Những năm gần đây, học sinh phổ thông có nhiều vấn đề về tâm lý cần được giải đáp, hỗ trợ. Nếu học sinh THCS, THPT, các vấn đề về tình bạn, tình yêu, giới tính cần được tháo gỡ thì ở tiểu học, mối quan hệ gia đình và giới tính là nổi bật.
Theo tác giả, giáo viên tư vấn tâm lý học đường chính là bờ vai để trẻ tựa đầu. Trong ảnh: Học sinh tiểu học được hướng dẫn phân loại rác thải. Ảnh: Y.Hoa
Thế nhưng, với học sinh tiểu học, đa số người lớn đều cho rằng “trẻ người non dạ” chỉ có ăn rồi chơi, vui đó, buồn đó, “con nít có gì đâu mà tư vấn tâm lý”. Chính vì vậy, nhiều trẻ ở tuổi tiểu học đã phải sống trong buồn bã, lo lắng, khổ sở, thậm chí dẫn đến trầm cảm. Làm công tác tư vấn tâm lý học đường nhiều năm qua, tôi nhận ra học sinh lứa tuổi tiểu học giờ đây khôn lanh, hiểu biết hơn, vì thế dễ bị những vấn đề về tâm lý hơn. Đơn cử như trường hợp H. – một học sinh lớp 5 thông minh, năng động, học tốt. Thế nhưng, giáo viên chủ nhiệm và bạn bè bất ngờ phát hiện ra em là người ăn cắp tiền của bạn bè nhiều lần. Tìm hiểu nguyên nhân, H. mới cho biết là ăn cắp tiền để nạp điện thoại chơi game. Khi được thông báo, phụ huynh cũng ngạc nhiên, không tin đó là sự thật. Nhà trường cho H. làm bản kiểm điểm và nhắc nhở em không được tái phạm. Vài ngày sau đó, H. đến trường nhưng không học, không chép bài, làm bài mặc cho thầy cô quở trách, em cứ tỏ thái độ bất cần. Tôi gọi lên phòng tư vấn trao đổi, H. im lặng không nói gì. Khéo léo hỏi nhiều việc, tôi mới biết hoàn cảnh của em. Gia đình H. từ quê lên thành phố, ba đi làm xa cuối tuần mới về, còn mẹ thì phụ bán quán nhậu đến khuya. Chỗ ở của gia đình em không ổn định, nay thuê chỗ này, mai chỗ khác. Em không có người quen thân hay bạn bè cùng xóm. Vì thường ở nhà một mình nên người bạn thân thiết nhất của em chính là chiếc điện thoại từ nhỏ đến lớn. Khi phát hiện H. ăn cắp tiền để nạp điện thoại chơi game, ba mẹ em đã tịch thu điện thoại. Em rất bực bội, bức xúc. H. nói: “Em ở nhà một mình không biết làm gì. Hôm nào có ba mẹ ở nhà thì ba mẹ cũng mỗi người ôm một cái điện thoại, có nói chuyện, chơi đùa gì với em đâu. Em đã biết lỗi rồi mà! Vậy tại sao không cho em chơi điện thoại?”.
Hiện nay phụ huynh của học sinh tiểu học thường trong độ tuổi 8x và 9x, lứa tuổi đã có thói quen lướt điện thoại cả ngày. Điều H. nói hoàn toàn đúng. Nhiều phụ huynh ngay khi con còn nhỏ, để có thể thoải mái làm việc hay nghỉ ngơi, phụ huynh thường đưa điện thoại cho con ngồi yên một chỗ chơi. Học sinh nghiện điện thoại cũng là điều dễ hiểu vì sử dụng từ nhỏ và ba mẹ cũng đâu khác gì con, cũng “mê” điện thoại thì sao lại cấm con mình sử dụng. H. bảo sẽ không học cho đến khi nào ba mẹ cho sử dụng điện thoại trở lại. Vậy là tôi phải làm công tác tâm lý với H. để em an tâm học tập và hứa sẽ nói chuyện với ba mẹ em. Tôi liên hệ với ba mẹ em, nêu và phân tích những điều H. nói. Cuối cùng, ba mẹ em cũng đồng ý cho em chơi game trên điện thoại trở lại với quy định 1-2 giờ mỗi ngày. Sau thời gian đó, H. phải đưa điện thoại cho ba mẹ giữ. H. cũng đã đồng ý với cách giải quyết như thế.
