TS. Đinh Phương Duy, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục TP.HCM cho biết: “Hiện nay tư vấn học đường còn rất mới đối với chúng ta, việc đầu tư cho tư vấn học đường là cần thiết không còn bàn cãi nữa. Tuy nhiên, việc quan tâm nhất ai là đối tượng tư vấn, đội ngũ tư vấn là ai, kinh phí hoạt động từ đâu… hiện vẫn còn bỏ ngỏ”.
Chị Nguyễn Thu Hồng (P.5, Q.3, TP.HCM) lo lắng: “Nhà tôi có hai cháu đang là học sinh, chồng tôi thường xuyên đi công tác. Hai đứa con tôi, đứa nhỏ mới học lớp 9 nhưng cháu đã hẹn hò với bạn trai, cháu lớn hiện đang học lớp 11 ban xã hội với giấc mộng trở thành nhà văn. Tôi nghĩ nhà văn thì hơi nghèo mà con tôi lại không muốn nghèo. Quả thật tôi rất lúng túng trong việc định hướng cho hai đứa con của mình”. Còn em Đoàn Thị Phượng Hằng (Trường THPT Long Trường, Q.9) rầu rĩ: “Cha mẹ em sắp li dị làm em rất buồn, nhiều ngày qua em như cái xác không hồn, không còn tâm trí đâu để học nữa, về nhà là vào phòng ngồi không muốn nói chuyện với ai. Năm nay là năm cuối rồi nếu cứ như vầy chắc em thi rớt mất thôi”.
Hiện nay tư vấn thường được giao cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, cán bộ quản sinh, cán bộ Đoàn – Đội… chăm sóc, giáo dục và không ít trong số họ tỏ ra ân cần, am hiểu tâm lý học sinh. Nhiều học sinh gặp khó khăn trong học tập, định hướng nghề nghiệp, sinh hoạt tập thể và giao tiếp bạn bè. Nhiều học sinh mắc bệnh trầm cảm hay những thắc mắc về giới tính, về cách cư xử bạn bè khác giới, trong quan hệ với cha mẹ, anh chị em và áp lực học tập từ gia đình ngày càng gia tăng. Khi học sinh cần chỗ dựa về tinh thần, động viên thì không có ai để chia sẻ, khiến các em dẫn tới những quyết định nông nổi, sai lầm. Có nhiều em đã tìm đến thầy cô, bạn bè, gia đình nhưng do tâm lý ngại ngùng, hay các em sợ bị tiết lộ bí mật nên chỉ có những cộng tác viên mới có chuyên môn, trách nhiệm và tính bảo mật cao mới làm cho các em tin tưởng.
Vì vậy để đáp ứng nhu cầu này một số trường THCS, THPT đã mở được phòng tư vấn và đưa vào hoạt động khá hiệu quả, nhưng số này quá ít, tính chuyên nghiệp chưa cao, cơ sở vật chất thiếu và yếu. Một số trường liên kết được với một số trung tâm tư vấn, báo, đài… nhưng hiệu quả và tính phổ biến chưa rộng. Vì vậy đã đến lúc phải đẩy mạnh tư vấn học đường, nhìn nhận vấn đề ở tầm cao hơn, xem tư vấn học đường là một hoạt động không thể thiếu trong công tác giáo dục đào tạo.
Văn Mạnh
Bình luận (0)