Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tử vong vì ăn nhầm so biển

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu không biết cách nhận diện sẽ dễ ăn nhầm sam biển (ảnh trên) với so biển (ảnh dưới) dẫn đến ngộ độc
So biển có hình thù gần giống con sam biển nhưng chứa độc tố tetrodotoxin như cá nóc. Do chủ quan hoặc không nhận diện được nên nhiều người đã ăn nhầm, chất độc ngấm vào cơ thể gây ức chế hoạt động tim, ngưng thở.
Cách nhận diện
So biển (người dân gọi là con sam nhỏ) có hình dạng giống con sam biển nhưng chứa nhiều độc tố như cá nóc. Mới đây, tại huyện Cần Giờ, TP.HCM trong bữa tiệc tại nhà, đã có hai người bị ngộ độc phải vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do không nhận diện được con so biển nên đã ăn nhầm. Trước đó, tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cũng đã xảy ra trường hợp ngộ độc tương tự. Điều đáng nói, những trường hợp bị ngộ độc là ngư dân. Tại một số địa phương vùng biển, đặc sản sam được chế biến nhiều món như nấu cháo, nướng mỡ hành, làm gỏi hoặc chiên với trứng vịt… Tuy nhiên, thực khách vẫn quen dùng món sam nướng mỡ hành vì mùi thơm, béo ngậy dễ ăn.
Anh Nguyễn Văn Hải, ngư dân xã Long Hòa, huyện Cần Giờ cho biết, so biển có hình dạng giống sam biển. Tuy nhiên, nếu để ý, đuôi so biển có hình tròn, kích thước khá nhỏ, chỉ vừa lòng bàn tay và nặng trung bình không quá 1kg. Còn sam biển có đuôi vuông (dạng hình tam giác – PV), kích thước lớn hơn và có nhiều gai nhọn hình răng cưa. Sam biển trưởng thành thường có trọng lượng từ 1,7kg đến khoảng 2kg. Theo anh Hải, chính người đi biển lâu năm vẫn còn nhầm vì con sam biển chưa trưởng thành có hình thù giống so biển đến 99%.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vì sam biển có giá trị dinh dưỡng cao cũng như là đặc sản quý hiếm nên giá một con sam biển hiện nay không dưới 350.000 đồng (khoảng 1,2kg). “Nhiều nơi bán từ 50.000-70.000 đồng/ con sau khi đã chế biến thì chắc chắn là con so chứ không phải con sam”, anh Hải khẳng định. Theo nhiều ngư dân huyện Cần Giờ, sam biển hiện không dễ bắt vì nguồn gần như cạn kiệt. Một số địa phương đã nuôi được sam nhưng vì khó nuôi nên giá rất cao. Theo đó, nhiều nơi thu mua so biển về ngâm trong nước nhiều ngày để so nhả độc tố rồi bán. “Cách này cũng hiệu quả nhưng gặp con so chứa nhiều độc tố thì rất nguy hiểm. Có trường hợp mua sam bắt lên tại nơi nuôi hẳn hoi nhưng vẫn bị ngộ độc vì so biển vào khu vực nuôi để sinh sản”, anh Hải nói.
Ông Nguyễn Văn Chiến, ngư dân huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết mùa sam bắt đầu từ tháng 2 nhưng rộ lên vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 hàng năm. Thời gian sam mang trứng khá dài, độ 4-6 tháng nhưng người sành ăn thường chọn sam trứng nhỏ (sam gần trưởng thành) vì trứng mềm, ăn không sảm miệng như sam trưởng thành và chế biến món gì cũng ngon. Với kinh nghiệm gần 20 năm theo nghề giã cào (lưới cào), ông Chiến lưu ý cách nhận diện sam biển: “Thông thường sam đi từng cặp, một đực và một cái. Chục mẻ lưới kéo lên nếu ít sam thì là một cặp hoặc hai cặp, còn có nhiều thì hầu hết là số chẵn. So biển thì đi riêng lẻ. Nếu bắt được so, ngư dân thường đập chết hoặc tiêu hủy để tránh người khác không nhận diện được rồi ăn nhầm.
Sơ cấp cứu
Thời gian qua, tại một số địa phương vùng biển xảy ra nhiều vụ ngộ độc do không nhận diện được nên ăn nhầm con so biển dẫn đến tử vong. Hiện nay, tại một số chợ lớn nhỏ trong thành phố, sam biển được bán với giá khá bèo mà theo người có kinh nghiệm thì giá đó chỉ có thể là so. Người bán mù mờ. Người mua cũng không biết nên đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc. 
Người bị ngộ độc do ăn phải so biển, chừng 10-15 phút sau là có triệu chứng khó thở, cơ thể tím tái nhanh, đầu lưỡi không cảm giác và đặc biệt là nôn mửa. Nếu không kịp thời đưa đi cấp cứu, chất độc trong trứng so sẽ gây mất ý thức, ức chế hoạt động tim, suy hô hấp dẫn đến hôn mê, tắt thở. BS. Hà Thu Hồng, Khoa Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện An Sinh, TP.HCM hướng dẫn biện pháp sơ cứu tạm thời nạn nhân ngộ độc so biển trước khi đưa đi cấp cứu: “Thời gian cấp cứu an toàn cho nạn nhân ngộ độc so biển từ khi ăn đến khoảng 1-1,5 giờ. Nếu có những biểu hiện trên, ngay lập tức cho nạn nhân uống nhiều nước, bằng mọi cách cho nạn nhân ói hết thức ăn. Lúc này, một lượng độc tố trong trứng so chưa ngấm vào cơ thể nên khi điều trị hồi sức tích cực thì việc cứu sống nạn nhân là rất có thể”. BS. Hà cũng lưu ý: “Trứng sam có nhiều đạm, chính vì vậy với người có nguy cơ bệnh gout thì tuyệt đối không nên ăn”.
Bài, ảnh: Trần Anh
BS. Hà Thu Hồng, Khoa Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện An Sinh cho biết, thịt sam chủ yếu là trứng, khi chế biến có mùi thơm, béo, dai như một số loại hải sản khác. So biển hình thù và mùi vị như sam nhưng trong trứng lại chứa chất tetrodotoxin, một loại độc tố có ở nội tạng con cá nóc.
 

Bình luận (0)