Ngoài ra, niềm đam mê với công việc, khả năng cạnh tranh… là những tố chất mà ứng viên cần thể hiện khi tham gia tuyển dụng.
Kinh tế khó khăn khiến doanh nghiệp (DN) cắt giảm nhiều khoản, trong đó có việc thắt chặt khâu tuyển dụng nhân sự. Làm thế nào để ứng viên có thể lọt mắt xanh nhà tuyển dụng trong tình hình “thóc cao gạo kém” hiện nay?
Thuyết phục nhà tuyển dụng bằng… niềm tin
Đó là bí quyết của Dương Phương Loan, sinh viên vừa tốt nghiệp ngành kế toán-kiểm toán. Loan chia sẻ sẽ rất khó tìm được một công việc phù hợp, nếu trong tay chỉ có tấm bằng đại học và chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Bởi qua những lần đi xin việc, cô nhận thấy các công ty luôn đòi hỏi ứng viên phải làm được việc ngay, thay vì phải đào tạo thêm. “Vì vậy, nếu tranh thủ đi làm từ khi còn sinh viên, bạn sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận công việc và mối quan hệ để sau khi nhận bằng có thể có ngay việc làm. Vấn đề quan trọng là thuyết phục nhà tuyển dụng bằng niềm tin đã thiết lập từ trước đó, chứ không nhất thiết phải là tấm bằng ở trường có tên tuổi mới có việc làm” – Loan nói.
Sau mấy tháng bươn chải đi tìm việc, cuối cùng chị Nguyễn Thị Hiền cũng tìm được một công việc khá ưng ý, hồi cuối tháng 3. Công việc của chị đang làm là thư ký cho một trường học. Chị kể: “Ra trường em muốn có một công việc để làm ngay nhưng đến đâu họ cũng đòi bằng cấp, kinh nghiệm và mức lương rất thấp để từ chối nhận người”. May thay khi ứng tuyển vào một trường học, tại buổi phỏng vấn chị đã bộc lộ hết sự tự tin, khả năng ăn nói lưu loát, tâm tư nghề nghiệp rõ ràng nên vị hiệu trưởng ở đây gật đầu nhận việc.
Phát huy sở trường, tăng khả năng cạnh tranh để tranh thủ lợi thế trong bối cảnh nhu cầu tuyển dụng đang ngày càng thắt chặt. Ảnh: P.ĐIỀN
Theo chị, một ứng viên mới ra trường không chỉ thuyết phục nhà tuyển dụng khả năng chuyên môn trong công việc, mà còn là cách ứng xử, sự thân thiện với người tuyển dụng. Ngoài ra, nếu chỉ trình bày thao thao bất tuyệt về chuyên môn, dự tính em sẽ làm thế này, thế này… một lèo sẽ khiến nhà tuyển dụng mệt mỏi, có cảm giác như mình đang hứa, chứ không phải mình đang đóng góp cho họ. “Một yếu tố không kém phần quan trọng là phải cho nhà tuyển dụng biết những năng khiếu mà mình có như ca hát, hội họa, tham gia đoàn, hội…” – chị chia sẻ.
Tăng khả năng cạnh tranh
Trong bối cảnh cạnh tranh việc làm, đội ngũ cán bộ, nhân viên phải làm gì để tồn tại và phát huy sở trường?Theo một chuyên gia nhân sự, đó làtăng khả năng cạnh tranh!
Để làm được điều này, đầu tiên các ứng viên phải có tinh thần học hỏi và áp dụng những gì mình mới học vào công việc. Tiếp theo, nên chủ động đề xuất mở rộng phạm vi công việc của mình.
