Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tự tháo cũi sổ lồng!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

> Sinh viên cờ bạc…

Trước hiện tượng một bộ phận sinh viên (SV) sa đà vào các hoạt động cờ bạc, bỏ bê học hành, hủy hoại sự nghiệp và nhân cách khiến dư luận âu lo, tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy cho biết:

 

Một sòng bạc SV tại quán cà phê cạnh ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cơ sở Linh Trung, Thủ Đức – Ảnh: Trần Huỳnh

– Đánh bài ăn tiền hoặc các hình thức cá độ được một số người ưa thích, thậm chí trở nên nghiện là một hiện tượng xã hội – tâm lý bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân:

Đồng tiền hiện nay đang trở thành một thứ quyền lực dữ dội. Một số người mong muốn có được nhiều tiền một cách nhanh chóng mà không cần đầu tư nhiều công sức lao động nên họ đặt hi vọng vào những canh bạc đỏ đen, sự rủi may nhất thời đó.

Về tâm lý, bài bạc hoặc cá độ vốn gắn liền với cay cú, ăn thua, có liên quan đến sự khẳng định giá trị bản thân nên dễ dàng kích thích những cá nhân thiếu bản lĩnh, có khuynh hướng chờ thời hoặc có máu sát phạt nhau.

Sự thất vọng, thất bại trong cuộc sống hoặc đôi khi bị người khác dụ và trở thành con bạc thứ thiệt lúc nào không hay.

Đa số bạn trẻ bị cuốn vào vòng bài bạc thường là người phụ thuộc, ảo tưởng về việc đổi đời và hão huyền về việc trở thành “đại gia” trong chốc lát.

* Vì sao đã bước vào rồi thì khó rút ra khỏi chốn cờ bạc?

– Đánh bạc, cá độ có lúc ăn lúc thua (nhưng thường là thua), càng thua càng thấy mình bị tước đoạt một cách trắng trợn, thấy tiền mình vào túi thiên hạ một cách dễ dàng, từ đó nung nấu chí phục thù với tâm lý thua keo này ta bày keo khác.

Khi bắt đầu bài bạc, nhiều bạn trẻ cứ nghĩ chỉ chơi cho vui hoặc để giết thời gian chút đỉnh nhưng rồi nợ nần, túng quẫn nên thường cuối cùng đành nhắm mắt đưa chân…

* Theo TS, có thể coi các bạn trẻ là nạn nhân của cờ bạc?

– Bài bạc thật sự là cái bẫy lớn đang giương ra để rình rập mọi người chứ không chỉ SV. Ai không tự chủ và ham vui có thể tự mình sập vào chiếc bẫy công khai ấy. Đáng lo hơn, sập bẫy bài bạc có thể dẫn đến sập bẫy rượu chè và bao nhiêu thứ bẫy tệ nạn khác nữa.

* TS nghĩ sao về việc một bộ phận người trẻ muốn khẳng định mình không phải bằng kết quả học tập, lao động?

– Việc khẳng định mình bằng các hình thức tiêu cực như cờ bạc, tiêu xài hoang phí, mua dâm, hút chích… thường xuất phát từ những giá trị ảo của một bộ phận bạn trẻ. Có thể xem đó như những hành động trong thế cùng đường khi người ta không thể chứng tỏ mình trong việc học, việc làm hay các hình thức khẳng định bản thân một cách tích cực khác.

Một bộ phận bạn trẻ đang mất phương hướng, khủng hoảng giá trị và chưa biết cách thích ứng với cuộc sống sôi động, cạnh tranh hôm nay nên tìm kiếm những hình thức bám víu bất thường để thấy mình còn… tồn tại.

Một số khác cho rằng bài bạc là trò chơi lắm mưu trí nên giỏi bài bạc cũng là một ưu thế để chứng minh với thiên hạ rằng mình vẫn là loại dân chơi trí tuệ!

* Nếu lỡ sa chân, giải pháp nào để giúp các bạn trẻ thoát ra?

– Các bạn trẻ cần được tham vấn để tự cảm thấy mình đang đi đâu và biết mình phải làm gì. để rồi sau đó chính “dân chơi” cờ bạc vốn là SV – thành phần ít nhiều có suy nghĩ, chọn lựa tốt để tự “tháo cũi” giải thoát cho mình, mở cửa thoát khỏi cuộc chơi đó.

Gia đình cần tìm hiểu thêm về tâm trạng, tình trạng hiện nay của các bạn, hỗ trợ các bạn giải quyết hậu quả nếu có.

Nhà trường cần kiên quyết và có biện pháp mạnh mẽ nếu phát hiện cờ bạc trong trường, chủ động liên lạc với các bậc cha mẹ để được hợp tác .

* Xin cảm ơn tiến sĩ.

THÁI BÌNH thực hiện 

* Phòng thủ thế nào trước cám dỗ bài bạc?

– Trước hết, bản thân mỗi người cố gắng xác định một hướng đi, một lẽ sống tích cực cho mình. Hãy nhìn vào kinh nghiệm của nhiều người chơi trước đó, sẽ chẳng có mấy người chiến thắng vinh quang vì bài bạc, có chăng là những ông trùm tổ chức. Hôm nay có thể được nhưng ngày mai chắc chắn sẽ mất nhiều hơn. Cố gắng tránh xa nó như tránh xa thứ ma túy có ma lực dữ dội.

Gia đình quan tâm nhiều hơn đến trạng thái tinh thần của các thành viên, đặc biệt là các bạn trẻ: tạo “thương hiệu” gia đình để con em mình cảm thấy tự hào, cảm thấy hạnh phúc vì được sống làm vui lòng cha mẹ, anh em…

Nhà trường tổ chức các hoạt động đa dạng để thu hút các bạn trẻ tham gia, cống hiến tài năng, khẳng định giá trị để họ không cảm thấy cô đơn, hụt hẫng và không có cảm giác bị xem thường. Họ sẽ gắn bó hơn với truyền thống học đường, với những niềm vui lành mạnh trong trường lớp.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)