Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tư vấn tuyển sinh 2009: Học sinh còn nhiều băn khoăn

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh được tư vấn về những vấn đề liên quan đến chọn ngành. Anh: Mê Tâm

Sáng 22-2, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM phối hợp Đoàn trường THPT Nguyễn Thượng Hiền tổ chức chương trình Tư vấn tuyển sinh 2009 thu hút hơn 1.000 học sinh (HS) khối 12 trong và ngoài trường tham dự. Thắc mắc của học sinh chủ yếu xoay quanh các vấn đề: cách chọn trường, ngành nghề phù hợp; quy trình đào tạo ngành nghề tại các trường, học phí; cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp…

Mơ hồ trong chọn nghề
Em Trần Thị Phương Dung (lớp 12A13, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền) cho biết, em định đăng ký thi vào ngành Kế toán kiểm toán của Trường ĐH Ngân hàng nhưng chưa biết quy trình đào tạo của ngành này như thế nào, phải học những môn gì, công việc cụ thể sau này ra sao và quan trọng là sức học của mình có đủ để thi đậu vào trường hay không… Nhiều HS có chung mối quan tâm là cùng một ngành nghề nhưng cách đào tạo ở từng trường có gì khác nhau. Vì thực tế nhiều em đã xác định được ngành nghề mình theo đuổi nhưng lại không biết nên theo học ngành đó ở trường nào là tốt và phù hợp nhất. Ông Nguyễn Đăng Lập (Trung tâm Tư vấn Tâm lý – Giáo dục & Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình) cũng đưa ra ví dụ cụ thể, nhiều HS khi chọn trường – nghề chỉ chú ý đến một số từ trong nghề đó dẫn đến chọn sai. Chẳng hạn, các em khi chọn ngành nghề liên quan đến lĩnh vực môi trường chỉ chú ý đến hai từ “môi trường”. Trong khi thực tế có đến 7 trường đào tạo ngành liên quan đến ngành này (Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có ngành Quản lý môi trường, ĐH Tôn Đức Thắng có ngành Khoa học môi trường, ĐH Công nghiệp có ngành Công nghệ môi trường…). Quy trình đào tạo và công việc cụ thể sau khi tốt nghiệp ở mỗi trường riêng cho ngành này cũng có những nét giống và khác nhau. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng có SV đến thời gian thực tập mới phát hiện mình không phù hợp.
Học công lập hay dân lập dễ xin việc?
Em Võ Thành Luân (Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền) hỏi về tiêu chí xét tuyển NV2 vì một số trường có năm lấy NV2, năm lại không. Ông Nguyễn Văn Bình (Phó giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Giao thông Vận tải) giải thích: “Tùy vào chỉ tiêu, điểm chuẩn và chất lượng thí sinh dự thi từng năm mà trường xét tuyển. Nếu số lượng thí sinh đậu NV1 đã đủ thì trường không lấy thêm NV2. Chẳng hạn, chỉ tiêu cho ngành Kinh tế vận tải biển của trường là 140 SV/năm. Kỳ thi tuyển sinh 2007-2008, số lượng thí sinh dự thi lên đến xấp xỉ 3.000 và lượng thí sinh đậu NV1 đã đầy chỉ tiêu. Một HS hỏi nếu không đậu NV1 vào hệ đại học Trường ĐH Kinh tế thì có xét vào hệ cao đẳng của trường được không. Đại diện Trường ĐH Kinh tế cho biết, cách đây 5 năm, trường đã dừng hệ đào tạo cao đẳng. Những năm gần đây, trường lấy một điểm chuẩn cho tất cả các ngành, không lấy NV2 vì điểm chuẩn NV1 đã khá cao. Với thắc mắc về cơ hội việc làm sau khi ra trường giữa trường công lập và dân lập, chị Trần Thị Hồng Trinh (Phòng Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Sài Gòn) nhận định các doanh nghiệp khi tuyển dụng vẫn đánh giá cao SV tốt nghiệp trường công lập hơn. Tuy nhiên, những SV học trường dân lập với học lực khá giỏi thì cơ hội việc làm vẫn hết sức rộng mở. Dù học trường công lập hay dân lập, thành công phụ thuộc rất nhiều vào thái độ tự học của SV.
Một thắc mắc khác được rất nhiều học sinh quan tâm là SV có được học hai trường cùng một lúc và điều kiện để được học như vậy là gì. Th.S Tạ Quang Lâm (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết, theo quy chế 25 của Bộ GD-ĐT về đào tạo ĐH thì SV vẫn được phép theo học 2 trường cùng một lúc với điều kiện SV đó trúng tuyển cả 2 trường và căn cứ thời khóa biểu của từng trường để sắp xếp việc học cho phù hợp. Riêng trường hợp SV đang theo học trường này, có nguyện vọng thi và học thêm trường khác phải được sự cho phép của hiệu trưởng trường SV đang theo học và phải đảm bảo điểm học lực năm học trước, theo quy định là từ 6,5 trở lên. Nhưng cũng theo ông Lâm, HS nên xác định rõ mục đích mình học ra để làm gì. Cùng một lúc học hai trường chưa chắc đã thành công mà họ còn vướng phải nhiều khó khăn khác trong việc sắp xếp lịch học, giờ học… Học tốt một trường, sau này người học nếu có nguyện vọng vẫn có thể học thêm văn bằng hai. Nhiều vấn đề liên quan đến tuyển sinh khác cũng đã được giải đáp cho HS.
MÊ TÂM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)