Anh Tư thăm con trai Anh Tuấn tại nhà trọ |
Bà con ở ấp 4, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, Tiền Giang gọi anh Phan Văn Tư (44 tuổi) là “Tư Lúa”. Cũng đúng thôi, bởi từ nhỏ cho đến bây giờ, anh chỉ có một nghề duy nhất là làm ruộng. Anh cho biết: “Cũng nhờ làm ruộng “thâm niên” mà tôi có nhiều kinh nghiệm, trúng mùa nhiều hơn là thất bát. Nghề nông dù rất cực khổ nhưng tôi cảm ơn nó đã giúp cho tôi có một cuộc sống gia đình tạm ổn định, đồng thời nuôi hai con trai ăn học đến nơi đến chốn…”.
Vượt qua gian khó!
Có thể nói, ở cái vùng quê nghèo khó này, việc cậu con trai của anh là Phan Anh Tuấn vừa thi đậu vào Đại học Công nghiệp TP.HCM là một điều rất đáng tự hào. Vừa bán xong hơn một trăm giạ lúa, anh mang tiền lên Sài Gòn cho con đóng học phí cũng như để tận mắt chứng kiến việc con ăn ở như thế nào. “Đời mình đã khổ vì nghèo mà thiếu học. Thôi thì cứ gửi ước mơ vào con. Với sức học hiện tại, tôi tin rằng sau này hai con tôi sẽ có một nghề nghiệp đỡ cực nhọc hơn cũng như giúp ích cho xã hội nhiều hơn…” – anh tự tin nói thế!
Cha mẹ anh cả đời nghèo túng, vì thế mà mới học lớp 3, anh đã phải nghỉ học để ra đồng làm ruộng. Anh lớn lên bằng hạt gạo do chính mình làm ra. 17 tuổi, anh lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành trách nhiệm của người thanh niên, anh trở về quê nhà tiếp tục với nghề nông. Cần cù và hiền lành, anh được nhiều cô gái cùng ấp đem lòng yêu thương, trong đó có chị Đặng Thị Quyên. Cả hai đến với nhau bằng sự cảm thông, chia sẻ hoàn cảnh nghèo khó. Chị ngày ngày đi nhổ cỏ, cấy lúa; còn anh cày ruộng, gieo hạt, chăm sóc, vác lúa… Xong mỗi vụ mùa, cả hai còn đi làm thuê làm mướn, cuộc sống tuy khó khăn nhưng rất hạnh phúc. Năm 1991, Phan Anh Tuấn ra đời trong niềm vui mừng tột đỉnh của anh chị. Mãi đến năm 1999, anh chị mới dám sinh tiếp đứa thứ hai là Phan Anh Tùng (lớp 5 Trường Tiểu học Tam Hiệp). Hai vợ chồng làm ruộng, cần kiệm nuôi hai con ăn học. Cho đến giờ phút này, anh vẫn tự hào là chưa bao giờ làm bất cứ điều gì trái với lương tâm của mình. Nhìn các con sống vui vẻ và ra sức học tập là anh cảm thấy mọi khổ cực của mình đã được đền bù xứng đáng.
“Dạy con bằng cái tâm…”
Tôi thắc mắc: “Anh chị đi làm quanh năm suốt tháng như thế làm sao quản nổi con cái?”. Anh trả lời thật nhẹ nhàng: “Chúng tôi dạy con bằng cái tâm trong sáng, bằng hành động của mình để con trông vào mà làm gương…”. Hai người con của anh chị là hai tấm gương về tinh thần vượt khó vươn lên mà nhiều gia đình trong ấp đã lấy đó để dạy lại cho con mình. Ngoan ngoãn hiếu thảo, luôn tự hào về công việc của ba mẹ là những đức tính rất đáng ngợi khen của hai người con anh. Hiện, ngoài giờ học, Anh Tuấn còn đi làm bồi bàn cho quán cà phê, đi dạy kèm để tự trang trải phần nào việc học. Còn Anh Tùng nhiều năm liền là học sinh giỏi, thành thạo tất cả mọi công việc nhà. Anh cho biết: “Tôi bận rộn nhiều việc mưu sinh nên các con tự bảo nhau học tập. Chưa bao giờ tranh cãi với nhau hay vòi vĩnh ba mua bất cứ thứ gì. Bạn bè, thầy cô ở trường biết hoàn cảnh của các con tôi nên cũng thông cảm và giúp đỡ rất nhiều…”.
Việc học của hai con vẫn còn tiếp tục, và anh vẫn trung thành với nghề nông. Những giọt mồ hôi của anh vẫn cứ đổ trên thửa ruộng quê nghèo để chờ một ngày những giọt mồ hôi ấy “nở hoa”. Nhờ công việc làm nông mà sức khỏe của anh luôn dẻo dai, ít bệnh tật. Nhìn anh, tôi rất thán phục bởi mặc dù anh không có nhiều tiền bạc nhưng hai con của anh sau này chính là tài sản vô giá mà anh sẽ sở hữu được.
KHÔI NGUYÊN
Bình luận (0)