Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tư vấn tuyển sinh năm 2009: Tương lai của ngành Cơ điện tử?

Tạp Chí Giáo Dục

Tiếp tục thắc mắc về làm hồ sơ và ưu tiên trong tuyển sinh? Là nữ nên thi ngành nào của trường ĐH Bách khoa TPHCM? Thắc mắc về liên thông ngành CNTT? Thắc mắc về trường CĐ Kinh tế kỹ thuật công nghiệp? Hệ ngân sách và ngoài ngân sách của HV Bưu chính?…

 Hỏi: Em đang ôn thi lại ĐH nhưng cấp 3 em học ở KV1 Rạch Giá và em muốn thi trường ở TPHCM. Nhà em ở Sài Gòn thì em làm hồ sơ ra sao? Có phải xuống trường cũ làm hay không? Khi thi ĐH em có được cộng điểm ưu tiên KV1 hay không? (true_love_stars_somewhere@yahoo.com)
* Trả lời:
– Do em đã tốt nghiệp THPT nên không cần phải quay về trường THPT trước đó để làm hồ sơ ĐKDT.
Em mua hồ sơ ĐKDT điền những mục cần thiết sau đó xin dấu xác nhận tại nơi mình có hộ khẩu thường trú và nộp theo hệ thông tuyến Phòng, Sở GD-ĐT. Ngoài ra em có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại trường mình đăng ký dự thi.
– Theo quy chế tuyển sinh thì điểm ưu tiên khu vực trường THPT mà thí sinh theo học trước đó. Như vậy em vẫn được hưởng mức ưu tiên KV1.
Em là học sinh nữ. Em muốn thi vào trường ĐH Bách khoa TPHCM, vậy thì ngành nghề nào là phù hợp với em và tỉ lệ học sinh nữ ở trường này chiếm bao nhiêu phần trăm? (nobody_loveme58@yahoo.com)
Đối với khối các trường kỹ thuật thì thường sinh viên nữ khá ít so với sinh viên nam. Đặc tính của khối các trường kỹ thuật là học khá vất vả và các ngành nghề đều mang tính “mạnh mẽ” nên thí sinh nữ ít đầu đơn vào.
Theo Ban tư vấn được biết thì tỷ lệ sinh viên nữ ở trường ĐH Bách khoa TPHCM chiếm khoảng 20%.
Nói chung với xu hướng xã hội phát triển thì dù là nữ sinh thì theo học ngành nào cũng được cả. Dưới góc độ cuả Ban tư vấn thì em có thể theo học các ngành như Công nghệ Sinh học, Công nghệ hoá, Công nghệ dệt may…những ngành này có vẻ phù hợp với thí sinh nữ hơn.
Em vừa tốt nghiệp trường CĐ Cơ Khí Luyện Kim chuyên ngành CNTT (hệ chính quy). Sang năm 2009 em muốn học liên thông lên đại học chuyên ngành CNTT (bằng chính quy). Vậy em muốn biết các trường có đào tạo liên thông chuyên ngành CNTT và nội dung môn thi của từng trường để em biết và ôn tập trước?
Theo quy định mới về đào tạo liên thông thì hình thức liên thông từ CĐ-ĐH sẽ do Hiệu trưởng các trường quyết định. Tuy nhiên các ngành đào tạo liên thông phải được đào tạo chính quy ở trường đó ít nhất là hai năm.
Như vậy có thể nói sẽ có nhiều trường đào tạo liên thông ngành CNTT. Vì vậy em nên định hướng là thi ở trường nào và chủ động liên hệ để nắm thông tin.
– Theo quy định thì môn thi đối với liên thông từ CĐ lên ĐH bao gồm một môn cơ sở và một môn chuyên ngành.
Thật ra ngành CNTT có rất nhiều chuyên ngành hẹp nên với những gì em nêu ra rất khó để trả lời chính xác.
Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp HN đào tạo những chuyên ngành gì? So với mặt bằng chung thì trường lấy điểm như thế nào so với trường khác? Nếu học ở trường này thì cơ hội việc làm như thế nào? (levanloi.le0@gmail.com)
Ở Hà Nội chỉ có trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp 1 và hiện đã được nâng cấp thành trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp.
Các chuyên ngành đào tạo của trường và thông tin về điểm chuẩn các năm gần đây em có thể tham khảo trực tiếp trên website của trường tại địa chỉ: http://www.uneti.edu.vn/
Nói chung theo xu hướng hiện nay thì cơ hội việc làm dành cho các sinh viên là như sau mà không phụ thuộc vào việc đã tốt nghiệp ở trường nào. Tuy nhiên, được học trong các ngôi trường có bề dày thành tích đào tạo, kỹ năng làm việc…sẽ là một lợi thế nhất định khi đi xin việc.
Cho em hỏi tiềm năng phát triển của ngành Công nghệ sinh học và ngành Cơ điện tử hiện nay và tương lai như thế nào? Nếu em trúng tuyển một trong hai ngành thì sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở đâu? Nếu em học ngành Công nghệ sinh học thì liệu khi ra trường em có thể tham gia nghiên cứu thuộc chữa bệnh ung thư được không? (jackytam90@gmail.com)
Theo đánh giá của Ban tư vấn thì hiện cả hai ngành nói trên đang cần một nguồn nhân lực tương đối lớn. Tuy nhiên không phải sinh viên nào tốt nghiệp cũng đáp ứng đuợc các nhu cầu của nhà tuyển dụng đưa ra.
Trong tương lai thì nhu cầu của các ngành này càng lên cao, đặc biệt là ngành Cơ điện tử.
