Nhận thức của xã hội chưa đúng tầm, nhà trường còn xem nhẹ công tác tư vấn học đường, học sinh ngại thổ lộ, chia sẻ vì phòng tư vấn học đường chưa trở thành địa chỉ tin cậy…
Đó là những vấn đề được mổ xẻ tại hội thảo về công tác tư vấn học đường tại các trường phổ thông do Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức vào ngày 30-8-2016.
Ngại thổ lộ, sẻ chia…
Theo các chuyên gia tâm lý, ở lứa tuổi học sinh phổ thông – giai đoạn có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý, các em có nhiều trăn trở, suy tư, lo lắng và có nhu cầu được hỗ trợ, tư vấn, “giải mã” nhiều câu hỏi, thắc mắc. Đó là những vấn đề liên quan đến tâm lý, tình yêu, giới tính, sinh sản, hướng nghiệp… Trong khi nhận thức của các em còn hạn chế, cộng thêm dễ bị dao động, kích động, tổn thương… thì gia đình, trường học chưa trở thành chỗ dựa về đời sống tâm lý, tinh thần. “Do thiếu niềm tin với gia đình, thầy cô, bạn bè và không biết cách giải quyết vấn đề phát sinh, học sinh thường chọn cách tự đè nén, lâu ngày dẫn đến trầm cảm, u uất, thậm chí chọn hành động tiêu cực là tự tử. Một số khác thì lên mạng internet chia sẻ, tìm hiểu thông tin nhưng thiếu chọn lọc nên nguy cơ bị lạm dụng tình dục, xâm hại tình dục, bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo. Như thế, các em dễ rơi vào tệ nạn xã hội hoặc vi phạm pháp luật…”, TS Lê Thị Mỹ Hà (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) cảnh báo.
Báo động về thực trạng học sinh tự vẫn và khoảng trống trong công tác tư vấn học đường, TS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính quốc gia TPHCM) cho rằng ở tuổi vị thành niên, các em cần có cơ hội được tâm sự, giải đáp những thắc mắc tuổi dậy thì, tình yêu, rắc rối với cha mẹ… Nhưng các em lại bị cuốn vào vòng xoáy học hành thi cử, điểm số, áp lực từ cha mẹ, nhà trường. Và khi không thể vượt qua những cú sốc đầu đời, các em sẽ nghĩ quẩn và chọn tự vẫn là điều không tránh khỏi.
Học sinh luôn có nhiều câu hỏi cần “giải mã”
Thực tế môi trường học đường có an toàn và thân thiện? Từ kết quả nghiên cứu đối với gần 1.400 học sinh lớp 10, 11, 12 tại 5 trường THPT ở TPHCM, PGS-TS Đỗ Hạnh Nga, Trưởng khoa Công tác xã hội (Trường ĐH KHXH-NV), cũng nêu ra những yếu tố rủi ro, bảo vệ học sinh ở trường học. Với các câu hỏi khảo sát, như “Em cảm thấy vui vẻ khi ở trường?”, chỉ có 60% học sinh trả lời cảm thấy vui vẻ; còn “Giáo viên của trường đối xử công bằng với học sinh?” thì chưa đến một nửa đồng ý. Con số 28% học sinh cho rằng không được tôn trọng và trên 23% không được giáo viên đối xử công bằng được coi là những tác nhân làm ảnh hưởng đến sự căng thẳng, tiềm ẩn yếu tố rủi ro, thiếu an toàn ở trường học. Tương tự, nhiều báo cáo, nghiên cứu của các nhà khoa học, chuyên gia tâm lý khác cũng báo động vấn nạn bạo lực học đường có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Không chỉ trẻ hóa, nữ hóa, giới hạn trong bạn bè, hành vi bạo lực còn lan rộng giữa học sinh và giáo viên. Hệ quả của bạo lực học đường đang đe dọa sự an toàn, phá vỡ các giá trị đạo đức, nhân văn ở trường học.
Làm thế nào để chạm đến trái tim học trò?
Từ năm 2008, ngành GD-ĐT TPHCM đã tiên phong trong thực hiện mô hình tư vấn học đường và hoạt động này đã được nhiều trường phổ thông quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên (Sở GD-ĐT TPHCM), ở các trường phổ thông công lập của TP, mới có 89 trường có phòng tư vấn học đường và 41 giáo viên chuyên trách, còn lại đều thiếu phòng ốc, nhân sự thì kiêm nhiệm. Ở các trường ngoài công lập, tỷ lệ còn thấp hơn nhiều. Điều này phản ánh đúng thực trạng hoạt động tư vấn học đường chưa chuyên nghiệp và chưa theo kịp nhu cầu cần tư vấn, tham vấn ngày càng đa dạng của học sinh.
Phân tích những khó khăn, trở ngại mà công tác tư vấn học đường chưa phát huy tác dụng và chưa trở thành địa chỉ tin cậy, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng đội ngũ giáo viên chuyên trách lẫn không chuyên ở các trường học chưa được đào tạo bài bản, còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm. Vì chưa biết cách gợi mở, “bắt mạch”, chuẩn đoán tâm lý, trị liệu phù hợp nên hiệu quả tư vấn, tham vấn chưa cao, học sinh chưa tin tưởng. Đưa ra dẫn chứng và lý giải thực trạng học sinh ngại chia sẻ những trục trặc về tâm lý, có ý kiến cho rằng các em mất niềm tin ở người lớn, cha mẹ. Hơn nữa mối quan hệ giữa thầy cô – học trò cũng có vấn đề suy đồi và học sinh thiếu tôn trọng giáo viên. Cũng theo chuyên gia này, thay vì mở phòng tư vấn học đường nhưng không thu hút học sinh thì TP nên mở rộng dịch vụ tư vấn, tham vấn qua điện thoại miễn phí để học sinh không e ngại việc thổ lộ, tâm sự những chuyện khó nói.
Từ những cảnh báo về xu hướng học sinh đang gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trục trặc về đời sống tâm lý gia tăng, hội thảo đã nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết thành lập phòng tư vấn, tham vấn học đường và tính chuyên nghiệp của giáo viên làm công tác này. Làm thế nào để nó chạm đến trái tim học sinh và giúp các em “xả” hết những điều cần tâm sự, thổ lộ? Cô Phùng Thị Nguyệt Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Lâm, cho rằng chỉ cần mỗi trường có một giáo viên chuyên nghiệp để tư vấn, tham vấn cho 3.000 học sinh thì các em đã có nơi để “xả” mọi chuyện vướng mắc, trục trặc. Từ đó nhà trường đỡ phải lo lắng, giải quyết hậu quả của bạo lực học đường và các nguy cơ tiềm ẩn khác, giúp hoạt động giáo dục phát triển lành mạnh, hiệu quả.
KHÁNH BÌNH/SGGP
Bình luận (0)