Có thể nói, từ hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được TP.HCM triển khai trong nhà trường thời gian qua, tỷ lệ phụ huynh bậc mầm non, tiểu học và lớp 6 đồng thuận cho con trở lại trường (từ ngày 14-2) đạt mức cao, góp phần đưa hoạt động dạy và học tại thành phố về mức “bình thường hóa”.
Các trường học nỗ lực đảm bảo an toàn cao nhất cho học sinh khi các em đến trường
Phụ huynh đồng thuận cho trẻ đến trường
Tại huyện Nhà Bè, khảo sát cho thấy tỷ lệ phụ huynh bậc mầm non, tiểu học và lớp 6 đồng thuận cho học sinh trở lại trường khá cao. Cụ thể, bậc mầm non tỷ lệ đồng thuận là 67,89%; tiểu học trung bình 70% – cao nhất là lớp 1 với 79,8%; lớp 6 là 89,3%. Trong khi đó, tỷ lệ đồng thuận từ lớp 7 đến lớp 12 là 100%. Bà Lê Thị Oanh (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè) thông tin, 100% các trường trên địa bàn huyện, bao gồm công lập và ngoài công lập sẵn sàng tổ chức bán trú, căng tin khi học sinh trở lại trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh, học sinh. “Các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường được phòng GD-ĐT quán triệt đến các trường thực hiện nghiêm ngặt, song không làm khó phụ huynh, học sinh. Tinh thần là làm sao “bình thường hóa” một cách cao nhất các hoạt động giáo dục, rèn luyện trong nhà trường”, bà Oanh nói. Từ hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch trong nhà trường suốt thời gian qua khi không xuất hiện trường hợp F0, bà Oanh nhìn nhận, tới đây tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con đến trường sẽ còn cao hơn nữa, là tín hiệu vui để mỗi nhà trường thêm nỗ lực “bình thường hóa” việc dạy và học.
Tương tự, tỷ lệ phụ huynh lớp 6 đồng thuận cho học sinh đi học trực tiếp tại Trường THCS Vân Đồn (Q.4) lên đến 100%. Cô Lê Thị Thùy (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, để đảm bảo an toàn cho học sinh lớp 6 cũng như toàn trường đi học trực tiếp, nhà trường tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch như rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, nguyên tắc 5K, đặc biệt là tăng cường tầm soát sức khỏe học sinh, phụ huynh… Học sinh 4 khối lớp khi đến trường sẽ theo 2 cổng, từng khối lớp di chuyển theo khu vực cầu thang khác nhau, ở mỗi khu vực đều được bố trí nước rửa tay. Trước 21 giờ mỗi ngày, phụ huynh sẽ khai báo y tế qua đường link, qua đó giáo viên chủ nhiệm nắm tình hình sức khỏe của học sinh và có các biện pháp kịp thời trong phòng chống dịch. Nếu học sinh có dấu hiệu sức khỏe liên quan đến Covid-19 thì các em sẽ ở nhà và theo dõi. “Đến nay, mỗi học sinh đều có ý thức trong phòng chống dịch, các em đeo khẩu trang và luôn giữ khoảng cách. Ý thức của học sinh và sự phối hợp của phụ huynh cộng hưởng với các biện pháp phòng chống dịch của nhà trường sẽ là các yếu tố quan trọng để việc dạy và học trong bối cảnh dịch được ổn định”, cô Thùy bày tỏ.
