Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tử vong vì ong vò vẽ

Tạp Chí Giáo Dục

Ong vò vẽ được xem là “sát thủ” gây chết người. Ảnh: L.T
Ong vò vẽ là một trong những loại côn trùng vô cùng nguy hiểm đối với con người, khi bị ong đốt nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong.
Nguy hiểm đến tính mạng
Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM vừa tiếp nhận 2 trường hợp bị ong vò vẽ đốt ở Đắk Nông trong tình trạng khá nguy kịch. Bé C.T.T.M (8 tuổi) cùng với 2 em đang chơi ở vườn thì 1 bé bất ngờ rung cây, trên cây có tổ ong vò vẽ. Thấy động bầy ong bay ra đốt cả 3 bé, trong đó đã có 1 bé tử vong sau khi bị ong đốt nửa ngày. 2 bé còn lại được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. BS. Huỳnh Minh Thu (Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết: “Do nọc độc của con ong mà 2 bé trong tình trạng rối loạn đông máu nặng. Hai ngày đầu khi chuyển đến viện các BS đã tiến hành làm công tác hồi sức và lọc máu. Đến ngày thứ 3 thì tình trạng của các bé đã tạm ổn định, nhưng vẫn cần phải tiến hành theo dõi thường xuyên”. BS. Thu cho biết thêm: “Bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận những ca bệnh bị ong đốt, các ca bệnh này tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên hay những vùng trồng nhiều cây ăn trái do ong hay làm tổ ở những nơi có cây cối rậm rạp hoặc những vùng có nhiều hoa thơm mật ngọt”. Chính vì bản tính tò mò, hiếu động mà nhiều bé thích trêu chọc tổ ong nhưng không biết được tác hại của nó nên thường gây ra những hậu quả vô cùng thương tâm.
Ngày 31-8, một bầy ong vò vẽ đã bất ngờ tấn công các học sinh Trường THPT chuyên ban Tân Phú (huyện Định Quán, Đồng Nai) làm 14 học sinh phải nhập viện cấp cứu. Được biết, tổ ong này đã tồn tại ở gần trường học khá lâu và có thể do các em học sinh đã lấy đá ném lên tổ ong nên mới xảy ra sự việc trên.
Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) hiện đang điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị Hạnh (51 tuổi, ở xóm Đá 1, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, Hòa Bình) bị ong vò vẽ đốt khiến suy gan, thận. Được biết trong lúc chạy đuổi con lợn xổng chuồng, bà Hạnh bị đàn ong vò vẽ tấn công đốt kín đầu, mặt, tay chân. Để cứu sống bà, các BS phải lọc máu liên tục, chạy thận nhân tạo…
Theo BS. Thu sau khi bị ong đốt thì người bệnh có thể bị ngứa, nổi mề đay, sau đó là sốc phản vệ, khó thở, phù nề thanh quản. Tiếp đến có thể bị suy hô hấp, phù nề các phế nang, nôn, tụt huyết áp… Do không đi tiểu được nên cơ thể giữ nước, không thải ra ngoài dẫn đến suy thận cấp. Trong các loại nọc ong thì nọc ong vò vẽ thuộc loại nguy hiểm nhất.
Không được bỏ chạy
Khi phát hiện ong mới làm tổ thì cần phá bỏ ngay, nhất là ở nơi đông người qua lại hoặc ở trong gia đình. Đây là loại ong rất nguy hiểm và nó có thể tấn công con người bất cứ lúc nào.
Theo phản xạ tự nhiên khi bị ong đốt thì chúng ta thường bỏ chạy hoặc dùng bất kể một vật gì gần nhất để xua đuổi bầy ong. Tuy nhiên, đó là việc làm chưa đúng mà còn tạo cơ hội để bầy ong tấn công trở lại. BS. Thu nhấn mạnh: “Nếu bị ong tấn công thì trước hết là phải hết sức bình tĩnh, lúc này cần phải tỉnh táo. Chúng ta nhẹ nhàng di chuyển ra khỏi khu vực có ong, tránh bỏ chạy tán loạn vì càng chạy thì ong càng tấn công”.
Khi bị ong đốt cần phải làm một số biện pháp sơ cứu ban đầu như lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp gắp ra vì hầu hết sau khi ong đốt đều để lại vòi chích và túi nọc trên da. Tránh dùng tay để nặn vết đốt vì có thể làm cho nọc lan rộng, sau đó rửa sạch vết đốt bằng xà phòng hoặc nước ấm, bôi thuốc sát trùng lên vết đốt. Tăng cường uống nhiều nước để loại thải độc tố, tiến hành chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng. Sau khi làm các biện pháp sơ cứu ban đầu, người gặp nạn cần được đưa đến các cơ sở y tế để kiểm tra và theo dõi kịp thời. BS. Thu khuyến cáo: “Để tránh ong đốt thì không được chọc phá tổ ong, thường xuyên phát quang bụi rậm vì ong thường làm tổ ở cành cây hoặc những nơi rậm rạp. Khi thấy ong xuất hiện thì không được bỏ chạy, khi vào rừng tránh mặc quần áo sặc sỡ mà nên mặc quần áo dày và kín, cần đội mũ, đeo găng tay…”.
Nghiêm Quế
Ong vò vẽ đốt hơn 100 mũi gây tử vong
Nạn nhân là anh Huỳnh Phước Tịnh (31 tuổi, thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2, Quảng Nam) đã tử vong sau 5 ngày điều trị tại bệnh viện. Trước đó, vào trung tuần tháng 8-2014, anh Tịnh đi ăn đám giỗ ở nhà hàng xóm. Khi dắt xe ra về thì vô tình đụng phải tổ ong vò vẽ trên cây chanh và bị đàn ong này rượt đuổi. Anh Tịnh vấp ngã trên đường bỏ chạy và bị đàn ong này tấn công, nằm bất động sau nhà, toàn thân sưng phù với hơn 100 mũi kim do ong đốt. Anh Tịnh được đưa ngay tới Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam chữa trị trong tình trạng bất tỉnh. Do thương tích quá nặng, các BS yêu cầu chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng nhưng nạn nhân đã tử vong. PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khuyến cáo, nếu bị ong vò vẽ tấn công, có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào sẵn có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi. Nên diệt tổ ong bằng cách dùng khói, bình xịt diệt côn trùng (ví dụ bình xịt muỗi) để xua ong đi hết. Sau đó, dùng màn hoặc lưới mắt nhỏ để bọc tổ ong và gỡ đi, tránh trường hợp ong còn trong tổ.
M.H
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)