Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

TỪ “TIẾNG NÓI TRẺ THƠ” NHÌN VỀ SÂN KHẤU DÀNH CHO TRẺ EM: Kỳ 2: Ước mơ một sân khấu cho trẻ em thiệt thòi?

Tạp Chí Giáo Dục

Đạo diễn Hoàng Duẫn (bìa phải) cùng các nghệ sĩ Việt Nam vàcủa Hiệp hội sân khấu Quốc Tế (ITI) trong dự án “Tiếng nói trẻ thơ”

Khi mới bắt đầu thực hiện dự án“Tiếng nói trẻ thơ”, có ai đó đã không mặn mà với dự án bằng cách cho rằng nhận tiền của nước ngoài thì phải làm theo ý họ, làm thuê, có gì là của mình. Xin nói lại với trên 700 suất diễn, ba đơn vị của dự án tại Việt Nam đã phục vụ miễn phí trên nửa triệu trẻ em Việt Nam khắp mọi miền của đất nước (chưa kể khán giả người lớn).
Sân khấu cho trẻ em thiệt thòi: cần lắm thay!
“Tiếng nói trẻ thơ” đã mang đến niềm vui cho những đứa trẻ tận miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ: có nơi mà mỗi lần muốn đến diễn chúng tôi phải đi hai lần bằng thuyền, ghe mới đến được. Đó là những đứa trẻ ở miệt sông nước, những đứa trẻ trong các mái ấm nhà mở, trong các chùa, những đứa trẻ trong các bệnh viện mà chúng tôi biết hôm nay diễn cho các em xem nhưng có thể ngày mai em không còn nữa, những đứa trẻ lần đầu tiên được nhìn thấy nghệ sĩ biểu diễn trước mặt mình mà cứ ngỡ như đang mơ. Sân khấu có khi là sân trường, hội trường, có khi là sân chùa, sân đình, khu chăn bò, nơi thả ngựa và có khi là… phòng của bệnh viện. Có lẽ cũng nên thay đổi quan niệm “Nhà hát là có nhà rồi mới thành lập chuyện hát”. Tại Thụy Điển có 9 triệu dân, gần 200 nhà hát, trong đó có đến 140 nhà hát từ trung ương đến địa phương và các nhóm sân khấu chuyên biểu diễn cho thiếu nhi, và đặc biệt có nhà hát Lưu động Quốc Gia (có nhiệm vụ đi khắp nơi biểu diễn, lịch diễn có trước cả năm trời…). Và cứ như thế hàng năm họ đem những tác phẩm của mình đến với các em thiếu nhi khắp nơi. Trong khi đó TP.HCM của chúng ta có trên 3 triệu trẻ em thế nhưng chưa có lấy một nhà hát chuyên nghiệp đúng nghĩa dành cho trẻ em, đó là chưa kể đến trẻ em ở những nơi xa xôi khác như đã kể trên???
Khi đặt vấn đề với các em thiếu nhi thiệt thòi: “Nếu sắp tới các cô chú dàn dựng tiếp thì các cháu muốn viết về đề tài gì?”. Có em thì muốn làm những vở nói về trẻ em nghèo, về các thầy cô em trong mái ấm nhà mở. Một cô bé trong chùa Diệu Giác “đặt hàng” làm một vở trong đó có cha mẹ và ông nội, bà nội như bao bạn khác, hóa ra em là đứa bé bị người ta bỏ rơi trước cổng chùa khi chưa biết mặt cha mẹ mình. Có những em đề nghị làm những vở có nhiều bánh mì và nhiều tiền vì các em… thích thế. Có em thích tiếp tục dàn dựng những vở về trẻ em đánh giày mà “anh hùng” như “Chuyện hai đứa trẻ” vì bản thân các em là… đồng nghiệp với nhân vật chính.
“Tiếng nói trẻ thơ” đã mang tầm quốc tế
Có mặt trong buổi tọa đàm tại nhà hát Kịch Thành Phố, ông Sengupta Rudraprasad đạo diễn – Giám đốc nhà hát Nandikan (Ấn Độ) sau khi xem xong các trích đoạn kịch nói và đặc biệt là vở kịch rối đen “Vì sao thuồng luồng hóa rồng”, đã phát biểu: “Tôi khâm phục khả năng làm sân khấu cho trẻ em của các bạn, những vở diễn với những vấn đề mà các bạn đưa ra rất gần với cuộc sống. Đây là những vở diễn mang đẳng cấp quốc tế tại sao không giới thiệu ra nước ngoài”. Ông cũng đã chính thức xin các kịch bản này để về dàn dựng cho nhà hát của ông.
Về thành công của dự án “Tiếng nói trẻ thơ” tại Việt Nam bà Emma Thompson – đại diện của Hiệp hội sân khấu Quốc Tế (ITI) đã nói: “Nhìn thấy những giọt nước mắt, những nụ cười và sự cộng hưởng nhiệt tình từ các em thiếu nhi trong suốt các vở diễn cho thấy dự án đã thành công ngoài dự kiến, tôi xin chúc mừng và cám ơn các nhà hát. So với các quốc gia khác: Trung Quốc, Lào, Ấn Độ, Băng – La – Đét thì Việt Nam là một trong những quốc gia mà dự án đã thành công ngoài mong đợi…”. Và bà cũng thấy tiếc nuối khi dự án đến đây phải kết thúc. Nhưng bà cũng hứa sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ và tìm cách giới thiệu các nhà hát của dự án với các đối tác khác nhằm tìm kiếm nguồn tài trợ mới. Ba năm thực hiện dự án đã khép lại, một năm mới lại đến. Những người thực hiện dự án vẫn tin vào việc tìm nguồn tài trợ mới để duy trì và phát triển dự án như mong muốn của ITI, của tất cả những người tham gia dự án và trên hết là vì “Tiếng nói trẻ thơ” của các em thiếu nhi thiệt thòi.
Đạo diễn HOÀNG DUẪN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)