Trước đây, tôi có biết một thầy giáo tư vấn cho một học sinh chọn ngành. Sau đó, em thi đậu vào ngành mà thầy đã nhiệt tình tư vấn. Bốn năm sau ra trường, không xin được việc làm, em đã quay sang trách móc thầy, nói là lỗi “tại thầy” sao lại tư vấn cho mình ngành đó, để rồi học xong vẫn ở nhà…
Chúng ta đều biết, học sinh nói chung, nhất là ở vùng nông thôn, thường thiếu sự tư vấn nghề nghiệp tương lai. Việc chọn ngành nghề không phải chỉ diễn ra vài ba tháng trước ngày thi mà là cả một quá trình tìm hiểu, nghiền ngẫm lâu dài. Vì đây là một việc làm hệ trọng, có tính chất quyết định nên không thể nhất thời, qua loa được… Việc tư vấn của giáo viên cho học sinh trong quá trình tìm hiểu, chọn nghề nghiệp là công việc bắt buộc phải thực hiện trong nhà trường. Nhưng cũng tránh việc tư vấn quá kỹ, thổi phồng “tương lai” nghề nghiệp sau này, vì học sinh nghe theo lời thầy là “chắc ăn” nhất! Hãy để học sinh tự lắng nghe bản thân, thấy được cái mạnh lẫn cái yếu của mình để có sự chọn lựa ngành nghề phù hợp. Thời buổi kinh tế thị trường, tuy có nhiều phức tạp nhưng đây chính là môi trường rèn luyện, thử thách sự năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ của các em. Khi sinh viên học xong mà chưa có việc làm, theo tôi, một mặt lỗi về xã hội, một mặt lỗi về các em! Tự hỏi mình đã rèn luyện tính năng động, sáng tạo; bản thân mình đã nắm được thời cơ hay chỉ biết ngồi chờ “sung rụng”? Theo tôi biết, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường tự đi liên hệ tìm việc làm, nói chung “tự bơi” là chính. Nhưng cũng có không ít em cứ thụ động ngồi chờ, khi nào ở đâu có tuyển dụng thì lúc đó vội vàng nộp đơn. Phải chủ động, nắm bắt thời cơ, thể hiện mình thật tự tin, nghĩa là mình phải tìm hiểu kỹ nơi tuyển dụng để có nền kiến thức cơ bản khi trình bày ý kiến… Không thể trách thầy đã “tư vấn sai” cho mình được mà các em phải tự trách mình trước. Vì sao trong quá trình học, mình không nhận ra cái “sai” mà cứ để kéo dài hết mấy năm theo học? Hơn nữa, mình tự quyết định chọn ngành nghề chứ thầy cô nào “bắt buộc” các em phải chọn vậy đâu!
Sao lại trách thầy khi mình thất bại? Sao lại trách thầy khi mình chưa thành công? Các em hãy dũng cảm tự trách mình, tự nhìn lại mình để có điều kiện “làm lại cuộc đời” cũng như làm gương cho đàn em khi bước vào đời…
Hoàng Sa Việt
Bình luận (0)