Thế hệ “Z” được hiểu là những bạn trẻ sinh ra từ năm 1996, được tiếp cận sớm với công nghệ, kỹ thuật, có điều kiện và cơ hội học tập. Với thuận lợi như thế, thế hệ Z có cơ hội và thách thức như thế nào trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, làm thế nào để trở thành công dân toàn cầu?…
Các chuyên gia tham gia chia sẻ trong chương trình
Những câu hỏi này sẽ được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” năm 2021 với chủ đề “Hành trang hội nhập toàn cầu” do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của Trường ĐH Swinburne Việt Nam.
Cơ hội nhiều, thách thức lớn
TS. Nguyễn Thanh Tùng – chuyên gia tư vấn kỹ năng cho rằng, thế hệ Z có thế mạnh là tiếp cận sớm với công nghệ, thuận lợi trong việc tiếp cận tri thức, cái mới, và nguồn thông tin khổng lồ, giúp bản thân khám phá được mình thích gì. Cũng chính từ công nghệ, thế hệ Z có cơ hội tương tác ảo với bạn bè khắp nơi trên thế giới, có thể thực hiện ước mơ của mình trên không gian ảo. “Thách thức ở đây là cơ hội càng nhiều thì càng có nguy cơ lạc lối. Đối diện với lượng thông tin khổng lồ đôi khi các bạn sẽ không biết hướng mình đi như thế nào. Tác động của thông tin dễ làm lệch hướng, thậm chí là dễ bị đào thải, tụt hậu nếu không tìm được nguồn thông tin đúng phát huy thế mạnh, hạn chế sở đoản của bản thân”, TS. Tùng nhìn nhận.
Trong bối cảnh thế giới luôn luôn biến động, TS. Hoàng Việt Hà – Giám đốc Swinburne Việt Nam cho rằng thách thức đối với thế hệ Z chính là đòi hỏi khả năng thích ứng, tiếp cận, học hỏi liên tục để có thể thích ứng, chủ động được với những biến đổi.
Công dân toàn cầu là gì?
Trong môi trường hội nhập hiện nay, “công dân toàn cầu” là cụm từ được nhắc đến nhiều. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Thanh Tùng, nhiều người trẻ hiện nay vẫn còn ngộ nhận công dân toàn cầu là đi khắp nơi trên thế giới. Định nghĩa một cách đúng đắn, công dân toàn cầu là bạn có năng lực học tập, làm việc và sống được ở các môi trường có tính đa quốc gia. Có thể chấp nhận được văn hóa, lối sống, nền giáo dục, đơn giản là tiếp cận được với món ăn của đất nước đó… “Ngay khi bạn ở đất nước mình, gia đình mình bạn vẫn có thể trở thành công dân toàn cầu, có thể hội nhập ngay tại Việt Nam, làm việc được với các môi trường khác nhau tại Việt Nam nếu bạn có đầy đủ kỹ năng, kiến thức…”.
Theo TS. Tùng, để trở thành công dân toàn cầu, người trẻ cần phải trang bị được kỹ năng, năng lực hợp tác với người khác. Đây là kỹ năng cực kỳ quan trọng và cần thiết; Cạnh đó là học hỏi được kỹ năng tương tác, giao tiếp, trao đổi, trang bị được năng lực tư duy phản biện, biết cách đào sâu vấn đề; Tư duy sáng tạo khi bạn dám tiếp cận với môi trường thực tế, giải quyết các vấn đề thực tế; Năng lực học tập suốt đời…
Ở góc độ nhà tuyển dụng, TS. Hoàng Việt Hà thông tin, theo một nghiên cứu của Diễn đàn kinh tế thế giới nghiên cứu về năng lực của sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam thì kỹ năng làm việc của sinh viên tốt nghiệp ra trường tại Việt Nam được đánh giá thuộc hàng thấp nhất thế giới. Đây là lý do vì sao mà khi ra trường nhiều sinh viên rất khó xin việc, và ngay cả khi xin được việc thì thu nhập cũng rất thấp bởi kỹ năng làm việc không đủ. “Những kỹ năng mà sinh viên Việt Nam hiện nay đang thiếu đó là kỹ năng mềm khi làm việc, hay còn gọi là kỹ năng công dân toàn cầu thế kỷ 21; Kỹ năng về giải quyết các vấn đề phức tạp, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, sáng tạo… Cái thiếu nữa là kiến thức không được cập nhật”.
Chuyển đổi để đáp ứng cơ hội làm việc toàn cầu
Nhìn nhận một cách tổng quát, TS. Hoàng Việt Hà đánh giá, trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập hiện nay, cơ hội việc làm là rất lớn, nhiều ngành nghề mới được sinh ra. Tuy nhiên, các ngành nghề lại đòi hỏi người học phải có linh hoạt để có thể chuyển đổi, thích ứng. Ví dụ khi học về CNTT nên định vị làm việc toàn cầu; khi học về truyền thông phải biết sử dụng nhiều công cụ khác nhau, hiểu được về các hành vi của con người trong cuộc sống số và cuộc sống thực; Sự thay đổi về các mô hình kinh doanh nên khi học về quản trị kinh doanh thì phải quản lý được sự thay đổi đó, vận hành doanh nghiệp số, marketing số… “Có những học sinh học ở phổ thông rất giỏi, điểm rất cao. Tuy nhiên, học để biết khác với việc học để ứng dụng. Giỏi về kỹ năng khác với giỏi về kiến thức vì kỹ năng đòi hỏi sự rèn luyện. Thế giới trải qua 4 cuộc các mạng công nghệ, công nghệ thay đổi thì việc làm thay đổi, vì thế khi học các ngành nghề khác nhau người học phải học tập và cập nhật liên tục các yếu tố mới để có thể hội nhập…”.
Giải đáp thắc mắc của người học rằng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay thì việc đi du học sẽ như thế nào?, TS. Hoàng Việt Hà nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay chúng ta phải tìm cách thích ứng. Trong thế giới phẳng người học có điều kiện tiếp cận được nhiều nguồn kiến thức ở nhiều nơi song việc du học không chỉ là học kiến thức mà còn là học những trải nghiệm, kỹ năng, cách thức tư duy, giao tiếp. “Với ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến quá trình du học, người học có thể lựa chọn hình thức du học tại chỗ, dành thêm thời gian để học các học kỳ trao đổi để có thêm những trải nghiệm toàn cầu”.
Đỗ Yến Quân
Bình luận (0)