Hàng loạt các vụ việc xảy ra trong trường học liên quan đến chất lượng bữa ăn bán trú, mới đây nhất là vụ bữa ăn bán trú bất thường (do bị cắt xén) diễn ra tại một trường tiểu học ở tỉnh Lào Cai. Trước đó không lâu, dư luận cũng rất bất bình về việc thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, hư hỏng để trong tủ đông tại một trường tiểu học ở TP.Thủ Đức…
Theo tác giả, các địa phương nên “phủ sóng” camera trong trường học vì những lợi ích rất cần thiết trước mắt và lâu dài (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Từ đây đặt ra vấn đề cấp bách là cần có camera giám sát trong không gian trường học.
Nhiều ích lợi khi có camera trong trường học
Nhiều vụ bạo hành trẻ ở trường mầm non đến tiểu học diễn ra, kéo dài nhiều ngày nhưng lãnh đạo nhà trường không biết, phụ huynh không hay, còn trẻ nhỏ thì sợ nên không dám lên tiếng. Nếu không có những clip do bức xúc mà phụ huynh quay lại, không có những chiếc camera để trích xuất lại thì lấy đâu ra cơ sở, bằng chứng mà làm rõ các vụ bạo hành của người nuôi dạy trẻ, của giáo viên thời gian qua. Điều này đặt ra vấn đề về tác dụng của việc gắn camera trong lớp học.
Thực tế là nhiều trường học đã đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát trước đó nhiều năm, nhiều trường mới dùng và duy trì đến hiện tại bởi rất nhiều lợi ích của nó. Hàng loạt các vụ bạo lực học đường diễn ra ngay trong không gian trường học vừa qua, nếu nhà trường có camera, sẽ có điều kiện xử lý kịp thời. Chứ không phải để cả tháng sau, khi các clip được quay lại bằng điện thoại tung lên mạng, dư luận dậy sóng, rồi mới giải quyết hậu quả muộn. Khi chủ trương này mới đưa vào thực hiện, nhiều người e ngại và cho rằng không nên vì như thế sẽ mất đi sự tự nhiên trong sinh hoạt, học tập. Nhất là giáo viên, họ có cảm giác như bị “theo dõi”, nên mất sự tự tin trong giảng dạy trên lớp. Nhưng lâu ngày sẽ thành quen. Nếu học sinh cứ sinh hoạt, học tập bình thường, giáo viên giảng dạy hết nghĩa vụ của mình thì những chiếc camera kia cũng như bị lãng quên tạm thời, không còn áp lực gì từ nó tạo ra. Việc gắn camera trong lớp học có nhiều tác dụng tích cực. Nó giúp nhà trường quản lý tốt hơn việc giảng dạy của giáo viên và giáo viên sẽ phải thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Hỗ trợ nhà trường, giám thị quản lý học sinh trong giờ học, giờ chơi, kiểm tra, thi cử. Hạn chế rất nhiều nạn bạo hành, ẩu đả, nạn mất cắp trong lớp. Hơn nữa, nó giúp cho học sinh quen dần với việc này. Vì hiện nay hầu hết các môi trường ngoài xã hội đều có camera giám sát. Chính vì những ích lợi đó, nhà trường nên kết hợp với phụ huynh để gắn camera trong lớp học.
Từ lâu rồi, nhiều trường mầm non ở TP.HCM đã chủ động làm việc này. Khi quảng cáo tuyển sinh, họ không ngần ngại đưa tiêu chí này ra để thu hút phụ huynh gửi trẻ. Nhiều phụ huynh ủng hộ vì họ có thể theo dõi, quan sát con mình học hành, ăn ngủ bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Nhiều trường phổ thông hiện nay cũng đã cho gắn camera trong khuôn viên nhà trường, các hành lang và trong lớp học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm, việc chấm thi tại TP.HCM cũng có camera giám sát tất cả các công đoạn.
Sự hữu ích nhãn tiền mới đây tại một trường THPT ở quận Tân Phú (TP.HCM) do camera trong lớp học mang lại. Đó là việc học sinh tố giác tiêu cực trong kiểm tra cuối kỳ của một học sinh khác trong quá trình làm bài. Từ lời tố giác đó, giám thị đã trích xuất lại camera trong lớp học để “phạt nguội” em học sinh vi phạm. Vì vậy có thể nói, việc kiểm tra đánh giá hay quản lý nề nếp tác phong học sinh, cả việc hạn chế nạn ăn cắp vặt trong lớp, camera là con “mắt thần”, hạn chế vi phạm, dễ điều tra xử lý, và giảm thiểu nhân lực cho nhà trường. Vì mỗi giám thị có thể quản lý mấy chục lớp.
Cần nhân rộng việc gắn camera trong học đường
Ai cũng nghĩ môi trường giáo dục là lành mạnh, trong lành. Nhưng tại sao lại xảy ra các vụ việc bạo hành giữa giáo viên và học sinh, phụ huynh “đột nhập” vào trường bạo hành giáo viên, con của phụ huynh khác? Rõ ràng giữa lý thuyết và thực tế có một độ chênh rất lớn, không thể “lý tưởng” hiệu quả giáo dục nếu không không có một giải pháp cụ thể nào. Giải pháp đó, một phần là nhờ có camera giám sát trong không gian trường học, lớp học.
Sau vụ bữa ăn bán trú bất thường diễn ra mới đây tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai đề nghị các trường THPT thực hiện lắp camera giám sát toàn bộ khu vực chế biến thức ăn, khu vực chia suất ăn và khu vực ăn của học sinh. Tạo tài khoản và công khai tài khoản truy nhập camera để cha mẹ học sinh, tổ chức đoàn thể, các cơ quan truy cập giám sát. Nguồn kinh phí tự chủ của nhà trường và hoàn thành lắp đặt xong trước ngày 10-1-2024. Đây là việc làm dù hơi muộn, vì “mất bò rồi mới lo làm chuồng”, nhưng rất thiết thực, cần làm ngay. Về lâu dài cần nhân rộng ra toàn bộ các khu vực khác trong không gian học đường. Và thiết nghĩ, các địa phương khác trên cả nước cũng nên tính đến giải pháp “phủ sóng” camera trong trường học vì những ích lợi rất cần thiết trước mắt và lâu dài của nó.
Về số lượng và vị trí lắp đặt, không nên lắp đặt tràn lan tốn kém, mà chủ yếu ở những nơi thật sự cần thiết. Chẳng hạn trước cổng trường (từ 1 đến 2 cái), góc sân trường (nơi có tầm nhìn bao quát), dọc theo hàng lang, các phòng chức năng và phòng học (mỗi phòng chỉ nên 1 cái, gắn ở phía trên, bên góc bảng).
Điều quan trọng còn lại là cách làm. Ai sẽ là người giám sát thường xuyên? Có tồn tại việc bao che, giấu giếm?… Cho nên rất cần đến cách phân công cụ thể cho bộ phận chuyên trách (chẳng hạn đại diện cha mẹ học sinh). Dù đã có camera, song cũng cần đến sự tự giác, tự ý thức, sự nhân tâm của con người. Nếu học sinh, giáo viên, các bộ phận khác trong nhà trường mà tìm cách “đối phó” với camera thì thật sự tác hại ngược lại rất lớn. Thế nên gắn camera trong không gian học đường là một chuyện, cái còn lại là sự tự giác, sự tự ý thức của vai trò con người. Làm sao để môi trường học đường thật sự là một môi trường trong sáng, lành mạnh, mẫu mực, sư phạm, nhân văn.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)