằng những cảnh phim hồi tưởng đẹp buồn bã, thứ cảm xúc mang tên cội nguồn trỗi dậy mãnh liệt trong lòng chàng luật sư trẻ. “Dĩ nhiên, tôi vẫn là người Mỹ”, và không cần đợi lâu, một bài diễn văn vừa ngây ngô vừa xúc động đã minh chứng cho điều chàng nói: “Đây là thời khắc quá khứ phải trả lại công bằng cho hiện tại. Nhiều năm trước ở đất nước này đã xảy ra nhiều sự việc khủng khiếp, con người bị làm nhục, bị áp bức, bị giết, thậm chí cả gia đình bị tàn sát và trấn lột tài sản, việc làm cùng những thứ quý giá. Trong đấy có gia đình Bloch – Bauer. Và lúc này đây, với tư cách một người Áo, là con người, tôi đề nghị quý vị nhận ra sai lầm và sửa sai, không chỉ cho Maria mà cho cả nước Áo”.
Tù nhân cuối cùng 3
Woman in gold, mở rộng góc nhìn ra, trông như một cuộc phán xét mà Mỹ là chủ tọa còn Áo là tội nhân, điều này gợi nhớ tới vị thế của hai nước đó trong Thế chiến thứ hai. Vào một ngày mưa ảm đạm, hình ảnh nước Áo vẫn đẹp lộng lẫy với thành quách và vô số công trình nghệ thuật mang tầm vóc nhân loại. Người ta tin rằng dù trải qua bao cuộc chiến thì nghệ thuật vẫn sẽ không bao giờ bị tàn lụi trên đất nước này. Đã không ít lần sự bùi ngùi của Maria Altmann khiến người ta nghĩ rằng bà sẽ để lại những ký ức đẹp đẽ nhất của bà, của gia tộc Bloch – Bauer ở lại Viên, nơi đã giữ gìn được bức họa tuyệt vời được tôn vinh là “báu vật của nước Áo” hay “trái tim của nước Áo” song đã không thể giữ được những con người yêu nước Áo bằng hơi thở cuối cùng của họ. Để rồi, họ nghẹn ngào vượt Đại Tây Dương ra đi, điều mà năm 2005, nàng Adele trong bức tranh Woman in gold – tù nhân cuối cùng của liên minh Đức – Áo đã làm. Tòa án tối cao cuối cùng đã xử thắng cho Maria Altmann. Năm 2006, Maria Altmann bán bức tranh cho nhà sưu tập tranh với giá kỷ lục 135 triệu USD và hiện nay nó đang được trưng bày tại Bảo tàng Neue Galerie ở New York.
TN

 

Bình luận (0)