Ngày 30-6, chương trình Tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ 2017 chủ đề “Cùng bạn quyết định tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã chính thức mở màn tại Đồng Nai, được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh này.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) đang tư vấn trong chương trình |
Trong hai ngày 1 và 2-7, chương trình tiếp tục “lên sóng” tại Long An, Tiền Giang và Bình Phước cung cấp nhiều thông tin quan trọng về xét tuyển ĐH-CĐ cho thí sinh.
Khả năng thí sinh sẽ không điều chỉnh nguyện vọng
Mặc dù với những đổi mới trong mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh hiện đã hoàn tất khâu đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ (cùng thời điểm với đăng ký dự thi), tuy nhiên, vài ngày tới, sau khi kết quả thi THPT quốc gia được công bố, các em có cơ hội điều chỉnh thêm một lần nữa.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) lưu ý, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển từ ngày 15 đến 21-7 với phương thức trực tuyến hoặc tới ngày 23-7 nếu điều chỉnh bằng phiếu.
Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, hiện nay các sở GD-ĐT đang chấm thi. Năm nay, 8/9 môn được thi trắc nghiệm. Có thể đầu tuần này, các tỉnh quét xong trắc nghiệm, khả năng tiến độ chấm thi sát với mốc thời gian quy định của bộ. Thí sinh trúng tuyển đợt 1 sẽ nộp phiếu xác nhận nhập học. Các em nào chưa đậu tiếp tục xét nguyện vọng bổ sung từ ngày 13-8. |
Trong tổng số thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia năm nay, chỉ khoảng 75% đăng ký dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH-CĐ, tức khoảng 650.000 thí sinh. Bình quân mỗi thí sinh đăng ký gần 4 nguyện vọng. Khi phân tích những dữ liệu về đăng ký xét tuyển của các em, TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, nếu kết quả thi tương tự như hướng dự đoán hiện nay, có thể lượng thí sinh điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng sẽ không lớn lắm. Trừ những em dự đoán khá sát kết quả của mình, có điểm thi rất cao hoặc rất thấp, khả năng các em phải điều chỉnh lại cho phù hợp thực tế. Những em điểm cao có thể chọn trường tốt hơn, vừa vặn hơn. Những em điểm thấp có thể điều chỉnh lại để có cơ hội trúng tuyển cao hơn.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa thông tin thêm, năm nay, trừ thí sinh tự do thi theo môn, còn lại các em đều thi theo bài. Điều đáng nói, khi thi, thí sinh chọn bài khoa học xã hội nhiều hơn nhưng khi xét tuyển, số lượng chọn những tổ hợp môn truyền thống, chọn các môn trong bài khoa học tự nhiên lại đông đảo hơn.
Trường CĐ “chuyển mình” thu hút thí sinh
Một thay đổi quan trọng, năm nay, ngoại trừ những trường CĐ có đào tạo khối ngành sư phạm, hầu hết các trường CĐ phải xét riêng theo quy chế của Bộ LĐ-TB&XH (cơ quan chủ quản mới), không chung hệ thống xét với các trường ĐH.
Tại các buổi tư vấn đầu tiên, với sự quan tâm của đông đảo thí sinh, nhiều trường CĐ đã chia sẻ những thông tin quan trọng để giải đáp nhanh câu hỏi của các em, phục vụ lựa chọn xét tuyển. TS. Trần Mạnh Thành (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt) cho hay, thích ứng với tình hình mới, năm nay trường có những thay đổi đáng kể trong chương trình đào tạo, mục tiêu đào tạo tập trung hơn. Trước hết, tăng thực hành, tập trung cao hơn cho chuyên môn để các em vững kiến thức, chắc tay nghề, kỹ năng hướng đến việc hội nhập với nền sản xuất thế giới chứ không riêng gì thị trường lao động trong nước. Năm 2017 trở đi, trường đào tạo chương trình CĐ chính quy từ 2 đến 2,5 năm thay vì 3 năm như trước.
Nhiều trường ĐH-CĐ tham gia tư vấn Đại diện nhiều trường ĐH-CĐ sẽ đồng hành cùng Báo Giáo dục TP.HCM qua hàng loạt tỉnh/thành để kịp thời tư vấn thông tin phục vụ xét tuyển cho các thí sinh. Ban tư vấn gồm: TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM); ThS. Cổ Tấn Anh Vũ (Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM); TS. Phan Ngọc Minh (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM; TS. Lê Xuân Trường (Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Mở TP.HCM); ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM; ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM); ThS. Trịnh Hữu Chung (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng); ThS. Đinh Công Viễn Phương (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến); ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM); TS. Hồ Viễn Phương (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng); TS. Trần Mạnh Thành (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt); TS. Hồ Ngọc Tiến (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex TP.HCM); ThS. Nguyễn Xuân Kỳ (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Công nghệ TP.HCM)… |
TS. Hồ Ngọc Tiến (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex TP.HCM) cũng thông tin, việc đào tạo sẽ được trường gắn kiến thức chuyên môn với trang bị kỹ năng, chú trọng nâng cao tay nghề cho người học. Người học được trực tiếp thực hành tại các doanh nghiệp tại TP.HCM, có điều kiện làm quen sớm, sau khi tốt nghiệp có thể thích ứng ngay môi trường làm việc.
Cũng bắt đầu rút ngắn thời gian đào tạo CĐ từ 3 năm xuống còn 2,5 năm, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM bố trí hẳn cho sinh viên 2 học kỳ học tại trường, 1 học kỳ tại doanh nghiệp. Không chỉ vậy, ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo nhà trường) cho biết, ở bậc CĐ, nhóm ngành kỹ thuật, trường hợp tác với các hiệp hội của Nhật Bản tạo việc làm cụ thể cho sinh viên. Nhóm ngành thủy sản năm nay tuyển 100 chỉ tiêu cũng đảm bảo việc làm đầu ra cho các em. Nhóm ngành kế toán cũng tương tự.
Mê Tâm
Bình luận (0)