Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tư vấn tâm lý ở tiểu học không dễ

Tạp Chí Giáo Dục

Việc tư vấn tâm lý cho học sinh (HS) phổ thông hiện nay là điều rất cần thiết. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có chuyên viên tâm lý mới có thể tư vấn cho các em hiệu quả. Thế nhưng, với mong muốn tất cả các trường phổ thông đều có chuyên viên tâm lý, thật sự là một yêu cầu quá xa rời thực tế. Với hiểu biết của một giáo viên dạy tiểu học nhiều năm, tôi nhận thấy ở trường tiểu học nếu như có chuyên viên tâm lý cũng chưa chắc đạt hiệu quả cao trong công tác tư vấn tâm lý học đường. Bởi HS tiểu học còn rất nhỏ, các em khó thể bộc lộ cảm xúc, băn khoăn, lo lắng với người lạ. Khi có vấn đề vướng mắc về tâm lý, chẳng khi nào các em tìm đến phòng tư vấn tâm lý học đường để tìm chuyên viên tâm lý bộc bạch nỗi lòng. Ngay cả với giáo viên chủ nhiệm, các em cũng không tâm sự. Chỉ những giáo viên chủ nhiệm có kinh nghiệm, luôn quan tâm sâu sắc đến từng em, phải chủ động tìm hiểu thì các em mới thổ lộ tâm tư của mình.

Tôi nhớ mãi em K. – một nữ sinh tôi dạy đã khá lâu. Em là một HS giỏi của lớp, có năng khiếu môn văn. Em hiền lành, ngoan ngoãn, hòa đồng với bạn bè. Thế nhưng, sau đó em có biểu hiện lơ là học tập. Một lần, em đã làm không xong bài tập làm văn tả ba mình. Tôi nhắc nhở em phải chú ý đến việc học hơn và cũng dò hỏi tại sao em học tập sa sút, nhưng em không nói gì. Giờ chơi sau đó, em đã dùng một cục đá nhỏ ném u đầu một bạn nam trong lớp. Quá bất ngờ, tôi gọi hai em lên tra hỏi. Em HS nam nói không biết tại sao K. đánh em, em chạy và K. dùng đá ném tiếp. Tôi hỏi K. thì em trả lời do bạn ấy gọi em bằng tên một nhân vật trong một bộ phim đang chiếu trên truyền hình. Em HS nam thì cho biết thấy K. có gương mặt, mái tóc, tính tình giống như cô bé đang đóng trong bộ phim nên gọi K. bằng tên nhân vật.

Tôi băn khoăn mãi không hiểu tại sao K. lại xử sự như vậy với bạn. Tôi về nhà xem bộ phim và gọi điện thoại cho mẹ của K., khéo léo dò hỏi bà về chuyện gia đình vì sao K. có những biểu hiện khác thường như thế. Đúng như tôi dự đoán, ba của K. có người phụ nữ khác giống như cô bé trong phim. Ba mẹ K. đang ở bờ vực ly hôn cũng như trong phim. Tôi nói mẹ K. cần bình tĩnh và quan tâm đến em nhiều hơn. Hôm sau, tôi nói chuyện riêng với K., em bất ngờ khi tôi biết rõ mọi việc. Tôi phân tích và khuyên em phải cố gắng học tập, ngoan ngoãn như trước đây để làm niềm vui, chỗ dựa cho mẹ. Rất may, em hiểu ra và ổn định tâm lý. Ba mẹ K. rồi cũng ly hôn nhưng em vẫn học tốt, đạt HS xuất sắc cuối năm và cũng không có những cử chỉ, hành động xấu nào nữa.

Kể câu chuyện trên, tôi muốn nói rằng tư vấn tâm lý HS tiểu học không dễ. Người tư vấn phải tìm đến các em, chứ các em không bao giờ tìm người tư vấn. Người có khả năng tư vấn tốt nhất cho HS tiểu học chính là giáo viên chủ nhiệm nhưng không phải giáo viên nào cũng vững vàng kiến thức tâm lý, cũng có kinh nghiệm trong tư vấn trẻ. Với áp lực trong công việc của giáo viên tiểu học hiện tại thì thầy cô khó thể có đủ thời gian để theo dõi những chuyển biến khác thường dù nhỏ nhất trong học tập, sinh hoạt hàng ngày của từng em nhằm phát hiện ngay, tư vấn kịp thời, ngăn chặn được những điều đáng tiếc xảy ra cho các em.

Lê Phương Trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)