Y tế - Văn hóaThư giãn

Tự sự ngày về

Tạp Chí Giáo Dục

Ai sinh ra cũng đều có những đam mê riêng của chính mình, từ thời để chỏm tôi cùng đám trẻ con trong xóm chơi trò cô giáo nhưng giấc mơ ấy đã không theo tôi trong suốt quãng đời đi học của mình. Tôi trở thành “lãnh đạo” trong tất cả những năm phổ thông, tốt nghiệp cấp 3 và lựa chọn ngành triết học thay vì chọn ngành sự phạm ngữ văn chỉ vì một nỗi: “làm giáo viên nghèo lắm!”. Tốt nghiệp đại học với tấm bẳng cử nhân trong niềm hân hoan, tôi bước vào đời tôi phân vân mình nên về hay ở lại Sài Gòn? Cả một chiều ngồi xe buýt dạo quanh Sài Gòn như kẻ khờ thắp đèn đi tìm chân lý giữa đám đông. Dòng người tấp nập đổ ra từ khắp mọi nẻo đường, mỗi người một vẻ mặt tâm trạng với những bận bộn lo toan riêng cho công việc, cho gia đình, cho rất nhiều những thứ khác trong cuộc sống thường nhật quanh mình. Tôi chợt nhận ra mình cần một mái nhà và đơn giản là một sự quan tâm. Tôi từ bỏ tất cả công việc, người yêu và giấc mơ trưởng thành nơi đất khách chỉ để được… trở về.

Ba mẹ đón tôi trong mái tóc đã chuyển màu theo năm tháng, tôi về như một chỗ dựa mới thay thế vị trí của chị trong gia đình. Có lẽ đây là điểm dừng chân trong cuộc hành hương đầy khát vọng của mình để lại bắt đầu với những trăn trở lo toan mới. Người ta nói đúng, nếu không thất bại sẽ không thể quý phút thành công, nếu ai không bất hạnh sẽ không biết hạnh phúc quan trong như thế nào, cuộc sống này được tạo nên bằng những khoảnh khắc hiếm hoi ấy.
Kể từ lúc về tới nhà tôi dặn lòng sẽ cố gắng tìm việc, khi nào tôi có công ăn việc làm mới qua thăm ông nội. Không phải vì tôi bất hiếu nhưng tôi là đứa có cục “tự ái” cao hơn con ngươi. Tất thảy chỉ vì sự không công bằng phân biệt đối xử của nội với đứa cháu gái mà thôi. Cái câu cửa miệng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” của nội không bao giờ để cho niềm tự ái trong tôi ngủ yên. Nội như trái chín cây chờ ngày rụng, có lúc nội nhắn tôi ghé chơi nhưng tôi cương quyết giữ lời thề trong lòng… 2 tháng sau nội mất. Tôi ngỡ ngàng như không tin vào chính lai mình nghe thấy tiếng nói của chú út qua điện thoại. Tôi chạy như bay đến bên nội để được nhìn thấy gương mặt đã lịm đi, cứng đờ bất động dưới lớp khăn trắng. Có cái gì đó nghẹn lại nơi cổ họng, tôi òa khóc như đứa trẻ, chợt mong nội tha thứ cho cái tội hiếu thắng cố chấp, nhưng tôi tin nội biết vì sao tôi lại cư xử trẻ con như vậy. Đứng trước linh cữu nội, thắt khăn tang lên đầu tôi vẫn là một kẻ thất nghiệp không hơn không kém!
Sau đám tang nội tôi được gọi phóng vấn vào vị trí maketing không phải vì bằng cấp, mà vì khả năng ăn nói lưu loát của mình. Công việc làm tôi nói như một cái máy, nói những điều mà hình như chưa hẳn đã là sự thật, chúng tôi vẫn đùa nhau đó là những lời nói không có hại, hái ra tiền. Tôi tự hỏi bản thân tôi thích gì? Thất khổ sở cho những ai không biết mình thích gì yêu gì và cần gì? Vì như thế người ta cứ tồn tại hồn nhiên mà thôi. Nhưng tôi khác họ, tôi không giống ai, nhưng cũng không muốn ai giống mình. Một ngày đẹp trời, người bạn thân giới thiệu cho tôi dự thi vào vị trí giảng viên chính trị, thiết nghĩ “thôi ta đừng lông bông nữa, thử dừng chân nơi đây”.
Lần đầu tiên bước chân lên bục giảng, cảm giác hình như mình đã là người lớn thực sự. Dường như giấc mơ trẻ con ngày nào chợt thức dậy trong cái tiềm thức nhỏ bé. Niềm hạnh phúc lan tỏa trong trái tim khi tôi cố gắng thổi vào ánh mắt thơ ngây ấy những nỗi niềm của một người đi trước. Tôi cố gắng trao cho hậu bối của mình niềm đam mê và hạnh phúc được sẻ chia…. Đúng! hạnh phúc sẽ được nhân lên và nỗi buồn sẽ vơi đi một nữa… điều đơn giản mà giờ này ta mới nhận ra. Có lúc tôi thấy mình thực sự thất bại vì các em không hiểu được những thuật ngữ chuyên ngành, tôi tự hỏi mình có khiếu sư phạm hay không? Tôi phải làm sao để các em có thể hiểu? Tôi cố gắng “thắp đèn” để đi vào lòng các em trong nỗi hoang man đầy trách nhiệm trộn lẫn với niềm kiêu hãnh đầy hứng thú.
Đêm đông thật lạnh lùng, cắt vào lòng tôi những nỗi nhớ vô hình, bạn bè, người yêu… cảm thấy mùa đông miền trung sao dài thế. Có lẽ sẽ chỉ có một mình tôi bước đi giữa mùa đông của lòng mình, nếu không có công việc kéo tôi theo dòng xoáy bận bịu. Đêm giáng sinh trời mưa rất to, mưa như cắt vào mặt lạnh buốt, nhấc điện thoại gọi cho anh:
         Thế là em đã đi qua được mùa đông mà không có anh.
         Vì trái tim anh luôn sưởi ấm em chứ … Anh cười nghe thật hiền nhưng thật xa xăm
Mùa đông Đà Nẵng lạnh thật, đã đi qua mùa đông mà sao vẫn thấy như mùa đông chỉ đang mới bắt đầu. Có hôm đi làm về, đường đông người trời mưa tầm tã, chen lấn nhau qua những ngã tư đầy xe và tiêng còi chợt thèm khát một ai đó sóng đôi cho con đường về ngắn lại…
 
