Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tự tin, tự chủ khi chọn ngành

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi năm, vào kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ đều có rất nhiều ý kiến bàn luận: nên chọn ngành này, không nên chọn ngành kia; không nên học ĐH, rồi cũng thất nghiệp… Về phía người học, trước hết cần nhận thức đúng vấn đề là quyền quyết định chọn ngành để học là của bản thân mình. Hơn ai hết, người học hiểu rõ mình có mặt mạnh nào, mặt yếu nào, sở thích học ngành nào thì mới có sự tự tin, tự chủ. Đây là khâu rất quan trọng vì một khi đã chọn thì không thể rút lại. Vì vậy, phải hết sức cân nhắc kỹ, tham khảo ý kiến người thân, thầy cô, bạn bè… để có sự lựa chọn sáng suốt. Tránh tình trạng “đứng núi này trông núi nọ”, không có chính kiến, thiếu tự tin thì việc lựa chọn sẽ không chính xác. Mười hai năm học, tuổi tròn 18 chắc các em có đủ minh mẫn, đủ cảm nhận về bản thân khi chọn ngành vì ngành học đó sẽ gắn bó, theo mình suốt đời.

Về phía dư luận xã hội, cho rằng không nên học ĐH mà nên học nghề cũng có cái lý của nó. Đối với những học sinh không đủ năng lực vào ĐH thì việc chọn học nghề là lựa chọn đúng. Vì sự đam mê, vì bản thân thấy phù hợp nên coi học nghề là con đường ngắn nhất để vào đời là có việc làm. Rồi nghề dạy nghề, tự học, tự nâng cao tay nghề để có những bước đi cao hơn. Về việc cho rằng nên học ĐH cũng có cơ sở lý luận. Vì bậc ĐH có một khối lượng kiến thức lớn, đủ cho người học có vốn kiến thức để khởi nghiệp sau này. Dù khi học xong ĐH, chưa tìm được việc làm đúng chuyên môn thì có thể học thêm nghề, xuất khẩu lao động. Cái bằng ĐH, vốn liếng kiến thức ĐH vẫn còn đó; chúng ta sẽ vận dụng vào công việc trước mắt cũng như sau này, chắc chắn hiệu quả hơn.

Tiếp xúc với những học sinh học xong ĐH, tôi thấy cách nói chuyện, cách ứng xử của các em hơn hẳn những học sinh học bậc dưới. Do ở trường ĐH, ngoài việc học văn hóa, còn có các phong trào tình nguyện đã bồi đắp vốn sống, vốn hiểu biết về xã hội cho các em. Tuy nhiên, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, có thể những em học nghề, nếu tự giác học, chịu rèn luyện qua các phong trào thì bản thân cũng trưởng thành; cũng có vốn sống, kỹ năng sống tốt… Về phía phụ huynh, điều tối kỵ là áp đặt, can thiệp vào sự lựa chọn ngành học của con. Có trường hợp con mình thích học ngôn ngữ Anh thì cha mẹ định hướng, bắt con học y dược – một ngành mà con không có khả năng! Vai trò của cha mẹ là góp ý, tâm tình với con, hiểu con và tôn trọng sự lựa chọn ngành nghề của con.

Học ĐH hay học nghề, đích cuối cùng vẫn là có việc làm, phù hợp với trình độ, khả năng của mình. Đó là niềm hạnh phúc nhất của học sinh khi chọn đúng ngành nghề mình yêu thích, đúng với khả năng.

Lam Hng

Bình luận (0)