Những tác phẩm được tuyển chọn tham gia Tủ sách Huế phải có giá trị, được hội đồng chuyên ngành do UBND tỉnh lập thẩm định và tuyển chọn một cách khách quan, công tâm, sau đó ấn hành kèm logo Tủ sách Huế.
Mỗi năm, đến ngày Sách Việt Nam, tôi lại nhớ hình ảnh ông Phan Ngọc Thọ trong chiếc áo dài, khăn đóng vỗ tay mừng rỡ khi ấn phẩm đầu tiên của Tủ sách Huế là Địa chí Thừa Thiên Huế (phần Văn hóa) chính thức đến với công chúng. Đó là chiều 17/3/2021, bên di tích Tàng thơ lâu trong Kinh thành Huế.
Ông Phan Ngọc Thọ (bên phải) tại lễ công bố đề án Tủ sách Huế ngày 17/3/2021. Ảnh: Thuận Hóa
Khi đó, ông Phan Ngọc Thọ là Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, là người chủ xướng đề án xây dựng Tủ sách Huế. Ông đã giao Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đề án này nhằm bảo tồn các tủ sách, cuốn sách về Huế đang có nguy cơ bị thất lạc, tẩu tán.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, việc xây dựng Tủ sách Huế nhằm hướng đến 3 mục tiêu: giới thiệu về Huế thông qua các tác phẩm, những đầu sách có giá trị được sưu tầm, phục dựng; khôi phục các đầu sách viết về Huế, khích lệ văn hóa đọc đang dần mai một, hướng tới xây dựng một xã hội đọc sách; thông qua tủ sách, xây dựng món quà của người Huế tặng cho du khách thập phương khi đến Huế, tức tặng sách.
Nhiều bạn trẻ đến Tàng thơ lâu dự sự kiện ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức sáng 18/4. Ảnh: Thuận Hóa
Ông Phan Ngọc Thọ cho hay, khuyến khích văn hóa đọc không phải là đợi đến ngày hội sách thì quảng bá đủ các kiểu sách hay, hoặc làm ồn ào một hai bữa là xong, mà đọc sách phải thành nếp, việc tuyên truyền phải được đưa vào chương trình hằng tháng trong một quy chế có tính bắt buộc. Trong đó, tuyên tuyền văn hóa đọc cho học sinh là “hành động khẩn cấp”.
Đặc biệt, ông Phan Ngọc Thọ chỉ đạo phải tôn vinh người tặng sách cho Tủ sách Huế, qua việc tổ chức tiếp nhận sách quý ở di tích Tàng thơ lâu – một trong những kho lưu trữ tài liệu quốc gia của triều đình Nhà Nguyễn, được xây dựng trên hồ Học Hải vào năm 1825 dưới thời vua Minh Mạng – hoặc ở Quốc tử giám Triều Nguyễn (nay là Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Tác phẩm Ngự chế minh văn cổ khí đồ của vua Minh Mạng được xem là sách cổ quý hiếm, vừa được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế công bố. Ảnh: Thuận Hóa
Trong nhiệm kỳ của mình (2016-2021), ông Phan Ngọc Thọ thường xuyên đến các trường học để kiểm tra thư viện, nói chuyện về văn hóa đọc cũng như đứng trước sân trường mỗi dịp lễ chào cờ để truyền cảm hứng về việc đọc sách đến với thế hệ trẻ, qua đó vun đắp tình yêu, khát vọng, quyết tâm học tập, khổ luyện để thành người có ích cho xã hội, cống hiến cho đất nước.
Cũng từ ý tưởng của ông Phan Ngọc Thọ, các trường đại học trực thuộc Đại học Huế đã thành lập các câu lạc bộ sách ở trường mình, cổ vũ tinh thần ham đọc sách trong sinh viên. Mỗi năm, Trường đại học Luật (Đại học Huế) đều tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc với sự tham gia của hàng ngàn sinh viên trong toàn trường, nhằm lan tỏa niềm đam mê đọc sách, cũng như trao đổi, chia sẻ những trải nghiệm của việc đọc sách.
Đánh giá việc hình thành các câu lạc bộ sách ở các trường đại học hiện nay, phó giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Phương – Giám đốc Đại học Huế, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Huế – cho rằng, các câu lạc bộ này đóng vai trò to lớn trong việc nâng cao tính chủ động tự học, tự đọc, tự nghiên cứu trong sinh viên, góp phần nâng cao dân trí, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Đến với cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, mỗi thí sinh trở thành đại sứ, lan tỏa văn hóa đọc ngay ở gia đình, địa phương mình.
Luật Thư viện góp phần xây dựng xã hội học tập Nói về ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, tiến sĩ Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế – nhận định, đọc sách và phát triển văn hóa đọc đang ngày càng được quan tâm hơn. Năm 2019, Luật Thư viện ra đời tạo hành lang pháp lý vững chắc để các cấp, các ngành, địa phương tập trung phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập, làm nền móng vững chắc để phát triển đất nước. Luật cũng khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng xã hội học tập. |
Theo Thuận Hóa/PNO
Bình luận (0)