Tít…tít…
         Merry christmast! You always were in us!;)
Thì ra là tin nhắn của cậu bé lớp trưởng.
    Thanks, the same to you.
Cuộc sống này đôi khi có những điều tưởng chừng bình thường thôi nhưng không hề bình thường nhu ta vẫn tưởng. Đêm nay ông già nô en đã gõ cửa lòng tôi, trao cho tôi một món quà vô giá, món quà của niềm tin, của tình yêu để tôi hiểu mình không hề đơn độc.
Có hôm bị cảm lạnh lăn đùng ra ốm, nhìn mẹ vào ra lo lắng, chợt thấy mình như trẻ con. Mẹ trách:
– Tại con cứ ham việc cho lắm vào nên mới đau ốm thế này đây. Trường thì xa mẹ chẳng yên tâm chút nào. Con xem xin làm việc gì nhẹ nhàng gần nhà thôi, lương thấp cũng được.
Tôi nhủ thầm mẹ không sai nhưng mẹ ơi, người trẻ vốn rất mê say cống hiến. Có những công việc người ta làm không phải vì tiền mà vì sự tâm huyết khiến người ta muốn dâng hiến, dám chấp nhận để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nghề giáo cũng như biết bao nhiêu nghề khác trong xã hội, nhưng với niềm đam mê và sự cống hiến lặng lẽ những người thầy người cô luôn khao khát tìm thấy niềm hạnh phúc của mình trong chính sự trưởng thành của học trò mình ngày mai. Tôi còn nhớ trong một lá thư khi Mác gởi cho cha mình chắc lúc ấy ông cũng tuổi tôi bây giờ ông cũng từng nghĩ: “nếu chúng ta đã lựa chon một nghề mà trong đó chúng ta có thể lao động nhiều nhất cho loài người thì chúng ta sẽ không cúi đầu vằn lưng dưới gành nặng của nó, bởi gánh nặng ấy là sự hy sinh vì mọi người; khi ấy điều chúng ta cảm nhận được không phải là một niềm vui thảm hại, hạn hẹp, vị kỷ, mà niềm hạnh phúc của chúng ta sẽ thuộc về hàng triệu người, lúc đó sự nghiệp của chúng ta sẽ có một cuộc sống thầm lặng nhưng có hiệu lực vĩnh hằng…”. Câu nói ấy luôn là chỗ dựa tinh thần cho tôi tiếp tục tiếp bước để bước tiếp.    
Thời gian lặng lẽ trôi như người lái đò lặng lẽ đưa con đò sang sông, tôi cùng các em đi qua những tiết giảng đôi khi căng thẳng với những lý luận chuyên ngành khó hiểu có khi thấy đến khô khan. Đôi khi vì quá trẻ và nhỏ con mà lại đứng trước học trò phần lớn là nam, nhiều trò nghịch ngợm của cá em khiến tôi suýt khóc. Nhưng bằng những phương pháp học mới, tôi cố gắng tìm kiếm lại những đam mê học tập trong chính các em, bởi một lẽ học trò của tôi lại là những em ham chơi và tinh nghịch, khả năng tiếp thu không cao, nhưng cộng thêm tâm lý thiếu cố gắng cứ như kéo lùi bánh xe tri thức của các em về phía sau… .Ai cũng nghĩ các em học yếu nên mới bước chân vào học nghề nhưng tôi vẫn cho rằng thật ra vì các em đã đánh mất niềm đam mê chính đáng của mình mà thôi. Do đó người thầy không chỉ dạy chữ mà còn là một người cầm đèn cố gắng thắp lại ngọn lửa đã lụi tàn ấy.
Chiều nay, tôi đứng trên dãy nhà cao tầng nhất của trường nhìn về phìa biển nơi có những con thuyền mờ đi trong ánh chiều tàn. Sau khi nhận quyết định chuyển công tác, trong lòng cô giáo trẻ chợt thấy ngậm ngùi tiếc nuối vì mình đã không đi tiếp con đường phía trước cùng nhà trường, với những đồng nghiệp thân yêu đã cùng mình gắn bó. Mùng 8/3 năm nay, tôi nhận được chiếc khăn của cô bé học trò đan tặng, có lẽ đó là món quà kỷ niệm các em dành cho tôi trước khi rời xa mái trường này, và đó có lẽ cũng là hơi ấm mà tôi nhận được từ các em để đi tiếp quãng đường phía trước. Dẫu mùa đông còn dài, dẫu con đường phía trước không trải đầy hoa, tôi vẫn sẽ ra đi với chiếc khăn quàng cổ ấy, để thắp tiếp những niềm đam mê. 
TRƯƠNG DIỆU HẢI AN

Bình luận (0)