Trường hợp khác, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A bất ngờ khi ba của học sinh P. điện thoại hỏi ở lớp có chuyện gì mà mấy ngày qua về nhà P. không nói chuyện với ba, ba gọi điện thoại cũng không bắt máy. Giáo viên cho biết ở lớp không có chuyện gì cả, P. vẫn học tập, sinh hoạt bình thường, chỉ có khác là em không vui vẻ, chơi đùa như trước đó. Giáo viên hỏi, P. cũng nói không có gì. Dò hỏi các học sinh khác trong lớp, các em cũng nói không có chuyện gì xảy ra giữa P. với bạn bè. Được giáo viên chủ nhiệm báo, tôi lặng lẽ theo dõi. Giờ chơi, thấy P. ngồi một mình trên ghế đá, tôi đến gợi chuyện. Nói đủ thứ chuyện, tôi mới vào vấn đề. Tôi hỏi em sao mấy hôm nay không nói chuyện với ba, em ngạc nhiên nhìn tôi nhưng không trả lời. Tôi lại tiếp tục chuyện trò, rồi đột ngột hỏi P.: “Em giận ba hả?”. Bỗng dưng, P. bật khóc. Tôi khuyên em bình tâm rồi bảo hãy kể thầy nghe để vơi bớt nỗi buồn. Em cho biết ba mẹ cãi nhau, đòi ly hôn, mẹ dắt em gái đi, còn em ở lại nhà với ba. Ba cấm em liên lạc với mẹ. Vừa rồi, ba P. đi công tác qua đêm phải gửi em về nhà ông bà. Biết tin, mẹ P. đã đến đón em về chơi với mẹ và em gái. Ba P. hay tin đã gọi điện thoại về la mắng em là hư, không biết nghe lời ba nên khi ba về, P. đã phản ứng bằng cách không nói chuyện với ba. Tôi khuyên nhủ P. và bảo em hãy nói thẳng với ba rằng: “Con thương ba nhưng con cũng thương mẹ và em, ba đừng cấm con liên lạc với mẹ”. P. gật đầu trong nước mắt. Tôi liên hệ với ba của P., cho ông biết rõ nguyên nhân và cũng khuyên ông đừng vì chuyện người lớn mà làm ảnh hưởng đến tâm lý của con, làm khổ con. Vài ngày sau, giáo viên chủ nhiệm báo tôi biết P. đã vui vẻ trở lại và ba của em cũng gửi lời cảm ơn tôi.
Mới đây, học sinh T. bị các bạn cùng lớp phát hiện đọc sách “bậy bạ” trong giờ học và thông báo cho tôi biết. Tôi bảo T. đưa bộ sách cho tôi xem. Đó là bộ truyện tranh của Nhật Bản gồm 5 quyển. Tôi lướt qua và nhận ra đây là bộ truyện tranh dành cho lứa tuổi 16+. Dò hỏi, tôi được biết đây là bộ truyện tranh mà T. để dành tiền mua từng cuốn với giá không rẻ. Tôi phải mất rất nhiều thời gian để biết vì sao em đọc bộ truyện này. Theo đó, T. sinh ra trong gia đình có 3 chị gái và cả bên nội chỉ có em là con trai. Em được cưng chiều hết mức. Vì thế, T. rất nhõng nhẽo, hay giận hờn. Các chị trong nhà, hàng xóm và cả bạn bè hay chọc em là “bê đê”, “bóng”… T. vô tình thấy quyển truyện này, tự mua và đem vô lớp đọc, không dám đọc ở nhà. Vậy là tôi lại phải khéo léo giáo dục giới tính cho T. để em không lo lắng, ưu phiền là mình có phải là gay không. Tôi cũng lưu ý T. cần bỏ thói quen nhõng nhẽo, hay giận hờn, tham gia một môn thể thao nào đó hằng ngày để khỏe mạnh cả thể chất lẫn tinh thần hơn. Tôi cũng cho T. biết đây là truyện tranh dành cho lứa tuổi 16+ không phù hợp với tuổi của em. T. hứa sẽ gói cất, đến 16 tuổi sẽ đọc. Chắc chắn sắp tới, tôi sẽ sắp xếp thời gian để gặp phụ huynh của T. để trao đổi với phụ huynh về cách giáo dục để em không bị ảnh hưởng tâm lý về giới tính.
Ngay từ khi làm công tác tư vấn học đường, tôi đã nhận ra cần phải có giáo viên chuyên trách chứ không phải kiêm nhiệm như những năm vừa qua vì làm công tác tư vấn mất rất nhiều thời gian, công sức. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức nào triển khai thực hiện việc mỗi trường phải có ít nhất một giáo viên chuyên trách tư vấn tâm lý học đường. Theo tôi, điều cần thiết ở giáo viên tư vấn tâm lý phải là người yêu thích công việc, có nhiều kinh nghiệm sống. Đặc biệt, giáo viên tư vấn tâm lý ở tiểu học còn phải là người có thể tư vấn được cho cả phụ huynh trong một số trường hợp cần thiết. Giáo viên tư vấn tâm lý học đường chính là bờ vai để trẻ tựa đầu.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)