Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Từ sự “thấu cảm” ngẫm về “bệnh vô cảm”

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc sống ngày càng phát triển, tình cảm yêu thương, sự đồng cảm giữa con người với con người càng cần thiết. Đáng tiếc là, một bộ phận giới trẻ ngày nay còn có lối sống thờ ơ, bàng quan, vô cảm. Do đó, nội dung yêu cầu bàn về sự “thấu cảm” trong đề thi môn văn ở kỳ thi THPT quốc gia năm nay có thể khơi gợi nhiều điều đáng để suy ngẫm.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) trao đổi sau khi làm bài thi xong trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: D.Bình

Đề thi môn văn năm 2017 được nhiều người đánh giá là vừa sức với thí sinh. Nội dung các câu hỏi trong đề thi đề cập tới những vấn đề giàu tính nhân văn như: Tình yêu thương, sự sẻ chia trong cuộc sống; tình yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt, phần thi đọc hiểu và phần nghị luận xã hội có các câu hỏi gợi mở yêu cầu thí sinh trình bày quan điểm, suy nghĩ về sự “thấu cảm” cần có giữa con người với con người trong cuộc sống. Trước hết, theo tác giả của đoạn ngữ liệu, “thấu cảm” là “khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ, là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, những cảm xúc của họ và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét”. Nói một cách ngắn gọn, “thấu cảm” là sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia. Cũng theo tác giả, “lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm”.

Hành vi của đứa trẻ 3 tuổi, cô gái có bà bị ốm, cậu bé Bồ Đào Nha được nhắc đến trong đoạn trích chính là những minh chứng giản dị và sinh động cho sự “thấu cảm” và lòng trắc ẩn. Những hành động của những nhân vật nêu trên cho thấy sự đồng cảm, thấu hiểu, yêu thương vẫn tồn tại trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Những tình cảm đáng trân trọng ấy cần được nhân rộng, lan tỏa để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia là nền tảng của lòng yêu thương. Đây là phẩm chất cần có đối với tất cả mọi người, nhất là với những người trẻ tuổi. Đáng tiếc là một bộ phận giới trẻ ngày nay còn có lối sống dửng dưng, bàng quan trước những khổ đau, bất hạnh của đồng loại và mọi thứ diễn ra xung quanh mình mà nhiều người vẫn thường gọi là “bệnh vô cảm”. Căn nguyên tạo nên “bệnh vô cảm” ở một bộ phận giới trẻ ngày nay là thói vị kỷ, thích hưởng thụ. Cùng với đó là sự tiêm nhiễm những thói hư tật xấu từ môi trường sống, từ những “tấm gương mờ” của người lớn. Thời gian qua, xuất hiện một số đoạn video clip học sinh đánh nhau. Những video clip “tự tạo” ấy sau khi nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội đã nhận được sự hưởng ứng, cổ vũ của không ít giới trẻ với những lời lẽ bình luận thản nhiên, tàn nhẫn như: “cũng bình thường thôi”, “lần sau cứ thế mà phát huy”, “được lắm”, “hoành tráng lắm”… Và như thế, dường như sự vô cảm trong giới trẻ đang được tăng lên theo cấp số nhân. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, giới trẻ có nhiều điều kiện để kết nối bạn bè, thể hiện cái tôi riêng của mình. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng bộc lộ khi việc lệ thuộc vào thế giới ảo khiến cho đời sống tâm hồn của một số người trở nên cằn cỗi, khô khan, để rồi ở họ dần đánh mất đi những xúc cảm yêu thương lúc nào không hay biết. Không ít người suốt ngày dành thời gian cho mạng xã hội, facebook, zalo…, không để ý tới những gì đang diễn ra xung quanh, thậm chí trở nên lạc lõng ngay trong chính gia đình của mình.

Tình yêu thương con người, biết sẻ chia trước những nỗi đau, sự bất hạnh của đồng loại là lẽ sống, tình cảm cao đẹp, là chuẩn mực đạo đức mà con người cần hướng tới trong xã hội. Làm sao để có được một phương thuốc hữu hiệu chữa “bệnh vô cảm” đang có nguy cơ lan rộng trong giới trẻ? Làm sao để giới trẻ ý thức được vai trò, vị trí của tình thương yêu và biết sống yêu thương, vị tha hơn? Câu hỏi trên là nỗi trăn trở không của riêng ai. Đó là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Và như vậy, nội dung yêu cầu bàn về sự “thấu cảm” trong đề thi môn văn ở kỳ thi THPT quốc gia năm nay có thể khơi gợi nhiều điều đáng để suy ngẫm.

Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên Trường THPT Kim Liên,
Nam Đàn, Nghệ An)

Bình luận (0)