Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tư vấn bác sĩ

Tạp Chí Giáo Dục

+ Hỏi: Con gái tôi năm nay hơn 3 tuổi, tuần trước đưa cháu đi khám, các BS cho biết cháu bị suyễn. Tôi được biết bệnh có liên quan đến di truyền nhưng vợ chồng tôi và con trai đầu đều khỏe mạnh bình thường. Vậy xin BS cho biết, bệnh suyễn lây qua đường nào, điều trị ra sao?

Trn Th Nguyt (32 tui, ng Q.Th Đc, TP.HCM)

+ Trả lời: BS Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1 – cho biết, bệnh suyễn (còn gọi là hen phế quản) là bệnh lý viêm mạn tính của phế quản thuộc hệ hô hấp. Đây là bệnh thường gặp, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em chiếm đa số. Những năm gần đây, tỷ lệ trẻ bị suyễn khá nhiều, trong 10 trẻ có khoảng 1-2 trẻ bị mắc suyễn. Tùy thể trạng mỗi bé mà mức độ suyễn nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên khi phát hiện con bị suyễn phụ huynh không nên quá lo lắng, bởi trên thực tế có trẻ bị suyễn lúc nhỏ nhưng khi lớn lên bệnh sẽ tự khỏi.

Một số trẻ dễ bị suyễn như tiền sử trong gia đình có người bị suyễn (điển hình là cha, mẹ), ngoài ra một số trường hợp khác như trẻ bị chàm, bị viêm mũi dị ứng, trẻ hay bị bệnh hô hấp, sinh nhẹ cân, tiếp xúc với khói thuốc lá.

Các dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị suyễn như ho kéo dài, dễ ho khi vận động nhiều, ho sau khi khóc, sau khi cười, ho về đêm, khó thở, thở khò khè, thở rút hõm ức… Việc chẩn đoán bệnh với những triệu chứng ban đầu rất khó, do đó phụ huynh khi nhận thấy con có những biểu hiện nghi ngờ cần đưa con đến BV để được thăm khám, theo dõi và chẩn đoán bệnh chính xác.

Đối với những trẻ đã được xác định mắc suyễn cần được chú trọng trong quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà. Theo đó, trẻ cần được BS chuyên hô hấp nhi hoặc BS nhi tư vấn về cách phòng ngừa và theo dõi. Gia đình nên biết cách sử dụng thuốc cắt cơn tại nhà nếu bé đã từng lên cơn nặng. Việc dùng thuốc xịt phải đúng, phù hợp lứa tuổi, thao tác khi xịt phải đúng để đạt được hiệu quả. Khi trẻ không tự cắt được cơn, tím tái, phải ngồi thở cần nhanh chóng đưa trẻ đến BV gần nhất.

Các yếu tố làm lên cơn suyễn như thức ăn thường là hải sản, thịt bò, các loại hạt; khói bụi: khói thuốc lá, mùi sơn, xung quanh có người xây nhà; trẻ vận động quá mức, bị bệnh đường hô hấp. Do vậy, khuyến cáo các bậc phụ huynh nên tránh các yếu tố gây lên cơn cho con, chích ngừa đầy đủ cho bé, nhất là phế cầu và cúm.

Đ.Khoa (ghi)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)