Trong khi đó, công tác tuyển dụng tại Công ty CPS Việt Nam lại không quá “săm soi” về các bằng cấp, chứng chỉ hay trường danh tiếng đối với ứng viên khi đến nộp hồ sơ phỏng vấn. Ông Hồ Đức Sinh, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty này, cho hay: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, công ty buộc phải thắt chặt tuyển dụng nhân sự theo hướng tinh gọn và điều hành linh hoạt. Do vậy, công ty yêu cầu ứng viên không chỉ giỏi chuyên môn mà phải có các kỹ năng làm việc đồng đều.
Ông Sinh kể, trong một buổi phỏng vấn tuyển nhân sự cho một dự án mở rộng gần đây của công ty, ông và cộng sự để ý đến hồ sơ của một ứng viên nặng ký, gồm ba tấm bằng cử nhân (Anh văn, ngữ văn và quản trị kinh doanh) và một tấm bằng thạc sĩ (ngữ văn) cùng một số chứng chỉ tin học, vi tính. Sau vòng phỏng vấn về nghiệp vụ, đến phần lương theo đề nghị, ứng viên này không chút đắn đo nói thẳng “mức lương 3,5 triệu đồng/tháng”. Hội đồng tuyển dụng hội ý nhanh chóng và đưa ra quyết định không nhận ứng viên này, chỉ vì ứng viên rất tù mù về chính sách lương và giá trị lao động.
Theo ông Sinh, bằng cấp chỉ là điều kiện cần, còn DN đòi hỏi ứng viên ba điều cốt yếu: thái độ ứng xử, ý thức chấp hành nội quy lao động và cuối cùng là chuyên môn.
Khi bạn ứng tuyển vào vị trí nào, bạn hãy trả lời ba câu hỏi sau:Tôi có thích công việc này không? Tôi có thể làm tốt công việc này không? Tôi có tạo nên giá trị với công việc này không? Khi bạn trả lời “có” cho ba câu hỏi này, hãy tự tin ứng tuyển.
Bà HÀ HUỆ CHI,nguyên Giám đốc Marketing Vietnamworks
Ứng viên đứng trước nhà tuyển dụng phải trả lời ba câu hỏi: Tôi sẽ giúp công ty tiết kiệm chi phí; tôi sẽ giúp công ty nâng cao khả năng cạnh tranh và tôi sẽ sáng tạo xây dựng thương hiệu. Tất cả những ý này đều gom về một nội dung để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng nếu tuyển tôi vào công ty sẽ sinh lợi.
Trong các cuộc tuyển dụng nhân sự, nếu chất lượng ứng viên sàn sàn ngang nhau, tôi thường ưu tiên ứng viên đã từng tham gia các hoạt động đoàn, hội và các tổ chức xã hội bên ngoài. Vì những ứng viên này có khả năng ứng xử, chia sẻ nhiều hơn với mọi người xung quanh.
Ông NGUYỄN TUẤN QUỲNH, Phó Tổng Giám đốc Đầu tư và Phát triển nguồn nhân lực tại PNJ
Khi tuyển bộ phận nhân sự, ứng viên thường bị xoáy vào các câu hỏi như: Anh chị cảm nhận thế nào về nghề nhân sự? Anh chị mất thời gian bao lâu để nghỉ ở chỗ làm cũ… Qua những câu hỏi này, nhà tuyển dụng sẽ cho ứng viên bộc lộ hết cách ứng xử, nhìn nhận về công việc, thậm chí để họ bày tỏ về mối liên hệ giữa gia đình đến công việc họ sẽ làm để đi đến quyết định nhận hay không. Điều tối kỵ nhất đối với ứng viên khi đi phỏng vấn là nói xấu về sếp cũ, công ty cũ. Riêng vị trí kế toán, điều kiêng kỵ nhất là khi bị gài bẫy câu hỏi kể về doanh thu của công ty cũ, cứ ngồi nói ngọn ngành cho nhà tuyển dụng. Bất kỳ công ty nào cũng sẽ loại ứng viên ngay lập tức.
Ông HỒ ĐỨC SINH, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty CPS Việt Nam
|
PHONG ĐIỀN
Theo Pháp Luật
Bình luận (0)