Từ trường của Trái đất có thể đảo cực, gây ra hàng loạt rắc rối cho thế giới nhưng điều này có thể diễn ra nhanh hơn con người suy nghĩ nhiều lần.
Trái đất đã không có sự sống nếu như chúng ta không có một "tấm khiên" vô hình là từ trường. Thật vậy, Bão Mặt trời có sức phá hủy rất ghê gớm, nó chính là thủ phạm đã "giết chết" sự sống trên sao Hỏa hàng tỉ năm trước kia.
Sở dĩ Trái đất không chung cảnh ngộ với hành tinh Đỏ là nhờ phần lõi cực nóng, cho phép tích lũy một lớp từ trường rất mạnh để kháng lại gió Mặt trời. Lớp từ trường này trải rộng ra tận ngoài vũ trụ, và nó ảnh hưởng đến mọi thứ trên Trái đất.
Từ trường là "tấm khiên" bảo vệ Trái đất khỏi các bức xạ từ Mặt trời
Tuy nhiên, khi lớp từ trường này đảo cực, sức mạnh của "tấm khiên" chắn Bão Mặt trời này có thể suy giảm tới 90% và đặt thế giới vào một môi trường sống cực kỳ tiêu cực.
Trong lịch sử, 2 cực Bắc và Nam của Trái đất thực chất đã từng đảo ngược rất nhiều lần, với chu kỳ khoảng 200.000 – 300.000 năm/lần.
May mắn là điều này sẽ không ngay lập tức diễn ra mà phải mất hàng ngàn năm. Nhưng theo một nghiên cứu mới được công bố hôm 20/8 trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ thì sự thay đổi từ trường Trái đất có thể diễn ra tạm thời hoặc một phần trong thời gian nhanh hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.
Cụ thể, nghiên cứu mới này được một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phân tích 16.000 năm lịch sử địa từ được mã hóa thành các nguyên tử của một măng đá cổ ở Trung Quốc.
Phân tích măng đá này các nhà khoa học biết rằng vào 98.000 năm trước từ trường của Trái đất đã đột nhiên lật ngược, chỉ trong 100 năm – tức nhanh hơn 30 lần so với ước tính trước đây.
"Bản ghi này cung cấp những hiểu biết quan trọng về hành vi từ trường cổ xưa, đã biến đổi nhanh hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây", đồng tác giả nghiên cứu Andrew Roberts, một giáo sư khoa học Trái đất tại Đại học Quốc gia Úc cho biết.
Dù chuyện Trái đất đảo cực có thể rất nguy hiểm, thế nhưng trên thực tế chuyện này đã diễn ra nhiều lần và sự sống trên hành tinh của chúng ta vẫn tồn tại.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)