Theo ghi nhận, tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Q.11) ở tất cả các khối lớp lên đến 90%. Riêng lớp 1 và lớp 2, tỷ lệ đạt 95%. Học sinh tham gia bán trú là 715/1.083 học sinh toàn trường. Thầy Văn Nhật Phương (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, so với trước đây là tỷ lệ cực kỳ cao. Với sự đồng thuận cao của phụ huynh, nhà trường đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, tập huấn đội ngũ, diễn tập phương án. Đồng thời chú trọng rèn sớm ý thức phòng chống dịch cho mỗi học sinh khi trở lại trường. “Khi học sinh trở lại trường sau nhiều tháng học trực tuyến, nhà trường sẽ điều chỉnh kế hoạch giáo dục trong 10 ngày đầu để giáo viên củng cố kiến thức cốt lõi đã triển khai trong giai đoạn các em học tập trên môi trường internet. Song song đó, các hoạt động rèn luyện sẽ nhẹ nhàng, thoải mái, hướng dẫn học sinh ý thức, thói quen phòng chống dịch và bắt nhịp với việc trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến”, thầy Phương chia sẻ.
“Bình thường hóa” cao nhất khi học sinh trở lại trường
Từng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, song hiện nay TP.HCM lại là địa phương “bình thường hóa” nhất việc dạy và học. Trong đó, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đi học trực tiếp đạt tỷ lệ gần như 100%… Ông Dương Trí Dũng (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định, việc học sinh tất cả các khối lớp cùng trở lại trường sẽ đặt ra thêm nhiều bài toán khắt khe hơn trong công tác phòng chống dịch cho các nhà trường, nhất là với những khối lớp học sinh chưa được tiêm vắc-xin, làm sao đảm bảo an toàn cao nhất cho các em.
Phụ huynh bậc mầm non, tiểu học và lớp 6 tại TP.HCM đồng thuận cao trong việc cho con trở lại trường
Mặc dù vậy, ông Dũng nhấn mạnh, việc tiêm vắc-xin không phải là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trực tiếp. Hiệu quả an toàn vẫn đến từ chính các biện pháp phòng chống dịch khoa học của mỗi nhà trường phù hợp với đặc thù đơn vị và đối tượng học sinh, song không làm khó phụ huynh, học sinh. “Nhà trường phải căn cứ vào cấp độ dịch của địa phương và thành phố để thiết kế các hoạt động dạy và học phù hợp, chuyển đổi linh hoạt theo cấp độ dịch, đảm bảo tận dụng được thời gian học trực tiếp để rèn luyện học sinh. Không vì quá sợ hãi mà duy trì theo cấp độ dịch cũ, trì hoãn việc thay đổi”, ông Dũng yêu cầu.
Theo ông Dũng, việc chuẩn bị kỹ, thận trọng là tốt nhưng nếu quá trì hoãn thì sẽ không kịp thời, chậm nhịp, không những không hiệu quả mà còn gây khó khăn cho học sinh, phụ huynh, thiệt thòi cho học sinh. “Khi thành phố đang là vùng xanh thì nhà trường phải hướng tới tạo điều kiện cho học sinh được đến trường học trực tiếp nhiều nhất, “bình thường hóa” cao nhất, không đánh mất cơ hội học tập, rèn luyện trong vùng an toàn của học sinh”, ông Dương nói thêm. Chia sẻ về việc “bình thường hóa” hoạt động bán trú, căng tin, ông Dũng nhận định, nếu phụ huynh có nhu cầu cho con học 2 buổi, được tham gia bán trú thì nhà trường phải tận dụng thời gian thành phố đang là vùng xanh để tổ chức, bố trí phù hợp số tiết dạy trực tiếp để các em được học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện. “Hiện nay, chỉ các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường như tham quan du lịch, học tập trải nghiệm tại bảo tàng, sở thú… cho học sinh từ mầm non đến THPT là chưa tổ chức do đây là các hoạt động đặc thù. Còn lại, việc học tập, rèn luyện, sinh hoạt trong nhà trường cần phải cố gắng “bình thường hóa” cao nhất cho học sinh trong bối cảnh thành phố đang là vùng xanh. Hướng tới rèn luyện không chỉ về kiến thức mà còn là phát triển các kỹ năng cho học sinh sau thời gian học trực tuyến kéo dài”, ông Dũng lưu ý.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)