Cô và học sinh huyện Văn Chấn – Yên Bái |
Vài hôm nữa thôi là khai giảng rồi. Hình như đây là mùa thứ hai mươi sao đó. Năm nào, trước thềm năm học mới, người ta cũng nói nhiều tới nghề giáo quá, làm không chỉ riêng tôi cảm thấy chạnh lòng. Chẳng biết theo thời gian, có phải cảm xúc đã rơi rớt bao nhiêu, mà sao tôi lại thế này. Vui buồn lẫn lộn!
Từ đầu, tôi đến với nghề như một kế mưu sinh, bởi nghề giáo không phải là lựa chọn đầu tiên của mình. Nhưng, tự nghĩ mình sẽ sống với nghề như bất kỳ ai làm nghề mà họ đã quyết tâm chọn lựa. Dạy học cũng chỉ là một trong hàng trăm nghề khác thôi mà. Tới giờ, tôi đã xem như nghiệp. Bao nhiêu năm đó, cũng nhiều khi nản lòng, vì nhiều lẽ. Và, tôi thường nương vào bầy con trẻ để tìm chút động viên, an ủi ở từng lời nói ngây thơ, trong từng ánh nhìn trong trẻo.
Miền đất này, người ta gọi là thung lũng, vì bốn phía được bao bọc bởi trùng điệp những dãy núi hùng vĩ, hoang sơ. Từng khoảnh ruộng bậc thang thấp thoáng, chừng như lọt thỏm giữa những ngọn đồi, những cung đường khúc khuỷu, dốc núi ngoằn ngoèo, dựng đứng… Mỗi khi hè đến, sim rừng trổ hoa tím biếc khắp các triền đồi.
Thiên nhiên tuyệt đẹp cũng không dễ khỏa lấp được những vất vả, nhọc nhằn của cuộc sống con người nơi đây.
1. Năm đầu tiên tôi vào nghề, thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Những tháng đông giá buốt, rồi đến mùa khô oi bức. Nhưng cô bé trong lớp học của tôi bao giờ cũng chỉ có một tư thế ngồi. Đôi mắt trong veo của nó luôn khiến người ta xao xuyến. Tôi không kìm lòng được: “Sao con cứ chăm chăm nhìn cô vậy bé? Không nhất thiết vậy đâu. Con cứ thoải mái đi mà!”. Giọng cô bé bẽn lẽn: “Dạ, con phải chăm chú nghe đó cô. Con mà nhìn lung tung, lỡ sót lời cô giảng!”.
Tôi chợt nhận ra trong cái thung lũng giữa núi rừng hoang vu, gần như biệt lập hoàn toàn với thế giới văn minh bên ngoài này, thầy cô giáo là cả bầu trời của con. Suốt những tháng ngày sau đó, mỗi khi bắt gặp ánh mắt của các con như ánh mắt cô trò nhỏ năm nào, lòng tôi lại trào dâng xúc động.
2. Thầy cô nào cũng mong gặp các con học giỏi, ngoan ngoãn. Nhưng mỗi lứa học trò đều có những nét riêng. Các cậu trai thường ngỗ nghịch. Và cô trò hay tỉ tê tâm sự. Có lần, biết không nên nói gì nữa với con, tôi chỉ hỏi: “Con trai, con không cố hơn xíu nữa được sao con?”. “Cô ơi, trước đây, khi học ở trường mình, không có thầy cô nào chịu nổi con. Rồi ba mẹ gửi con vô trường giáo dưỡng tận trong Sài Gòn. Thầy cô trong đó cũng không ai chịu nổi con luôn. Giờ con lại về đây. Con biết ba mẹ, thầy cô chán con lắm rồi. Nếu không phải là cô, con cũng chẳng ráng được như này đâu. Con thương cô nên con bớt quậy phá nhiều rồi mà. Cô muốn con làm hơn, con chịu không nổi, con buông đó cô. Cô ơi, cô tiếp tục thương con y vậy nghe cô. Để con học hết năm này, rồi tốt nghiệp, con đi học lái xe kiếm sống. Con không làm muộn phiền cô và ba mẹ nữa.”. Thằng bé cao lớn gấp đôi cô nó, mắt ươn ướt, nói mấy lời tưởng như không phải là nó. Mà không! Đó mới chính là nó!
Cô giáo Nguyễn Thị Hương, 27 tuổi là giáo viên dạy Mầm non trên điểm trường Pờ Hồ Cao (Bát Xát, Lào Cai) |
3. Bao nhiêu học trò đã đi qua, quả thật, tôi không thể nào nhớ được tất cả, dù là rất muốn. Vậy mà, trong một khoảnh khắc nào đó của dòng đời xuôi ngược, con vẫn chợt nhớ tới cô giáo thuở nào. Để cô được nghe lời tâm sự: “Cô ơi, giờ mà con bước lệch thì con sẽ trượt ngã đó cô. Con không biết nên bước chân nào lên trước nữa. Con căng thẳng, bấn loạn lắm, chẳng nghĩ được gì”. Giọng cậu trai hai tư, dù cố nén, cũng không sao giấu nổi vẻ thảng thốt, lo âu. Cậu đang đứng trước những ngả rẽ của cuộc đời, về tình yêu, về sự nghiệp… Tôi biết con tâm sự với mình không cốt để nghe một lời chỉ đường vẽ lối. Trước khi từ biệt, cậu bé bảo: “Nói được với cô những lời này, tự dưng con cảm thấy nhẹ lòng, tỉnh táo. Con tin mình sẽ lựa chọn đúng đắn. Bởi con biết, không ai có thể quyết định để sống thay cuộc đời của con. Và con quyết không bao giờ hối hận với những gì mình đã lựa chọn”. Lẽ nào mình lại có thể trở thành chỗ dựa của con trong một phút yếu lòng của nó!
4. Một ngày, có cậu bé về thăm. Cậu hai bảy rồi. Nghĩa là mười hai năm sau ngày cô trò chia tay lớp học. Cậu bé nghỉ học sớm. Vì muốn rời khỏi chốn núi rừng nghèo khổ để lập thân lập nghiệp, những mong thay đổi cuộc đời, con đã theo chân các anh chị trong làng vào miền Nam lăn lộn kiếm sống. Con kể: “Đời con chưa có một ngày sáng sủa. Dạo cách đây năm năm, con lầm lối, một chân gần như bước vào vòng tội lỗi. Bất chợt trong khoảnh khắc thoáng nghĩ đến cô, ý nghĩ ấy cứ ngày một rõ ràng. Rồi con cố sức rút cái chân ấy ra, loạng choạng quay đầu.”. Sao mà cậu bé nói như thơ! Chắc con nhìn đời giờ đã khác, thấy có chút gì dịu dàng trong đó…
Với tôi, từng lời nói, từng ánh mắt của các cô bé, cậu bé học trò đã đi qua cuộc đời mình như có sức nặng ám ảnh và lưu giữ. Biết đâu niềm hạnh phúc mà mình có được có thể đến từ những điều nhỏ bé như thế. Giờ đây, tôi vẫn đang sống với nghề nơi núi rừng hoang sơ. Và, mỗi mùa khai giảng đến, sim rừng chín rộ, tím thẫm khắp cả những triền đồi. Rồi thi thoảng nhìn những cô cậu học trò lững thững bước vào đời. Với chút hành trang ít ỏi, chúng loạng choạng bước, vấp ngã. Chúng gượng dậy, đứng lên rồi mạnh mẽ đi tiếp. Ít nhất chúng cũng sống được đàng hoàng, tử tế.
Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
(GV Trường THCS An Hòa – Bình Định)
Bình luận (0)