Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Tự tạo cơ hội: Ươm giống làm giàu

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Võ Minh Tuấn (Phú Yên) đã gây dựng nên vườn cam, rồi thành ông chủ vườn ươm giống cam quý, cung cấp khắp mọi miền đất nước.
Anh Tuấn quê Nghệ An, năm 1990 theo cha mẹ vào lập nghiệp ở TT.Hai Riêng (H.Sông Hinh). Cuộc sống trên vùng đất mới muôn vàn khó khăn. Anh cũng nghĩ cách làm giàu, nhưng vốn ít, đất ít nên không thể khấm khá. Vì vậy, anh quyết định đi làm thuê để học kinh nghiệm rồi trở về nhà để tạo lập trên chính mảnh vườn gia đình.

Vườm ươm giống cam lòng vàng. /// Ảnh: Đức Huy
Vườm ươm giống cam lòng vàng. Ảnh: Đức Huy

Năm 2005, anh cùng vợ gửi con cho ông bà ngoại nuôi, rồi khăn gói ra Tuyên Quang làm thuê ở vườn cam của một người thân trong gia đình. Ở vùng đất này, anh Tuấn nhìn thấy nhiều hộ nghèo nhờ trồng cam đã trở nên khá giả, nhiều nhà mỗi năm thu nhập tiền tỉ. “Nhìn thấy vậy, trong đầu mình lóe lên suy nghĩ: đất ở Sông Hinh tốt, thổ nhưỡng phù hợp với cây cam. Trong khi giá cam ở miền Trung luôn cao hơn ở đây từ 5 – 6 lần”, anh Tuấn kể. Từ suy nghĩ đó, anh vừa làm thuê, vừa học hỏi, tìm tòi nghiên cứu kỹ thuật trồng loại cam ở Tuyên Quang.
Sau hơn 6 năm làm thuê, anh Tuấn cũng tích lũy được kinh nghiệm xử lý bệnh trên cây cam, kỹ thuật ghép… và có chút ít vốn để đầu tư. Năm 2011, vợ chồng anh trở về nhà ở H.Sông Hinh đầu tư trồng thử nghiệm 300 cây cam lòng vàng trên thửa đất 3.000 m2 tại nhà. “Cây cam phát triển khá tốt vì thổ nhưỡng ở đây thích hợp nên chỉ sau 3 năm thì cho thu hoạch. Riêng năm nay, năng suất bình quân 70 kg/cây, với giá bán 25.000 đồng/kg thì tôi lãi hơn 300 triệu đồng”, anh Tuấn cho biết. Mới đây, anh Tuấn quyết định đầu tư trồng mới thêm 2 ha cam và bưởi. Anh kể: “Mấy năm trước, tôi mua giống cây bưởi Diễn (đặc sản của xã Phúc Diễn, H.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) về trồng chừng 30 gốc. Giống này cho vị ngọt thanh, mùi thơm. Trồng thử, thấy cũng thích hợp với vùng đất Sông Hinh nên tôi mạnh dạn đầu tư trên diện rộng”.
Hiện nay, anh Tuấn đã mở rộng diện tích 1.000 m2 để ươm cây cam giống. Cây giống ban đầu ươm từ hạt. Khoảng 6 tháng sau, anh cấy ghép cành. Cành cũng được chọn lựa kỹ lưỡng và cẩn thận, đảm bảo để cây có sức đề kháng cao, chống chọi tốt với sâu bệnh. Mỗi năm từ vườn ươm của mình, anh Tuấn cung ứng ra thị trường khoảng 1 vạn cây giống. “Người ta đến nhà đặt giống nên tôi ươm được bao nhiêu thì họ mua hết. Nguồn giống không kịp cung ứng cho dân”, anh Tuấn nói. Giá 1 cây cam giống là 3.000 đồng. Hiện tại vườm ươm của anh Tuấn có vài vạn cây giống, chuẩn bị giao cho người mua.
Ông Phạm Xuân Lai, Chủ tịch Hội Nông dân H.Sông Hinh, đánh giá: “Từ mô hình trồng cây cam và vườn ươm giống, gia đình anh Tuấn đã thoát nghèo, con cái được học hành đàng hoàng. Cây cam đang trở thành cây xóa đói giảm nghèo của nhiều hộ ở miền núi Sông Hinh. Đây là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả đang được người dân học hỏi và nhân rộng”.

Đức Huy (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)