* Ngành Cơ điện tử nhằm đào tạo kỹ sư có kiến thức về điện, điện tử, CNTT; có khả năng giải quyết những vấn đề liên quan đến thiết kế, chế tạo, vận hành, cải tiến và bảo trì các máy móc thiết bị. Ngoài các kiến thứ khoa học cơ bản về toán, lý, tin học; các kiến thức về cơ sở kỹ thuật trong cơ khí, điện, điện tử; kiến thức và kỹ năng chuyên môn về tự động hóa, điều khiển, cảm biến, vi xử lý, sản xuất tự động, truyền thông… SV còn được trang bị kiến thức về ngoại ngữ, giao tiếp xã hội, quản lý xí nghiệp, kinh doanh.
Ra trường, SV có khả năng thiết kế, chế tạo, cải tiến, vận hành và bảo trì các máy móc thiết bị; xây dựng hệ thống phần cứng và phần mềm để điều khiển các máy móc thiết bị tự động và các phương tiện số khác. Kỷ sư cơ điện tử có thể công tác ở các nhà máy, xí nghiệp từ thô sơ đến hiện đại, kỹ thuật cao; các Viện nghiên cứu, các trường ĐH trong lĩnh vực Cơ khí hiện đại, kiều khiển và tự động hóa.
* Ngành Công nghệ sinh học là một tập hợp các ngành khoa học và công nghệ (sinh học: sinh học phân tử, di truyền học, vi sinh vật học, sinh hóa học và công nghệ học) nhằm tạo ra các qui trình công nghệ khai thác ở qui mô công nghiệp các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào động vật và thực vật để sản xuất các sản phẩm có giá trị phục vụ đời sống, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Một số chuyên ngành hiện đang đào tạo ở các trường như công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào, công nghệ mô – công nghệ protein-enzym và kỹ thuật di truyền, CNSH nông nghiệp, CNSH công nghiệp, CNSH môi trường, CNSH thực phẩm, CNSH y dược, tin – sinh học.
Tùy trường, danh hiệu tốt nghiệp ngành CNSH có thể là kỹ sư hoặc cử nhân. Kỹ sư ngành CNSH được trang bị những kiến thức cơ bản về sinh học và kiến thức sâu về kỹ thuật công nghiệp, có khả năng vận hành sản xuất, chọn lọc và phát triển CNSH theo qui mô công nghiệp. Cử nhân ngành CNSH được trang bị những kiến thức chuyên sâu về sinh học, chú trọng các qui luật sinh học và các kỹ năng có thể được khai thác để tạo ra công nghệ và sản phẩm trực tiếp phục vụ cuộc sống, chú trọng tính liên ngành, đặc biệt trang bị các kiến thức và kỹ năng về sinh học phân tử, kỹ thuật di truyền, kỹ thuật tế bào, kỹ thuật lên men, công nghệ enzym…
Kỹ sư/cử nhân ngành CNSH có thể làm việc ở các lĩnh vực: y dược (chẩn đoán bệnh, chế biến thuốc, văcxin); môi trường (xử lý môi trường, đánh giá mức độ độc hại của sản phẩm, xử lý chất thải, bảo vệ môi sinh…); nông – lâm – ngư (giống, bệnh, chất lượng), công nghiệp (lên men công nghiệp, vật liệu sinh học, thuốc, chế biến); tin -sinh học (genomics, proteomics, công nghệ protein…); thực phẩm (công nghệ chế biến thực phẩm, công nghệ bảo quản các sản phẩm sau thu hoạch, các hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm)…
Như vậy về nguyên tắc thì nếu em học ngành Công nghệ sinh học thì vẫn có khả năng tham gia nghiên cứu thuộc chữa bệnh ung thư. Tuy nhiên để đúng chuyên ngành và chuyên sâu thì em phải học các chuyên ngành về Dược hoặc Hoá dược.
HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông có cơ sở phía Bắc và phía Nam, em lại thấy có HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông TPHCM vậy là như thế nào? Điểm tuyển sinh năm 2008 của học viện, điểm NV2 thấp hơn điểm chuẩn, điều này có đúng không? Ngoài ra còn có điểm chuẩn ngân sách và ngoài ngân sách? (p.mh286@gmail.com)
Ban tư vấn có thể khẳng định chỉ có duy nhất một trường HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông thuộc Tổng công Bưu chính viễn thông Việt Nam. Trường có hai cơ sở đào tạo: Cơ sở đào tạo phía Bắc và Cơ sở đào tạo phía Nam.
Việc em nghe tên HV Công nghệ Bưu chính viễn thông TPHCM chỉ là cách gọi tắt của HV Công nghệ bưu chính Viễn thông cơ sở phía Nam mà thôi.
– Từ năm 2007, trường HV Công nghệ Bưu chính viễn thông được cấp thêm chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách. Hệ đào tạo này nhằm tạo điều kiện cho sinh viên chưa trúng tuyển hệ có ngân sách nhưng vẫn muốn theo học.
Điểm khác nhau duy nhất của hai hệ này đó chính là khoản chênh lệch học phí hàng năm. Thường thì học phí hệ ngoài ngân sách cao hơn hệ có ngân sách khoảng 8 triệu/năm.
Đối với hệ ngân sách ( đóng học phí theo quy định của nhà nước) thì năm 2008 trường HV Bưu chính không xét tuyển NV2. Mức điểm chuẩn mà HV Bưu chính công bố chính là điểm chuẩn dành cho hệ ngân sách.
Đối với hệ ngoài ngân sách thì nhà trường tổ chức xét tuyển NV2 với mức điểm sàn thấp hơn điểm hệ ngân sách rất nhiều. Chính vì vậy mà có hiện tượng điểm chuẩn NV2 thấp hơn NV1, nhưng ở đây là điểm chuẩn NV2 hệ ngoài ngân sách.
Ban Tư vấn Tuyển sinh (Dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)