Có thể nói, hiện nay, việc đưa những tác phẩm văn học lên sân khấu kịch đã trở nên quen thuộc với khán giả. Vốn đã được yêu mến khi còn là những trang văn thơ nên khi được dàn dựng trên sân khấu với nhân vật cụ thể, nội dung sinh động, các vở đều được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
“Ông già và biển cả” – Vở kịch XR đầu tiên tại Việt Nam
Mới đây, “Ông già và biển cả” – vở kịch XR (nghệ thuật kết hợp công nghệ biểu diễn thực tế ảo) đầu tiên tại Việt Nam đã ra mắt khán giả rất thành công tại The Global City, TP.HCM.
“Ông già và biển cả” là tiểu thuyết ngắn của nhà văn Mỹ E. Hemingway (1899-1961) và được xuất bản năm 1952. Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Hemingway và ngay sau khi xuất bản, đã bán được hàng triệu bản, tạo nên một kỳ tích xuất bản chưa từng có trong lịch sử. Hemingway đã nhận giải Nobel Văn học vào năm 1954 với tác phẩm này. Trong tác phẩm này, con người bị đánh bại bởi cái chết, tượng trưng là con cá mập, nhưng họ đã dũng cảm đối mặt với cái chết bằng lòng dũng cảm và dám đương đầu vượt qua nỗi sợ của bản thân. Đây là tác phẩm chứa đựng triết lý hiện sinh của riêng Hemingway, sự tôn trọng và phẩm giá của con người. Phong cách viết ngắn gọn và mạnh mẽ của ông đạt đến đỉnh cao trong tác phẩm. Nó được dựng thành phim vào năm 1958 và nhiều lần được thể hiện trên sân khấu kịch lẫn nhạc kịch thế giới.
Khi được dàn dựng lại với phiên bản XR, vở kịch đã đem đến nhiều trải nghiệm mới lạ cho khán giả lẫn giới chuyên môn khi thưởng thức.
Hàn Quốc là nơi đầu tiên công diễn vở kịch này do Ha Hyung-joo đạo diễn từ tháng 10-2023 đến nay với hơn 130 suất diễn. Điều thú vị là khi đến Việt Nam, ê kíp thực hiện đã quyết định kết hợp với các nghệ sĩ Việt Nam để tạo nên một phiên bản mới mẻ hơn cho vở kịch. Trong phiên bản này, NSƯT Công Ninh sẽ đảm nhận vai trò đạo diễn, 2 vai diễn trong “Ông già và biển cả” sẽ do diễn viên Huỳnh Kiến An và Anh Khoa thể hiện.
Nghệ sĩ Việt Hương cho biết chị rất bất ngờ và thú vị khi được chứng kiến sân khấu kịch nói được mở rộng với các yếu tố công nghệ như thế này, xem xong nữ nghệ sĩ cảm thấy rất xúc động vì đã có một trải nghiệm rất đặc biệt cho vở diễn kinh điển này”.
Diễn viên Huỳnh Kiến An cho biết: “Tôi rất xúc động và cảm ơn khi ê kíp đã lựa chọn tôi thể hiện vai diễn này. Với tôi, đó là một vinh dự mà tôi không bao giờ nghĩ là mình lại có được cơ hội nắm lấy. Vì đây là một vở diễn mà bất cứ nghệ sĩ nào cũng mong muốn mình sẽ được một lần thể hiện”.
Đạo diễn Công Ninh cho biết: “Tôi chỉ là đạo diễn phục dựng từ vở gốc và tôi thêm vào vở suy nghĩ của mình khi thực hiện ở Việt Nam. Ê kíp Hàn Quốc đã chuẩn bị mọi thứ từ trang trí, âm nhạc, trang phục… Trong không gian nho nhỏ mang tính chất thể nghiệm này, khán giả xem kịch với màn hình led thực tế ảo, những chuyển động sàn diễn khi kết hợp kỹ thuật cơ khí tạo ra ảo giác nhất định. Đem khán giả vào thế giới ảo để họ tiếp cận trọn vẹn hơn. Đồng thời cũng tạo cho diễn viên cảm giác thật hơn”.
Kịch văn học nở rộ
Sau thành công của các vở chuyển thể từ văn học hiện thực phê phán của các nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố như: Số đỏ, Làng nhảy, Chí Phèo – Thị Nở, Chị Dậu, Kỹ nghệ lấy Tây, Bỉ vỏ… thì thời gian qua, Sân khấu kịch Hồng Vân cũng được khán giả rất yêu mến với những kịch bản được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh như Con nhà nghèo, Nắng sớm mưa chiều, Đứt dây tơ chùng… NSND Hồng Vân cho biết: “Đến hôm nay, các vở này vẫn mang đầy tính thời sự, con người luôn khát khao vươn đến chân thiện mỹ, khát khao sống trong sạch, lượng thiện, mang tính giáo dục rất cao…”.
Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B cũng từng thành công với các tác phẩm văn học Lôi vũ, Người điên trong ngôi nhà cổ, Romeo và Juliet không trẻ mãi… Nội dung của các vở có nhiều tình huống bi kịch nhưng cũng không kém những bi hài, lại được các diễn viên tài năng thủ diễn nên rất ăn khách là điều không có gì phải bàn cãi.
NSND – đạo diễn Hồng Vân cho biết: “Khi nhận một kịch bản được chuyển thể từ văn học, điều tôi đòi hỏi là nó phải giữ được nội dung cốt lõi của câu truyện, không làm mất đi tính văn học. Tôi hiểu, việc đưa tác phẩm văn học lên sân khấu là một việc làm không đơn giản một chút nào bởi lẽ giữa ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ kịch, cải lương cũng như những bối cảnh hoàn toàn khác nhau. Khi mà ngày càng khan hiếm những kịch bản sân khấu hay thì việc chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch hay cải lương theo tôi là một giải pháp hay”. |
Vở “Dưới bóng giai nhân” được cảm tác từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du hiện được biên kịch và đạo diễn Quang Thảo đưa lên Sân khấu IDECAF hứa hẹn sẽ là cú hích cho sân khấu kịch vào dịp cuối năm.
Theo đạo diễn Quang Thảo thì, Truyện Kiều là một tác phẩm tuyệt vời, có quá nhiều chất liệu để khai thác, về văn học cũng như về cuộc sống và con người. Cái khó ở đây là Truyện Kiều đã quá quen thuộc với người Việt, ngay từ khi còn trên ghế nhà trường và cũng không xa lạ gì với những vị trưởng bối trong các ngành học thuật. Vì thế, anh đã chọn con đường riêng cho kịch bản của mình, đó là cảm tác từ chính Truyện Kiều để có những sáng tạo mới. Kịch bản được phổ thêm những diễn biến mới mẻ, lồng ghép vào đó những yếu tố nhân văn thời đại. Bằng phong cách dàn dựng hiện đại, “Dưới bóng giai nhân” sẽ là một cách kể khác về Kiều và những cái tên tưởng chừng như đã rất quen thuộc. Thêm vào đó một số nhân vật và sự kiện hư cấu không có trong nguyên tác.
Song song đó, chầu văn và ngâm Kiều là các chất liệu nghệ thuật đậm chất Việt được sử dụng, làm dày thêm hồn dân tộc cho vở diễn. Con số ấn tượng 14 màn trong vở kịch cũng khiến giới chuyên môn và khán giả thêm mong đợi ngày tận mắt thưởng thức, để thấy các thủ pháp nghệ thuật chuyển màn nào sẽ được đạo diễn Quang Thảo áp dụng.
Anh Khôi
Bình luận (0)