Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tử vong do bệnh sốt xuất huyết khá cao

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi năm toàn thế giới có khoảng 2 tỷ người mắc sốt xuất huyết (SXH). SXH không chỉ xảy ra ở trẻ em mà ở tất cả các lứa tuổi. SXH xuất hiện quanh năm và cao điểm là mùa mưa. Hiện, TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang bước vào cao điểm của dịch bệnh SXH. Hàng năm (trong tháng 6, tháng 7), TP.HCM có khoảng 600-800 trường hợp mắc SXH/tháng, trường hợp tử vong cũng khá cao.
SXH không chừa một ai
Bệnh SXH do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có bốn tuýp được gọi là D1, D2, D3 và D4. Cơ thể con người phản ứng khác nhau với các tuýp này cũng khác nhau và không có miễn dịch chéo (nghĩa là sau khi bị nhiễm một trong bốn tuýp huyết thanh vẫn có thể bị nhiễm các tuýp huyết thanh còn lại). Vì thế một người có thể mắc SXH bốn lần. Thông thường, những lần sau sẽ nặng hơn lần đầu. Trung gian truyền bệnh SXH là muỗi vằn, có tên khoa học là Aedes aegypti. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, từ sơ sinh đến người cao tuổi nhưng nhiều nhất vẫn là ở trẻ em. Bệnh hiện nay đã xảy ra quanh năm và đợt dịch cao điểm thường vào mùa mưa. SXH có thể gây tử vong nếu phát hiện trễ, điều trị không kịp thời.
Thời gian ủ bệnh của SXH từ 3-7 ngày. Sau giai đoạn ủ bệnh, bệnh nhân sẽ trải qua ba giai đoạn của bệnh. Ba ngày đầu là giai đoạn sốt vì đặc trưng của nó là sốt, giai đoạn này rất khó phân biệt vì nhiều bệnh cũng có biểu hiện sốt. Từ ngày 3 đến ngày 6 được gọi là giai đoạn nguy hiểm, vì bệnh nhân có tình trạng cô đặc máu, xuất huyết, sốc. Đây là giai đoạn bệnh nhân cần được theo dõi và chăm sóc kỹ. Nếu có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm thì cần đưa bệnh nhân nhập viện ngay. Sau ngày thứ 6 sẽ là giai đoạn phục hồi.
Bệnh nhân SXH thường có những biểu hiện: sốt trên 3 ngày, sốt cao là dấu hiệu luôn xuất hiện của SXH (từ 39-40 độ C). Ở trẻ lớn kéo dài 2-7 ngày, ở trẻ nhũ nhi (trẻ còn bú) có thể kéo dài 2-13 ngày, uống thuốc hạ sốt thì giảm nhưng sau đó sốt lại. Song song đó, bệnh nhân còn có các biểu hiện đau đầu, đau cơ, đau hai hốc mắt, ói và đau bụng. Xuất hiện các chấm xuất huyết dưới da giống như nốt muỗi đốt (khi làm căng da xung quanh thì chấm xuất huyết không biến mất). Chảy máu ở mũi, chân răng, ói ra máu, tiêu phân đen, tiểu ra máu… Kế đến là sốc với biểu hiện li bì, bứt rứt, lạnh tay chân, rịn mồ hôi, mạch khó bắt, tụt huyết áp, tiểu ít.
Chăm sóc bệnh nhân SXH tại nhà
Bệnh nhân bị SXH có thể được chăm sóc tại nhà nếu không có các dấu hiệu cảnh báo. Nếu bị sốt cao thì hạ sốt bằng cách lau mát với nước ấm. Cho bệnh nhân uống Paracetamol với liều lượng 10-15mg/kg cân nặng cơ thể/một lần, mỗi ngày uống 3-4 lần. Không nên dùng Aspirin hoặc Ibuprofen để hạ sốt trong trường hợp này. Cho bệnh nhân uống nhiều nước (nước nấu sôi để nguội, nước trái cây, dung dịch Oresol). Không uống nước màu đen và màu đỏ như cà phê, cocacola, pepsi vì bác sĩ dễ nhầm với máu nếu bệnh nhân ói hoặc đi cầu có màu sậm đen giống máu. Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, xúp, sữa… Không nhịn ăn uống tránh suy dinh dưỡng khiến tình trạng bệnh nặng thêm. Phải đưa bệnh nhân đi tái khám theo hẹn của bác sĩ. Việc tái khám nên thực hiện theo lịch hẹn cho đến hết ngày thứ bảy kể từ khi bắt đầu sốt và cho đến khi hết sốt liên tục trong 48 giờ. Tuyệt đối không cạo gió, chích lễ (vì có thể gây vỡ mạch máu) làm tình trạng chảy máu khi bị bệnh SXH nặng hơn. Không truyền dịch ở phòng khám tư vì nếu truyền dịch không đúng có thể làm dư dịch trong cơ thể. Không quấn kín, mặc quần áo nhiều. Đưa người bệnh đến bệnh viện ngay khi có những dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng: lừ đừ, li bì, bứt rứt, ói nhiều, đau bụng nhiều, chảy máu mũi nhiều, chảy máu chân răng hoặc xuất huyết tiêu hóa, tay chân lạnh, rịn mồ hôi…
SXH hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng. Bệnh cũng chưa có vắc-xin phòng ngừa. Do đó, phòng bệnh chủ yếu là diệt lăng quăng, diệt muỗi, vệ sinh môi trường, không để nước tồn đọng tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng. Đặc biệt, người dân phải ngủ mùng, dù phòng máy lạnh cũng phải ngủ mùng.
BS. Trần Thị Thúy
(Phó khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 – TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)