Sau khoảng 10 năm từ khi vay vốn 10 triệu đồng của Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp để làm ăn, đến nay anh Võ Văn Hướng (36 tuổi) tích lũy được từ 60 – 70 triệu đồng mỗi năm.
Cha mẹ anh Hướng (ở thôn Đệ Đức 3, xã Hoài Tân, H.Hoài Nhơn, Bình Định) làm nông nhưng lại có đến 5 người con, nên cuộc sống gia đình luôn thiếu thốn. Anh phải sớm từ bỏ việc học chữ để theo học nghề cơ khí. Năm 2002, sau khi đã học nghề được 2 năm, anh vào TP.HCM kiếm việc làm. Do mức sống tại thành phố cao, chi phí nhiều nên sau 3 năm mà số tiền dành dụm được rất ít khiến anh luôn trăn trở về tương lai.
Đưa cửa nhôm, sắt về nông thôn
Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh quyết định về quê mở cơ sở gia công cửa sắt, cửa nhôm. “Lúc đó, trong khi các thành phố lớn người ta đã dùng cửa sắt, cửa nhôm rất nhiều thì ở quê lại ít người biết đến. Tôi nghĩ trong khi đồ gỗ ngày càng khan hiếm, giá lại cao, nên cửa sắt, cửa nhôm sẽ là sự lựa chọn cho tầng lớp bình dân. Nếu mình đi giới thiệu sẽ có vài người dùng rồi lan rộng ra nhiều người”, anh Hướng nói.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm thì anh lại thiếu vốn để đầu tư trang thiết bị và mua vật liệu. Năm 2006, khi vay được 10 triệu đồng từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, anh Hướng mua ngay một máy cắt, một máy khoan và vài dụng cụ cơ bản khác, rồi mở một cơ sở gia công cửa sắt, cửa nhôm ngay tại mảnh đất của cha mẹ. Nhưng mọi việc không thuận lợi như từng tính toán, công việc của anh vấp phải hàng loạt khó khăn như: khách hàng ít, dụng cụ thiếu, không có tiền mua nhôm, sắt để làm vật liệu…
Quyết không buông xuôi trước những khó khăn này, anh Hướng đến các công trình xây dựng nhà cửa để tự tìm khách hàng, mở rộng thị trường sang các xã lân cận. Ban ngày làm việc, ban đêm anh lên mạng tìm tòi, học hỏi cách gia công các mẫu hàng mới và đa dạng các sản phẩm gia công để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Để làm ăn lâu dài, anh luôn đặt chữ tín lên hàng đầu và lấy tiền công vừa phải. Nhờ vậy, khách hàng tìm đến anh ngày càng đông.
Mở rộng quy mô
Năm 2012, anh Hướng quyết định vay thêm 40 triệu đồng để tiếp tục sắm máy móc, dụng cụ và vật liệu để mở rộng quy mô sản xuất. Sau khi nhận được những đơn đặt hàng lớn, anh thuê thêm 4 nhân công làm việc lâu dài. Từ đó, công việc ngày càng thuận lợi, cơ sở sản xuất của anh càng được nhiều người biết đến. Từ năm 2014 đến nay, tổng giá trị đơn hàng thi công mỗi năm tại cơ sở của anh đạt hơn 3 tỉ đồng. Ngoài cửa nhôm, cửa sắt, anh còn nhận thi công nhiều mặt hàng dùng vật liệu nhôm, sắt khác. Đến năm 2015, anh trả hết số vốn vay. Hiện cơ sở của anh có 13 lao động thường xuyên, mức lương bình quân 5 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ mọi chi phí, trung bình mỗi năm anh tích lũy được khoảng 60 – 70 triệu đồng.
Không tự mãn với những gì mình đang có, anh Hướng dự định thành lập công ty để có thể ký hợp đồng thi công những đơn hàng lớn. “Tôi nghĩ, hầu hết thanh niên ở nông thôn khi mới bắt tay vào làm kinh tế riêng đều sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, muốn thành công thì nhất định phải cần cù, chịu khó và phải tìm hiểu kỹ về dự định của mình để có những bước đi phù hợp. Bên cạnh đó, phía chính quyền và các cơ quan chức năng nên tạo điều kiện để thanh niên được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn”, anh Hướng chia sẻ.
Hoàng Trọng (TNO)
Bình luận (0)