Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tư nhân hóa trường công: kinh nghiệm thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Tư nhân hóa đã là một cái “mốt” thịnh hành của trào lưu kinh tế tân tự do trong giai đoạn cao điểm kết thúc chiến tranh lạnh. Hai mươi năm qua, tư nhân hóa trường công đã thành hình như thế nào và hiện đang ra sao?
Học sinh Trường tiểu học công lập Saugatuck Public Schools, bang Michigan, trên đường đến trường – Ảnh: Saugatuck
Thật ra tư nhân hóa trường công chỉ là một trong những công đoạn chót của quá trình tư nhân hóa toàn cầu mà Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chủ xướng như là để “đóng dấu” kinh tế thị trường (tức tư bản chủ nghĩa).
Betty Reid Mandell, trong bài báo “Tư nhân hóa đủ thứ trần đời” (New Politics, vol. 9, no. 1-2002), viết: “Trong hai thập niên qua, giới kinh doanh tha thiết tước lấy từng chức trách mà các chính phủ trước kia nắm giữ, trong kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ đó. Các công ty ngày càng kiểm soát các dịch vụ cơ bản như bệnh viện, nhà tù, vệ sinh”. Johan Bastin của Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu than: ”Nếu các công ty đóng chai được không khí chúng ta đang thở, họ cũng dám giành bán lắm, y hệt như đã bán nước đóng chai”.
Immanuel Wallerstein, trong bài “Sự cáo chung của chủ nghĩa tân tự do toàn cầu”, trên website của Đại học Yale, tháng 2-2006, cũng nhắc lại nguồn gốc của làn sóng này: ”Các chính phủ cánh hữu ở Hoa Kỳ (Reagan) và Anh (Thatcher) cùng hai cơ quan tài chính liên chính phủ IMF và WB đã đẻ ra cái gọi là “thỏa thuận Washington”, bà Thatcher cũng đã đề ra khẩu hiệu “TINA” (There is no alternative – Không có giải pháp nào khác) để thúc giục các chính phủ tuân theo chủ trương tư nhân hóa tất cả hoặc sẽ bị trả giá bằng sự chậm tăng trưởng và sẽ bị bác hỗ trợ tài chính quốc tế. Các chính phủ lần lượt tư nhân hóa các ngành công nghiệp, mở cửa biên giới thương mại và tài chính, cắt giảm chi tiêu an sinh xã hội”.
Chiến dịch tư nhân hóa nhà trường ở Hoa Kỳ
Sẽ là lầm lẫn nếu nghĩ rằng ở Hoa Kỳ trường công đã biến mất sau chiến dịch tư nhân hóa trường công. Năm 1991, tiểu bang Minnesota thông qua đạo luật trường nhượng quyền này trước tiên, năm sau đến tiểu bang California… Hiện mới chỉ có khoảng 3.000 trường “nhượng quyền” tại 40 tiểu bang. Năm học 2004-2005, theo Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, có 3.294 trường “nhượng quyền” so với 90.001 trường công “cổ điển” tại Hoa Kỳ, thu hút khoảng 4% số học sinh. (Nguồn: U.S. Department of Education, National Center for Education Statistics). Cũng theo Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, số học sinh tiểu học và trung học năm học 2006-2007 tại các trường công là 49,3 triệu, tăng 0,4% so với năm học trước (49,1 triệu).
Ngày 19-2-1995, một bài viết đăng trên tờ Washington Post đã đóng dấu học thuật cho phong trào tư nhân hóa trường công bởi chữ ký của tác giả bài báo: Milton Friedman, Nobel kinh tế 1976. Khi đích thân một “Nobel kinh tế” hô hào “Trường công: hãy tư nhân hóa chúng” thì đó không chỉ là một lời kêu gọi suông, mà là một bản án cho chế độ trường công.
Là những nhà tiên phong của khoa học truyền thông, của ngành PR (Public Relations, mà trong thực tế chính là “tâm lý chiến”), những người cổ vũ cho việc tư nhân hóa trường công ở Hoa Kỳ thừa hiểu họ không thể lật đổ cả một hệ thống đã tồn tại bao thế kỷ qua cùng với các chính phủ liên tiếp chỉ bằng một nghị định hành chính hay một sắc luật. Muốn hay không muốn, hình ảnh chiếc xe buýt màu vàng sáng sáng dừng trước cửa nhà đón trẻ đến trường (và là trường công) cũng còn là một biểu tượng khó phai của một nền giáo dục đại chúng và miễn phí.
Chính vì thế họ đã cần đến một “Nobel kinh tế” để đả thông tư tưởng công chúng. Và “Nobel kinh tế” Friedman đã làm công việc đó một cách uyên bác: “Hệ thống giáo dục tiểu học và trung học của chúng ta cần được xây dựng lại từ nền tảng, từ những khuyết điểm của hệ thống hiện hành. Nhu cầu đó càng bị thúc ép bởi những hậu quả của các cuộc cách mạng kỹ thuật và chính trị trong các thập niên qua. Các cuộc cách mạng này hứa hẹn một sự gia tăng đáng kể trong sản lượng thế giới, song cũng đe dọa gia tăng xung đột xã hội xuất phát từ việc mở rộng khoảng cách thu nhập giữa giới tinh hoa ưu tú và lớp lao động không có chuyên môn cao…”.
