Tôi mới tốt nghiệp chuyên ngành bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm, chứng chỉ tin học A & B, ngoại ngữ B, chứng chỉ ISO 22000:2005. Trong thời gian thực tập, tôi rất lo lắng vì biết mình đã mất định hướng nghề nghiệp.
Ảnh: theladybugconsultants.com
|
Tôi thấy ngành của mình rất vất vả, phải đứng trong nhà máy sản xuất trong suốt thời gian làm việc, tăng ca thường xuyên và làm việc xa thành phố. Điều này cũng có nghĩa tôi sẽ không có thời gian cho việc học tiếp sau này cũng như thời gian dành cho gia đình.
Tôi cũng đã mấy lần nộp hồ sơ vào đúng ngành của mình nhưng không được chọn vì thiếu kinh nghiệm. Công việc hiện tại của tôi là làm nhân viên kinh doanh phụ gia thực phẩm, tuy nhiên công việc này không phù hợp với tính cách của tôi (không thích cạnh tranh).
Hiện tôi mong muốn được làm công việc văn phòng (trái ngành), nhưng lại thấy lãng phí 4 năm học ĐH, cũng như lo không biết sau này mình có khả năng thăng tiến hay không. Mong chương trình tư vấn giúp tôi…
(thaonlu@… )
– Chào bạn. Có vẻ bạn là người rất cầu toàn trong việc định hướng nghề nghiệp của mình. Tôi đã đọc rất kỹ phần băn khoăn của bạn và nhận ra bạn vẫn còn muốn tiếp tục tập trung vào chuyện học lên cao hơn nhằm tìm kiếm một công việc tốt, vừa đúng với tính cách vừa đúng với chuyên ngành và vừa không phải vất vả. Chính những yêu cầu cao này mà bạn đang mâu thuẫn chính với bản thân mình và đặt ra một áp lực quá lớn, quá sức với một sinh viên vừa ra trường.
Tôi khuyên bạn một điều, bạn phải đi từ từ từng bước và tạo cho mình những nền tảng và cơ hội tiếp xúc với nhiều thứ trong mọi khía cạnh công việc. Tôi từng tư vấn cho nhiều bạn sinh viên tương tự bạn, và có một quan điểm mà tôi rất tâm đắc như thế này: "Không có một rào cản nào kìm hãm sự phát triển của bản thân cho dù đó là công việc đúng với chuyên ngành hay trái ngành, bản thân chỉ bị kìm hãm nếu không lao vào công việc để có những trải nghiệm cho riêng mình”.
Công việc nào cũng có sự khó khăn của riêng nó, nếu ngại những khó khăn đó, bạn sẽ không bao giờ vượt qua chính mình. Tôi đưa ra một vài câu hỏi để bạn suy ngẫm như sau:
Hiện nay bạn có đặt nặng về vấn đề tài chính không? Có cần một công việc để giải quyết vấn đề về tài chính không?
– Nếu có, bạn hãy cố gắng tiếp tục duy trì công việc hiện nay vì đó chính là nguồn thu nhập duy nhất mà bạn tìm được dù cho công việc này không phù hợp với tính cách của bạn hoặc trái với chuyên ngành. Dân gian ta thường có câu “lấy ngắn nuôi dài” không phải là không có lý của nó.
– Nếu không, bạn tạm gác chuyện đi làm qua một bên, đừng băn khoăn gì nữa, hãy đăng ký ngay khóa học nâng cao mà bạn mong muốn để tiếp tục sự nghiệp học hành cho đến nơi đến chốn rồi hẵng nghĩ tới việc mình sẽ làm gì sau này.
Bạn đã tìm hiểu kỹ về đặc thù những công việc trong ngành nghề nông sản thực phẩm chưa?
Nếu có, hẳn bạn đã biết đây là một trong những ngành quan trọng mà Nhà nước ta đang rất quan tâm và đẩy mạnh đầu tư nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp.
Chúng ta đi lên từ một nước nông nghiệp và vẫn luôn duy trì thế mạnh cạnh tranh này để tạo nét đặc trưng của Việt Nam, chính vì thế những vị trí như chuyên viên nghiên cứu về ngành nông sản thực phẩm đang rất cần những người tài.
Việc bạn lầm tưởng công việc của ngành nghề này chỉ đứng máy sản xuất trong suốt thời gian làm việc là không đúng, có lẽ bạn đang nhầm lẫn công việc của một công nhân chế biến thực phẩm và áp vào tư tưởng của mình cho cả ngành nghề này.
Thực tế trong ngành nông sản thực phẩm, có rất nhiều vị trí cho bạn lựa chọn, ví dụ:
– Kỹ sư công nghệ thực phẩm: tốt nghiệp các chuyên ngành thực phẩm tại các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc, chịu trách nhiệm về các khâu công nghệ trong chế biến thực phẩm, vận hành dây chuyền sản xuất thực phẩm.
– Công nhân chế biến thực phẩm: làm việc tại các xưởng chế biến, trong các khâu khác nhau của quá trình sản xuất.
– Quản lý về thực phẩm: làm việc ở các cơ quan ban ngành chuyên về an toàn thực phẩm, bình ổn giá thực phẩm, xuất nhập khẩu thực phẩm…
Những công việc này bạn có thể làm việc tại các cơ quan như:
– Các công ty chế biến, sản xuất thực phẩm.
– Các xưởng sản xuất, các nhà máy chế biến thực phẩm.
– Các cơ quan, ban ngành làm công tác quản lý về thực phẩm, ví dụ: Cục An toàn thực phẩm…
– Phụ trách công việc đào tạo tại các trường ĐH, CĐ có đào tạo chuyên ngành thực phẩm trên toàn quốc…
Với danh sách những công việc này, tôi nghĩ bạn đã có nhiều khái niệm hơn về những lựa chọn nghề nghiệp cho mình.
Bạn nên nhớ dù làm công việc gì, chúng ta cũng cần có sự đầu tư thì mới có thể phát huy và gặt hái được nhiều thành công. Nếu đã chọn đi làm thì bạn đừng ngại xa, vì có khi xa cũng là một động lực thúc đẩy bạn phải cố gắng hơn để có được một mục tiêu mà bạn thấy thỏa đáng hơn.
Tôi chúc bạn sẽ có một định hướng hợp lý và tốt nhất cho mình!
Theo NGUYỄN BÁ TRỌNG LUÂN
TTO
TTO
Bình luận (0)