Khi đã cắt lát, phơi khô, chẳng mấy ai biết đó là rễ cây mật nhân thật hay “đểu”? |
Ngày 15-9, ông Nguyễn Quang Hướng (ngụ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) nhập viện trong tình trạng cấm khẩu, tay chân co rút, khó thở sau khi uống rượu ngâm rễ cây mật nhân. Trước đó, một người bạn của ông Hướng, tên Sang mang biếu rễ cây mật nhân. Một ngày sau khi ngâm, ông Hướng chỉ uống một ly và xảy ra tình trạng trên. Hay tin ông Hướng nguy kịch, ông Sang cho rằng không phải lý do ông Hướng nhập viện vì rượu ngâm loại rễ cây này nên đã sang nhà ông Hướng uống thử mấy ly và xảy ra tình trạng tương tự. Đến chiều 14-9, ông Sang đã tử vong. Hiện sức khỏe ông Hướng đã hồi phục.
Theo ghi nhận của phóng viên, các điểm bán rễ cây mật nhân trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, việc mua bán trở nên ảm đạm sau khi các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin về cái chết của ông Sang. Chị Hoàng – người bán ở góc đường Cộng Hòa – Nhất Chi Mai nói như than: “Lúc trước bán mỗi ngày không dưới 50kg rễ cây và trên chục chai rượu, cả tuần nay ế ẩm vì khách lo ngại đến sức khỏe”.
Rượu ngâm rễ cây mật nhân bán ở vỉa hè với giá từ 80.000-120.000 đồng/ chai, tùy lớn nhỏ. Đây là rượu do người bán tự ngâm. Chị Hoàng cầm chai rượu lên, khoe: “Rượu nhứt đó. Đốt nướng khô mực cũng được, từ 45-55 độ, đảm bảo không pha cồn”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết rượu ngâm sẵn bán ở vỉa hè đều sử dụng rễ cây “đểu” hoặc rễ mật nhân đã ngâm nhiều lần, hết màu, giảm vị đắng. Sau một ngày ngâm, rượu có màu vàng chanh mới đúng là rễ cây mật nhân thật. Muốn có màu, người bán cho vào một ít mật ong để đánh lừa khách. Hiện ở lề đường còn xuất hiện mật nhân cô đặc (dạng viên) không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trần An
Bình luận (0)