Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tự tin nhưng đừng ảo tưởng

Tạp Chí Giáo Dục

Báo cáo mới đây về khảo sát “Sinh viên với nghề nghiệp” do Công ty tư vấn nguồn nhân lực Nhân Việt công bố, phần lớn sinh viên (SV) tỏ ra tự tin vào khả năng và tương lai của mình. Nhưng theo một số chuyên gia, sự tự tin này có phần… ảo tưởng.

SV tìm việc – tự tin là cần thiết nhưng đừng ảo tưởng về năng lực của mình Ảnh: H.Văn
Khảo sát tiến hành với 450 SV thuộc 20 trường đại học tại TP.HCM đã cung cấp nhiều thông tin về SV tự đánh giá năng lực của mình trước cơ hội nghề nghiệp.
Tự tin hay ngộ nhận?
Có 43,9% người tham gia khảo sát muốn được làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia, hơn 30% chọn các doanh nghiệp nước ngoài. Con số này hoàn toàn áp đảo so với chỉ có 3,1% chọn các doanh nghiệp nhà nước. Lý do: ở các tập đoàn đa quốc gia, họ có thể học hỏi nhiều cái mới, phát huy tính sáng tạo, cơ hội thăng tiến nhanh.
Công việc ở các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài đòi hỏi cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, khả năng ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp và hàng loạt kỹ năng mềm. Việc phần lớn SV lựa chọn môi trường làm việc này cho thấy họ có thừa sự tự tin. Và sự tự tin này là có cơ sở. Các chỉ số về năng lực được SV tự đánh giá đều cho kết quả rất khả quan: 48,2% tự đánh giá trình độ ngoại ngữ loại giỏi, từ 48,5% đến trên 60% giỏi về khả năng tin học, từ 61% đến trên 85% cho rằng đã nắm bắt được các loại kỹ năng mềm…
Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng có thể do ta hiện chưa có chuẩn đánh giá cụ thể, như thế nào là giỏi, là khá nên mới dẫn tới sự ngộ nhận trên của SV. Cũng có thể SV chưa hiểu rõ khái niệm kỹ năng mềm bao gồm những gì nên… nhầm tưởng mình đã được trang bị đầy đủ.
Điều này sẽ dẫn tới tình trạng một số SV vì quá tự tin nên không biết mình còn yếu, thiếu cái gì để bổ sung; khi ra trường đòi hỏi mức lương cao hơn so với năng lực, dễ vấp váp trong quá trình tiếp cận với thực tế công việc sau này.

Theo đánh giá của các chuyên gia về nhân sự cũng như người sử dụng lao động, mọi chuyện không hẳn đã lạc quan như những gì các SV tự đánh giá về mình. Theo họ, chính ngoại ngữ, tin học và đặc biệt là các kỹ năng mềm (kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, giao tiếp…) là những vấn đề còn khiếm khuyết ở đa số SV. Để sử dụng được nguồn lực này, doanh nghiệp thường phải đào tạo lại các kỹ năng cơ bản cho họ.

Lựa chọn theo cảm tính
Có tới 80,5% SV tham gia khảo sát cho biết từng làm việc bán thời gian khi đi học. Nhưng người làm công việc không phù hợp với chuyên ngành được đào tạo lại lên tới 59%. Như vậy có thể thấy việc đi làm thêm đối với số đông vẫn chưa được coi là một giải pháp để tích lũy kinh nghiệm.
Đáng mừng là có gần 99% SV bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục học tập, đào tạo sau khi ra trường, trong đó nhu cầu đào tạo cao nhất thuộc về: chuyên ngành (hơn 56%), kỹ năng mềm (hơn 55%), đào tạo ngoại ngữ và sau đại học (trên 54%). Ý thức tự học của SV được nâng cao đáng kể khi có tới 94% cho biết sẽ theo học các khóa đào tạo trực tuyến hoặc tự học qua mạng Internet.
Tâm lý chung của SV hiện nay là chọn nơi làm việc chủ yếu phụ thuộc vào danh tiếng của doanh nghiệp (chiếm 70,1%). Số người lựa chọn yếu tố này còn cao hơn cả các yếu tố thiết thân khác như cơ chế và chính sách (68,1%), tính ổn định của công việc (63,6%), lương bổng (46%) cũng như cơ hội thăng tiến (34,2%)… Các chuyên gia cảnh báo cần phải cảnh giác với tâm lý này bởi danh tiếng chưa chắc đồng hành với thực chất. Lựa chọn môi trường làm việc dựa theo cảm tính như vậy có thể khiến nhiều người cảm thấy hụt hẫng, thất vọng khi tiếp cận với thực tiễn nếu như nó không giống với những gì mình tưởng tượng trước đó.
Điểm đáng lưu ý khác là đã xuất hiện sự thiếu cân bằng trong lựa chọn ngành nghề. Có ba nhóm ngành nghề được lựa chọn nhiều nhất là kinh doanh – dịch vụ, tài chính – tín dụng, quảng cáo – tiếp thị – đối ngoại (chiếm gần 80%), trong khi đó các nhóm ngành nghề khác như tư vấn, kế toán, công nghệ thông tin chỉ chiếm tỉ lệ 9,3%. Điều này cho thấy việc lựa chọn ngành nghề của SV còn khá cảm tính, chưa bắt nhịp với nhu cầu của thị trường lao động và dẫn tới hệ quả là sự lệch pha trong cung – cầu lao động sẽ tiếp diễn với mức độ trầm trọng hơn.
 VIỆT HƯNG – HỒ VĂN (TTO)

 

Bình luận (0)