Cuộc cách mạng kỹ thuật và chính trị mà “Nobel kinh tế” Friedman đề cập chính là cuộc cách mạng tin học, kỹ thuật số trong mọi lĩnh vực và sự sụp đổ trước đó sáu năm của khối Đông Âu cùng Liên Xô, như là sự sụp đổ của chủ nghĩa nhà nước và kinh tế quốc doanh. Từ những viện dẫn đến hai cuộc cách mạng đó cùng những đe dọa phân hóa xã hội, Friedman dễ dàng biến hệ thống giáo dục cũ thành con dê tế thần: ”Chất lượng đi học ngày nay tệ hơn năm 1955 rất nhiều. Chúng ta thảy đều biết rằng chỉ một số trường công tại một số khu dân cư ngoại ô có thu nhập cao tương đối là tốt, trong khi ở các trường công trong các khu dân cư nội thành chật chội tỉ lệ bỏ học cao, bạo lực không ngừng tăng, kết quả học tập kém, trò và thầy mất tinh thần”.
Đến đây, Friedman chạm vào vết thương lòng của xã hội Mỹ: ”Các trường tư hiện nay mới chỉ bao gồm một số trường tinh hoa với học phí cao dành cho một thiểu số trẻ em”, trước khi hô hào: “Chúng ta cần có một hệ thống trường tư rộng rãi và nghiêm túc hơn nữa. Theo tôi, việc tái xây dựng nền giáo dục chỉ có thể hoàn tất qua việc tư nhân hóa một phân đoạn lớn của hệ thống giáo dục bằng cách cho phép các tổ chức tư nhân, vị lợi nhuận, triển khai cung cấp các cơ hội học tập đa dạng đồng thời cạnh tranh hiệu quả với các trường công”.
Tư nhân hóa trường học không phải là đem bán
Tư nhân hóa trường công ở Hoa Kỳ không phải là chuyển quyền sở hữu của nhà nước sang một nhóm chủ sở hữu khác. Tư nhân hóa trường công ở Hoa Kỳ là nhượng quyền cho các nhóm giáo chức hay công ty giáo dục nhận công tác điều hành một trường công trong hi vọng sẽ ra khỏi lối mòn giáo dục cũ. Các trường được nhượng quyền đó (tạm dịch từ chữ charter school) sẽ hoạt động độc lập, tự ấn định chương trình sao cho đáp ứng nhu cầu địa phương, tự tuyển giáo viên theo phương châm của mình, nhận kinh phí từ ngân sách địa phương. Các trường này nếu hoạt động không “ra hồn”, qua các cuộc kiểm tra trình độ học sinh, sẽ bị cắt tài trợ.
Trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ còn tồn tại hệ thống chìa khóa phiếu học phí (voucher) mà với đó phụ huynh (đủ chuẩn xã hội được hưởng) có quyền chọn trường công hay tư cho con em mình. “Nobel kinh tế” Friedman mô tả như sau: ”Các phiếu học phí (cung cấp) phổ quát sẽ cho phép mọi người có thể đưa con mình đến trường. Các phiếu học phí đó, cho dù có kém hơn ngân sách dành cho mỗi học sinh, cũng đủ để học sinh theo học tại một trường tư vị lợi nhuận song cung cấp được một nền giáo dục tốt hơn”.
Vỡ mộng tư nhân hóa nhà trường
Ngày 17-8-2004, Đài phát thanh NPR đưa phóng sự “Học sinh các trường “nhượng quyền” có kết quả học tập kém hơn học sinh trường công”, dẫn nguồn Hiệp hội Giáo chức Hoa Kỳ. Ngày 23-11-2004, tờ New York Times cho biết kết quả khảo sát trước đó hai năm của Bộ Giáo dục liên bang tại năm tiểu bang Texas, Colorado, Illinois, Massachusetts và North Carolina cho thấy 96% học sinh trường công đạt chuẩn học tập trong khi chỉ có 66% học sinh các trường nhượng quyền đạt chuẩn. Những tin tức thê thảm về thành tích trường tư liên tục được công bố. Một khi kết quả dạy và học kém như thế làm sao có thể tiếp tục duy trì các trường nhượng quyền từ ngân sách tài trợ của nhà nước (hay địa phương)! Từ năm 2004, ở California 60 trường nhượng quyền đã bị đóng cửa.
Vỡ mộng trường tư ở Hoa Kỳ nằm trong bối cảnh của vỡ mộng kinh tế thị trường bằng mọi giá mà hậu quả là cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện tại. Immanuel Wallerstein, tác giả của “Sự cáo chung của chủ nghĩa tân tự do toàn cầu”, viết về sự toàn cầu hóa chủ nghĩa tư bản này như sau: “Vấn đề là kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ. Phân phối thu nhập toàn cầu và trong mỗi nước trở nên tuyệt đại: tăng của cải cho 10% dân số, đặc biệt cho 1% dân số “đỉnh cao”, trong khi dân số còn lại giảm thu nhập thực tế…”.
Những mô tả, phân tích như trên đầy dẫy trong giai đoạn đại khủng hoảng toàn cầu này. Cơ sở nhà nước yếu kém là một lẽ, thay thế nó bằng cách bán xác nó cho tư nhân lại là một lẽ khác.
DANH ĐỨC (TTO)

Bình luận (0)