Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Từ rừng ma đến giảng đường ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Tranh thủ ngày nghỉ, Ly Na giúp bố mẹ thu hoạch ngô
“Có không ít bạn ở những bản làng hẻo lánh như em, sau khi tốt nghiệp THPT liền tìm kiếm một suất cử tuyển ĐH để tiếp tục con đường học hành, nhiều bạn khác thì vội vã về bản lập gia đình. Em không theo hai con đường ấy, em nộp hồ sơ thi vào ĐH. Việc mình thi đỗ ĐH sẽ vui cái bụng hơn nhiều lần được cử tuyển!”.
Đó là tâm sự của em Hồ Thị Ly Na (người dân tộc Bru Vân Kiều) – tân sinh viên Trường ĐH Y dược Huế (tổng điểm ba môn đạt 26,5). Giữa sân trường vàng rực nắng, những bước chân của cô bé Ly Na đầy mạnh mẽ và tự tin.
1. Cái tin Ly Na đỗ một lúc hai trường ĐH (Nông lâm Huế và Y dược Huế) khiến nhiều người trong bản khâm phục; bởi trong khi bạn bè cùng trang lứa vơi dần ở cổng trường theo từng cấp học, còn Ly Na thì vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp. Không chỉ thế, ba năm THPT em đều là học sinh giỏi của Trường THPT Hướng Hóa. Nói về bí quyết học giỏi của mình, Ly Na cho biết: “Cái căn bản nhất để học giỏi là phải có quyết tâm và tập trung cao độ. Em không đặt ra mục tiêu phải trở thành một học sinh giỏi mà luôn nghĩ trong đầu là phải học để có được càng nhiều kiến thức càng tốt…”.
“Việc đỗ vào ngành bác sĩ đa khoa của Trường ĐH Y dược Huế khiến em rất vui, thế là ước mơ bắt đầu trở thành hiện thực rồi. Cầm tờ giấy báo nhập học đến tận sân trường ĐH rồi mà em cứ ngỡ mình đang mơ!”, Ly Na chia sẻ.
2. Ly Na sinh ra và lớn lên ở bản Trằm, xã Hướng Tân (huyện vùng núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) – một vùng đất còn lắm khó khăn. Em là con út trong gia đình có tới 6 anh chị em. Ba mẹ làm nông suốt đời lam lũ trên nương rẫy, bên con suối. Ở vào cái tuổi 60, đi qua nhiều gian khó đời người, ông Hồ Văn Cài (ba của Ly Na) thấm thía nỗi cực nhọc khi thiếu con chữ. Vì thế, dù có lúc hai vợ chồng gần như không thể gắng gượng cho con đủ miếng ăn qua mùa đông giá rét nhưng ông vẫn luôn động viên vợ gắng hơn chút nữa để lo cho các con được tới trường. “Cuộc sống ngặt nghèo quanh năm, khổ tận cam lai, nhưng nếu cứ cho con nghỉ học rồi mai này đời chúng cũng sẽ trong cái vòng luẩn quẩn đói nghèo. Chỉ có cái chữ mới mở ra con đường mới cho các con”, ông Cài nói. Từ ý nghĩ ấy, hai vợ chồng động viên các con tới trường, ngày dài hơn trên nương rẫy, đêm ngắn lại, động lực giúp hai ông bà trụ vững là những tấm giấy khen của các con. Thấy ba mẹ vất vả, nhiều lần các con xin nghỉ học, nhưng ông Cài nhất quyết không đồng ý. Thương ba mẹ, các con đều chăm ngoan học giỏi và tranh thủ ngày nghỉ là chạy về nhà phụ giúp ba mẹ. Từ ngày đường mòn Hồ Chí Minh thông thương đi ngang qua bản Trằm, cuộc sống có phần dễ thở hơn khi người dân nơi đây có điều kiện giao thương với bên ngoài, lên cửa khẩu quốc tế Lao Bảo hay xuôi về thành phố Đông Hà để trao đổi hàng hóa, thoát cảnh tự cung tự cấp. Cách nay hơn 5 năm, khi cây cà phê bén rễ trên đất Hướng Tân, đời sống kinh tế của hai vợ chồng ông Cài có phần đỡ hơn. Không còn cảnh vắt áo ngang vai chạy đôn chạy đáo đi vay tiền, vay lúa của bà con cho các con đến trường nữa. Rồi 5 đứa con lần lượt bước vào giảng đường ĐH, ra trường có công ăn, việc làm. Ngày nhận tin con gái út đỗ vào trường y, ông bà mừng rơi nước mắt. “Thế là niềm mong ước bấy lâu của hai vợ chồng tôi đã thành hiện thực. Chừ chỉ còn chăm chỉ làm lụng nuôi đứa út nữa là coi như vợ chồng hoàn thành nhiệm vụ”, ông Cài nói.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Vẫn còn tin vào uy lực của Giàng
Trao đổi với chúng tôi, Ly Na cho biết ở quê em, đâu đó dưới những tán rừng, người dân vẫn truyền tai nhau về câu chuyện người ốm đau là do Giàng phạt. Họ tin vào uy lực của Giàng hơn cả những nguyên nhân khoa học gây ra bệnh tật. Cũng như thế, người Vân Kiều còn đặt niềm tin gần như tuyệt đối vào hai chữ rừng ma. Đó là những tán rừng già, có nhiều cây cổ thụ được đánh dấu lãnh địa dành cho những linh hồn người đã khuất. Chốn linh thiêng ấy muốn bước chân vào thì phải làm lễ trình già làng để cúng bái. Bởi phần lớn người cao tuổi trong bản còn nhận thức chưa đầy đủ trong vấn đề khám chữa bệnh. Có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra do ốm đau, có người đến khi bệnh quá nặng mới được đưa tới bệnh viện. Do đó, để “đánh thức” được nhận thức của người dân về việc đưa người bệnh tới trạm y tế không phải là một điều dễ dàng. “Hồi còn nhỏ, mỗi lần nhìn thấy bà con trong bản ốm đau thuê thầy mo về cúng suốt mấy ngày nhưng vẫn không qua khỏi, có người lại phải cáng đến bệnh viện bằng võng rất nhọc nhằn. Lúc ấy, em đã ước sau này lớn lên sẽ học thành bác sĩ để trị bệnh cho bà con quê mình”, Ly Na bộc bạch.
 

Bình luận (0)