Chỉ trong một thời gian ngắn, khu vực Trung Đông đầy biến động đã chuyển mình nhanh chóng trở thành trục thịnh vượng nắm giữ các kết nối liên khu vực.
Hai tứ giác giúp Mỹ vãn hồi ảnh hưởng
Sau "cơn địa chấn ngoại giao" khi Trung Quốc hòa giải thành công mối quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Iran vào tháng 4.2023, thành công của Nga khi đưa Syria tái hòa nhập với Liên đoàn Ả Rập đang cho thấy sự suy giảm đáng kể ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực, theo trang tin The Wire.
Việc định hình một cấu trúc ảnh hưởng mới vì vậy đã lập tức được phía Mỹ thúc đẩy với các đối tác và đồng minh ở khu vực thông qua chuyến thăm Ả Rập Xê Út của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngay vào đầu tháng 5.
Với thông điệp "thúc đẩy tầm nhìn chung của họ về một khu vực Trung Đông an toàn và thịnh vượng kết nối với Ấn Độ và thế giới", chuyến thăm này đã định hình nên một "tứ giác đường sắt" mới với sự tham gia của bốn bên Mỹ – Ả Rập Xê Út – UAE – Ấn Độ.
Đây cũng là bước đi nhằm củng cố một tứ giác được thành lập từ cuối năm 2021 giữa bốn bên Mỹ – Israel – UAE – Ấn Độ (còn được gọi là nhóm I2U2) tập trung vào phát triển hạ tầng chiến lược liên khu vực, theo trang Axios. Vào tháng 4.2023, các đại diện của nhóm I2U2 cũng đã tập hợp ở Washington để ký kết một bản ghi nhớ (MoU) nhằm thành lập một "liên minh kinh doanh (business coalition)" trong khuôn khổ hợp tác 4 bên.
Hành lang lương thực Trung Đông – Ấn Độ. MEI
Trung Đông – Ấn Độ trở thành trung tâm kết nối mới?
Tuy nhiên, dường như tất cả các nỗ lực của Mỹ đều đang dựa trên xu hướng chuyển mình một cách chủ động từ nội bộ các nước trong khu vực.
Theo Viện nghiên cứu Trung Đông có trụ sở tại Washington, nền tảng phát triển tứ giác I2U2 của Mỹ có được chỉ là sự mở rộng nhu cầu gắn kết của tam giác Ấn Độ – Israel – UAE. Ba nước Ấn Độ – Israel – UAE gần đầy đã thiết lập một "tam giác công nghệ và năng lượng tái tạo" vào tháng 5-2022 nhằm kiện toàn một chuỗi cung ứng liên khu vực trong dự án Hành lang Lương thực Ấn Độ – Trung Đông mà chưa xét đến sự tham gia của Mỹ.
Không chỉ vậy, ngoài các nỗ lực hòa giải gián tiếp từ Nga và Trung Quốc thì Ả Rập Xê Út cũng nổi lên như một tác nhân trực tiếp thúc đẩy xu hướng hàn gắn giữa các phe đối trọng truyền thống trong khu vực. Xu hướng này được thể hiện một cách liên tục, không gián đoạn thông qua sự chủ động bình thường hóa giữa Ả Rập Xê Út với Qatar vào tháng 1.2021, với Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6.2022, với Iran vào tháng 3.2023 và đặc biệt là lộ trình đối thoại với Israel từ tháng 4.2023. Chính nhờ các bước đi quyết đoán này nhằm thúc đẩy đối thoại giữa Ả Rập Xê Út với Israel mà hai tứ giác của Mỹ ở Trung Đông mới cơ hội gắn kết với nhau xoay quanh trọng tâm chung là tam giác Mỹ – UAE – Ấn Độ.
Thêm vào đó, cùng với Ấn Độ, mỗi thành viên Trung Đông trong cả hai tứ giác kể trên đều có quan hệ với các đối thủ cạnh tranh chiến lược với Mỹ trong khu vực. Trong đó, Ấn Độ là thành viên chủ chốt trong các tổ chức có ảnh hưởng của trục Nga – Trung như Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO) và khối BRICS. Ả Rập Xê Út và UAE không chỉ thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) vừa tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh với Trung Quốc lần đầu tiên vào tháng 12.2022, mà còn có gắn kết với Nga thông qua khuôn khổ hợp tác thường niên của Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+).
Tương lai đầy triển vọng cho hành lang Trung Đông – Ấn Độ
Với sự tham gia của hai "tam giác hòa giải" Ả Rập Xê Út – UAE – Ấn Độ và Israel – UAE – Ấn Độ, cả hai "tứ giác đường sắt" và nhóm I2U2 mặc dù đều có sự tham gia sáng lập của Mỹ nhưng lại không phục vụ mục tiêu chống lại bất kỳ đối thủ nào của Mỹ.
Bởi vì ngoài các gắn kết của mỗi thành viên còn lại trong mỗi tứ giác với trục Nga – Trung, thì hầu hết chương trình nghị sự của hai khuôn khổ này đều phục vụ cho việc định hình các cơ sở hạ tầng thương mại kết nối Hành lang lương thực Trung Đông – Ấn Độ.
Sự tập trung vào các mục tiêu an ninh phi truyền thống, thúc đẩy xu hướng hòa giải và gắn kết hạ tầng chiến lược, rõ ràng các "tam giác hòa giải" Ả Rập Xê Út – UAE – Ấn Độ và Israel – UAE – Ấn Độ thực hiện việc điều phối chủ động ảnh hưởng của cả Mỹ, Nga và Trung Quốc một cách hiệu quả. Khu vực Trung Đông – Ấn Độ vì vậy càng có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm gắn kết các tuyến giao thương quan trọng từ Ấn Độ Dương qua Trung Đông đến tận Địa Trung Hải.
Theo Lục Bình/TNO
Bình luận (0)