Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Từ sự thành công đến những tấm lòng nhân ái

Tạp Chí Giáo Dục

Từ sự thành công…
Bài thuốc cai nghiện quý ngày nào đã được Tiêu Vĩnh Ngọc nghiên cứu thành công và sử dụng như một công cụ cứu giúp những người lầm đường lỡ bước. Từ cơ sở cai nghiện tự nguyện ở quê nhà Cẩm Phả, anh đã mở rộng hệ thống các cơ sở mang tên mình trên nhiều tỉnh thành trải dài từ Bắc vào Nam. Từ Cao Bằng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nội… đến Nghệ An, Hà Tĩnh và mới đây nhất là Đồng Nai.

Cơ sở mới tại Đồng Nai

Anh tâm niệm dẫu có nhiều của cải đến đâu thì khi chết con người ta cũng không mang theo được gì, phải sống làm sao để khi mình mất đi còn có thể để lại được những tấm lòng. Những tấm lòng vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người. Theo anh Ngọc, khi còn sống là phải biết hành động và cống hiến hết sức mình cho xã hội bằng những việc làm cụ thể và thiết thực. Chân lý tốt đẹp đó đang được anh thực hiện một cách nghiêm túc và đầy trách nhiệm từng ngày, từng giờ một. Cuộc đời này giá trị là ở chỗ nếu chúng ta đã làm được một việc gì có ích, thì lương tâm luôn mách bảo chúng ta cần nhân rộng hơn những cái lợi ích đó vươn xa, bởi cơ hội giúp người chỉ đến và chọn những ai có duyên và biết trân trọng nó – thiết nghĩ, có mấy ai làm được.
Khi chúng tôi hỏi anh làm thế nào để quản lý các cơ sở của mình trên khắp cả nước, anh vui vẻ chia sẻ: Trong công việc, tôi luôn đặt yếu tố con người lên hàng đầu. Tất cả mọi người vào đây điều được đối xử như anh em trong một nhà, để cùng nhau đứng lên vượt qua cái chết thầm lặng do ma túy. Những người đứng đầu quản lý 24 cơ sở cai nghiện của tôi trên khắp cả nước hầu hết là những người trước đây do chính tôi trực tiếp cai nghiện thành công. Tôi lựa chọn và đặt niềm tin vào những người đã từng lầm lỡ để thay đổi và uốn nắn những bệnh nhân, những người đang mắc phải tệ nạn này như họ trước kia. Chỉ có người trong cuộc mới biết tác hại thật sự của ma túy như thế nào, cũng chính vì điều đó nên họ rất nhạy bén khi nắm bắt tâm lý của người bệnh khi cai nghiện, vì thế họ sẽ áp dụng kịp thời những liệu pháp để điều trị – điều đó sẽ thật sự có hiệu quả trong công tác cai nghiện và thực tế thời gian từ trước đến nay đã chứng minh được điều đó. Tôi chỉ là người chỉ đạo từ xa, lo quản lý thuốc và hạn chế tối đa việc thất thoát nguồn thu chi.
Anh cho biết thêm, khi trở về cộng đồng – người nghiện rất cần sự cảm thông chia sẻ của gia đình và xã hội. Tôi luôn mong muốn các cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương hỗ trợ và sẵn sàng tạo điều kiện để những người sau khi cai có cơ hội trở lại tái hòa nhập với cộng đồng – có một cuộc sống tốt đẹp và trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội. Thật ra, điều này đã được nói đến nhiều nhưng để làm được thật sự không nhiều, đó là cái nhìn phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại trong xã hội hiện nay. Tính đến thời điểm này, trung tâm đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 200 người, với nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống cho họ. Rất nhiều người đã và đang cai nghiện xem đây như là một gia đình thứ hai của họ, là một sự cứu cánh và “là thiên đường” để họ làm lại cuộc đời. Không thể tính được mỗi năm có bao nhiêu người đã được cai nghiện thành công từ các Trung tâm tự nguyện của anh Tiêu Vĩnh Ngọc.
… đến những tấm lòng nhân ái!
Đối với người đàn ông ngoài tứ tuần này – việc cai nghiện thành công cho những người em năm nào trong gia đình đã là một ân huệ mà cuộc đời ban tặng. Đó là món nợ lớn với đời mà anh quyết lòng phải trả bằng mọi cách. Song song với việc mở rộng phạm vi hoạt động của những Trung tâm cai nghiện tự nguyện, Tiêu Vĩnh Ngọc còn dành rất nhiều thời gian, tiền bạc và tâm sức để phục vụ cho hoạt động từ thiện xã hội. Anh suy tư: Đồng tiền này là đồng tiền “trời cho” mình, không ăn được, chỉ có thể mang đi giúp đỡ và chia sẻ cho những người khác gặp khó khăn hơn. Tính đến nay, tổng số tiền mà anh làm công tác từ thiện đã lên đến con số hơn 5 tỉ đồng. Cụ thể, hàng tháng, anh trợ cấp cho hơn 200 học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước – mỗi xuất trợ cấp là 500 ngàn đồng; ủng hộ chương trình “trái tim cho em” 10 triệu đồng/ tháng; xây dựng nhiều ngôi nhà tình thương cho các đối tượng thuộc hộ chính sách. Anh còn tham gia ủng hộ nhiều chương trình gây quỹ từ thiện khác như: Hội Người nghèo, Hội Chữ thập đỏ, các chương trình ca múa nhạc vì mục đích từ thiện và còn rất nhiều những chương trình hoạt động từ thiện khác nữa…
Khi chúng tôi hỏi thêm về số tiền anh dùng để làm từ thiện hàng năm, anh cho biết: “Phần lớn số tiền làm từ thiện là tiền mà tôi cùng các anh em làm ra từ công tác cai nghiện của mình. Vì thế niềm mong muốn lớn nhất của tôi bây giờ là có được sự ủng hộ và quan tâm từ phía chính quyền địa phương, các cấp các ngành – cùng chung tay góp sức hỗ trợ, tạo điều cho chúng tôi có được mặt bằng hợp lý (nhất là những nơi ít được khai thác, hoặc đã khai thác sử dụng nhưng mang lại hiệu quả kinh tế thấp), hỗ trợ về mặt pháp lý giúp chúng tôi có thể mở rộng hơn nữa các cơ sở cai nghiện, góp một phần công sức cho cuộc chiến chống ma túy của nước nhà”.
Người ta có nhiều cách để sống và trả nợ cho cuộc đời này, cứ coi đây như là một cách để anh trả nợ cho những gì mà anh đã tâm nguyện khi cứu được những đứa em và rất nhiều người khác nữa. Một hình thức “trả nợ đời” nhân văn và đáng trân trọng. Xin được cảm ơn những tấm lòng nhân ái mà anh đã làm vì cuộc sống hôm nay.
Quốc Sơn

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)